Trên tinh thần đó, những người yêu thích văn chương, nghệ thuật, văn hóa, nhất là văn hóa Tày có thêm một công trình nghiên cứu công phu, hướng đến một hình dung tổng thể về nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc… Đó là chuyên luận “Thơ dân tộc Tày sau năm 1945” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016) của Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Huyền (Phòng Văn học các dân tộc thiểu số, Viện Văn học).
Chuyên luận "Thơ dân tộc Tày sau năm 1945" là một nỗ lực tái hiện không gian văn hóa Tày trong bức thổ cẩm của văn hóa Việt Nam. Có thể nói, đó là một sắc thái trong bức tranh nhiều màu được dệt nên bởi văn hóa của các tộc người sinh sống trên mảnh đất Việt Nam. Dân tộc Tày có số lượng cư dân đông ở Việt Nam. Cư trú ở hầu hết các tỉnh trung và thượng du Bắc Bộ. Dân tộc Tày sở hữu một nền văn hóa vật chất và tinh thần rất phong phú. Xác định đây là một cộng đồng văn hóa phức tạp, hấp dẫn, Đỗ Thị Thu Huyền đã dành nhiều thời gian sưu tầm, điền dã, nghiên cứu, tìm hiểu… để có được những căn cứ nhìn nhận thỏa đáng vấn đề: Đời sống tinh thần dân tộc Tày thể hiện trong thơ trữ tình sau năm 1945. Trước vấn đề này, với mốc khảo sát từ sau Cách mạng Tháng Tám (1945), tư duy hệ thống của tác giả đã hình thành nên một mô hình nghiên cứu với 4 trụ cột: Phần 1: Văn hóa và đội ngũ các nhà thơ dân tộc Tày; Phần 2: Hiện thực đời sống trong thơ dân tộc Tày; Phần 3: Các phương diện nghệ thuật cơ bản của thơ dân tộc Tày; Phần 4: Một số gương mặt tiêu biểu trong thơ Tày.
Dệt thổ cẩm, sắc màu văn hóa của đồng bào dân tộc Tày. Ảnh minh họa/nguồn tuyenquang.gov.vn
Có thể nói, phần 1 chính là một mô tả ngắn về diện mạo dân tộc Tày cả về địa lý, lịch sử, văn hóa, văn học. Trong đó, đáng lưu ý là tác giả chuyên luận đã nêu lên được một cách khá rõ về văn hóa dân tộc Tày trên cả phương diện vật chất và tinh thần. Chữ viết cùng với vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, trang phục, ẩm thực, văn học dân gian… được nêu lên trong phần này như một hình thức kiến tạo móng nền, là căn cứ cho những diễn giải hiện đại về văn hóa, văn học dân tộc Tày. Đội ngũ các nhà thơ Tày cũng được nêu lên trong phần thứ nhất như là một hình dung có tính kiểm kê về nguồn lực tạo nên văn học, văn hóa Tày sau năm 1945. Theo đó, đội ngũ sáng tác thơ dân tộc Tày sau năm 1945 có thể nhắc đến những người như: Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Triều Ân, Ma Trường Nguyên, Y Phương, Mai Liễu, Triệu Lam Châu, Nông Thị Ngọc Hòa, Dương Khâu Luông, Vi Thùy Linh, Hoàng Chiến Thắng… Cùng với nhiều người khác nữa được khảo sát trong chuyên luận, đội ngũ này được hình dung qua 4 thế hệ, kế tiếp nhau gắn với ba xu hướng vận động chính: Truyền thống, dân tộc và hiện đại, xu hướng hiện đại. Đó là dòng sông không ngừng nghỉ trong mạch nguồn văn hóa Tày và rộng hơn là trong dòng chảy đa sắc thái của văn hóa Việt Nam.
Phần thứ hai của chuyên luận này về mặt thao tác khoa học là sự triển khai ở một cơ tầng sâu hơn văn hóa dân tộc Tày từ những cứ liệu thơ ca. Trọng tâm của những diễn giải về hiện thực đời sống người dân Tày chính là hình tượng quê hương, con người và tình yêu. Cảnh sắc thiên nhiên nơi cư trú của dân tộc Tày hiện lên hùng vĩ, tươi đẹp, giàu sắc thái trữ tình. Có thể nhận thấy trong thơ dân tộc Tày sau năm 1945, tình yêu quê hương được bày tỏ rất rõ nét. Trong ý nghĩa nhân văn sâu xa, quê hương là hiện thân của cội rễ, của căn cước dân tộc. Hiểu điều đó, người Tày “tự đục đá, kê cao quê hương” (Y Phương). Trong không gian văn hóa Tày, con người chính là trung tâm, là tinh hoa của những kiến tạo văn chương. Ở đây, trong thơ Tày sau năm 1945, tác giả chuyên luận nhận thấy hình tượng người mẹ vùng cao và người lính áo chàm trở thành điểm sáng, thành niềm cảm hứng mãnh liệt cho sáng tạo nghệ thuật. Người mẹ lam lũ, giàu đức hy sinh, người mẹ vùng cao trong thơ dân tộc Tày đã chạm thêm một nét sâu đằm vào văn hóa mẫu tính, vào biểu tượng Mẹ của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, hình tượng người chiến sĩ áo chàm cũng hiện lên như một trung tâm, một tượng đài về những người con đã làm nên cuộc trường chinh chống thực dân Pháp của dân tộc. Cùng với hình tượng quê hương, con người là đời sống tình yêu của dân tộc Tày trong thơ. Có thể thấy, đây là mảng đề tài lớn, mang nhiều cảm hứng và cũng gặt hái được nhiều thành tựu. Đó là tình yêu của những cư dân vùng cao, cách cảm, cách nghĩ, cách bày tỏ chân thành, mộc mạc gắn với rừng cây, núi đá, con suối, mặt trăng, mặt trời, rễ cây, quả rừng… Mỗi dân tộc tự tìm thấy những cách thức riêng để bày tỏ thế giới tinh thần mang bản sắc của dân tộc mình. Ở đây, tình yêu người Tày cũng hiện lên đậm đà không khí văn hóa của cư dân áo chàm.
Một đóng góp khá quan trọng của chuyên luận "Thơ dân tộc Tày sau năm 1945" chính là tác giả đã có những nghiên cứu cụ thể về thành tựu thơ của dân tộc Tày trên phương diện nghệ thuật. Đó là sự đan xen thể loại, sự đa dạng của ngôn ngữ và giọng điệu. Đáng chú ý là những nghiên cứu sâu về hệ biểu tượng trong thơ của dân tộc Tày sau năm 1945. Có thể nói, biểu tượng chính là kết tinh của văn hóa, là di chỉ của lịch sử tộc người. Vì thế, thông qua hệ thống biểu tượng: Mẹ, hoa, áo chàm, lúa, ngựa… tác giả đã làm sống lại lịch sử tâm thức dân tộc Tày từ truyền thống đến hiện đại. Đặc tính của biểu tượng là vừa có tính ổn định lại vừa linh hoạt, vừa bảo lưu đồng thời lại luôn dung nạp các sắc thái mới. Do vậy, điểm thành công của chuyên luận chính là nhìn ra quá trình vận động và dịch chuyển các lớp nghĩa của biểu tượng văn hóa Tày trong đời sống cộng đồng người Tày và trong không gian văn hóa Việt Nam từ sau năm 1945 đến nay.
Một điểm rất đáng chú ý từ chuyên luận "Thơ dân tộc Tày sau năm 1945" chính là không gian văn hóa, văn học tộc người được nhìn nhận từ cả ở diện và điểm. Tựa như khi đi rừng chúng ta dõi theo những ngọn núi, cái nhìn chăm chú vào các đỉnh cao chỉ cho chúng ta những lối đi, những hình dung ở tầm cao của một không gian phức tạp, bộn bề. Người đi trong sắc Tày ít ra sẽ không đến nỗi bị lạc bởi phía trước một “Nông Quốc Chấn-kết hợp truyền thống và tinh thần thời đại”, một “Triều Ân-đại ngàn xanh thắp nắng”, một “Y Phương-hát bây giờ để còn hát mai sau”, một “Mai Liễu-Thơ bay về núi”...
Có thể nói, trong sự rậm rạp, phồn sinh của đại ngàn, của không gian văn hóa tộc người, thơ dân tộc Tày sau năm 1945 như một chỉ dấu vẫy gọi độc giả đến và trải nghiệm đời sống của cộng đồng người Tày. Từ đó, cùng với những sắc thái khác, người đọc hình dung đầy đủ hơn về tính đa dạng, phong phú của văn hóa Việt Nam.
TS NGUYỄN THANH TÂM