Làng chị ở sát chân đê. Có năm lũ lên cao, thân đê bị vỡ, nước tràn qua ngập trắng cả đồng. Người làng phải lục tục bơi thuyền đi chạy lũ. Chỉ riêng hàng gạo già ven đê thì vẫn đứng đó chơ vơ giữa biển nước mênh mông. Lúc ấy ranh giới bị xóa nhòa, mọi người phải nhìn vào hàng gạo để biết bờ đê.

Hàng gạo được trồng từ bao giờ chẳng ai rõ. Chỉ biết rằng thân cây già nua nổi đầy u cục, gốc to phải mấy người ôm mới hết. Cây ở dốc xuống bến đò có hốc lớn, người trong xóm đặt cả bát hương ở đó. Cũng bên gốc gạo này, đội du kích của làng đã nổ súng chống địch đi càn. Về sau, bao lớp thanh niên lại sang sông lên đường chiến đấu, gốc gạo già trở thành nơi khắc ghi lời thề quyết tâm tiêu diệt giặc thù.

Những năm lao động hợp tác, xã viên làm đồng về ngồi nghỉ dưới bóng cây gạo mọc gần điếm canh. Tiếng nói cười râm ran cả một khúc sông quê. Chị ngồi cạnh mẹ nghe các bà trong làng hỏi han chuyện cấy cày sản xuất, chuyện gia đình nhà cửa, cháu con. Còn bố ra chỗ các ông vẫn hay ngồi uống nước chè, rít thuốc lào phả khói ấm nồng cả khúc sông quê. Riêng đàn trâu bò được thảnh thơi nằm nhai cỏ dưỡng sức, thỉnh thoảng lại “ầm ò” những câu vô nghĩa. Từ gốc gạo nhìn ra xa là cả cánh đồng làng miên man màu vàng no ấm. Những ngôi nhà cao tầng thấp thoáng dưới bóng cây. Tất cả đã dệt nên bức tranh quê hương êm đẹp.

Chị nhớ biết bao những buổi trưa hè, hàng gạo ven đê vẫn là nơi vui chơi lý tưởng của đám trẻ trong làng. Đã bao lần chị cùng chúng bạn vừa chăn trâu vừa hò hét dưới bóng cây. Những buổi đi học về, cô bé xóm chài cùng bạn còng lưng đạp xe trên mặt đê rồi thi nhau phi xuống dốc, bị ngã xõng xoài lăn trên bãi cỏ, đầu gối tím bầm. Đùa mệt, đám con trai vứt xe ngay dưới gốc cây hò hét nhau ngụp lặn đục ngầu cả khúc sông quê.

Hàng gạo gắn với cả khung trời kỷ niệm. Đôi mắt ngây thơ ngày ấy của chị đã chứng kiến sự đổi thay của từng gốc gạo già. Mùa đông, cây chia xa ngàn vạn diệp lục để lại những cành khô khốc, đơn côi. Ấy vậy mà khi sang xuân, nhựa sống căng trào bỗng cựa quậy dưới lớp vỏ xù xì. Những mầm xanh nõn nà thi nhau nảy nở dưới mưa xuân thúc giục từng nụ hoa tròn tí xíu. Cho đến một ngày cô bé đã reo lên khoe với bạn khi thấy những nụ hoa bung nở cháy đỏ cả một triền đê. Tháng ba đã về, những bông hoa gạo đã thắp sáng bầu trời, thời tiết bừng lên màu nắng ấm chan hòa.

Đám trẻ quê chị thích nhặt những bông hoa gạo rụng rơi. Chúng đem kết thành những chuỗi hoa đeo cổ, đội đầu. Mùa hoa gạo qua nhanh để lại những xác pháo tơi bời dệt đỏ bờ đê. Chẳng mấy chốc lá xanh đã phủ kín trên cành. Lấp ló dưới tán lá là những quả gạo nhỏ cứ lớn dần chuyển sắc từ xanh sang xám. Khi quả gạo già, vỏ bắt đầu tách ra. Những bông tuyết bắt đầu bung nở bay bay trong gió vương vào mái tóc của cô bé nhà quê cần mẫn ngồi cắt cỏ cho trâu. Bay theo những nhúm bông ấy là các hạt gạo đen tuyền, nhỏ xíu như hạt tiêu. Cô bé nhặt hạt gạo nhấm thử thấy vị bùi bùi, ngầy ngậy.

Bẵng đi mấy chục năm lấy chồng xa quê, chị nay mới có dịp trở về tảo mộ ông cha. Nhìn từ xa, lùm hoa gạo như mâm xôi gấc đầy ăm ắp. Đi dưới hàng gạo già bên triền đê, bao chuyện xưa lại bồi hồi ùa về sống động tươi mới. Những bông hoa gạo đã đánh thức cả một vùng ký ức tuổi thơ. Hoa thì vẫn thắm đỏ mà tóc người đã phôi pha. Chị lặng lẽ nhặt những cánh hoa rơi để vào trong túi xách như muốn lưu giữ những kỷ niệm êm đềm nơi làng quê yên ả.

ĐỨC NAM