Đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng) từ xa xưa đã có một nền văn hóa đặc sắc, đậm bản sắc dân tộc và rất phong phú... Thời gian đi qua, ngoài văn hóa cồng chiêng vừa được Tổ chức Giáo dục-Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại; thì một số nhạc khí khác có nguồn gốc từ cây rừng mà tre nứa là những "vật liệu" chính, trong đó đa dạng nhất là đàn.
Những "linh vật" này đang có xu hướng mất dần. Hiện ở Gia Lai chỉ còn một người đang ngày đêm say sưa vừa bảo tồn, vừa phát huy, sáng tạo giá trị văn hóa của các loại đàn, phục vụ trong đời sống hằng ngày của đồng bào. Đó là Rơ Châm Tih-một nghệ nhân, một cựu quân nhân, trở về sau hai năm phục vụ trong quân đội.
Chuyện làm trò và làm thầy
Ở Tây Nguyên, người giỏi làm đàn không mấy ai giỏi chơi đàn và ngược lại. Chỉ có một Rơ Châm Tih người ở làng Jút, xã IA Dêr, huyện Iagrai (Gia Lai), 30 tuổi, chơi đàn đã giỏi mà làm đàn lại càng giỏi hơn. Thời gian qua, chính anh đã bảo tồn được một số loại đàn đang có xu hướng mai một dần như: t'rưng, bru (sáo dọc), knik, tingning (đàn goong-cách gọi của người Ba-na), đinh pơng. Đặc biệt Tih còn biết phát huy tác dụng của các loại đàn mà theo anh là những "linh vật" giao hòa tâm linh giữa con người với thần linh, giữa tâm hồn con người với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá trong gia đình như: klok, brô amom, brô mong, hep brung, đing dek…
Âm thanh của các loại đàn này ta nghe cứ như là tiếng thở của đồng quê thân thuộc, hơi lạnh của sương đá vào buổi sáng, bồng bềnh mây trắng bay vào buổi chiều và tựa những hơi thở dịu dàng, gấp gáp mà đắm đuối của bao đôi lứa yêu nhau...
Ngồi xem Tih làm những chiếc đàn nhiều kiểu dáng, nhiều màu sắc rất đẹp, nhưng chỉ bằng một con dao cán dài, lưỡi nhỏ (vật gia dụng trong mỗi gia đình của người Giơ-rai). Tôi hỏi: Sao Tih không mua mấy con dao, mấy dụng cụ để cắt, gọt, khoan… làm cho nhanh và đẹp hơn?
 |
Rơ Châm Tih làm đàn. |
Tươi cười Tih nói: Đây là những “linh vật” mang sắc thái và tâm hồn của người Giơ-rai, Ba-na được làm ra từ cây rừng mà tre nứa là vật dụng chính; mình không thể làm nhanh được, vừa làm mình vừa chỉnh sửa từng đoạn, từng thanh, từng “nốt” sao cho tiết tấu hay và hợp với những âm thanh mà mỗi loại đàn mang lại mỗi khi sử dụng chúng. Khi nghe tiếng đàn, lòng người xao động, thanh thản, không thù oán, hờn giận nhau mà chỉ cùng nhau hướng tới cái tốt đẹp, cái tinh khiết của trời, của đất; quên hết mệt mỏi sau những ngày lao động vất vả. Nghe tiếng đàn, con thú trong rừng không quậy phá nương rẫy, con chim bay về tổ; con bò, con trâu không lạc bước trên đồi. “Thần linh” hiểu được lòng người, nắng hòa, mưa thuận, mùa màng tốt tươi, nhiều hoa, nhiều trái… Nói xong, uống ngụm nước chè xanh, Tih cầm bRu và thổi bài Dăm bRông (chàng trai dũng cảm).
… Năm nay nắng nóng/ Nóng cháy da người/ Mùa xuân đã tới/ Đất trời Tây Nguyên/ Có chàng trai dũng cảm/ Tìm nước về cho dân/ … Có con chim báo hiệu/ Có con ve báo thức/ Chuẩn bị mùa mưa tới/ cây lá tốt tươi / nhiều hoa, nhiều quả/ đôi lứa yêu nhau/ bập bùng lễ cưới…
Tih làm đàn, Tih chơi đàn giỏi và hay thì dân chúng trong vùng ai cũng biết. Nhưng chuyện Tih tình nguyện dạy học trò (làm thầy) cách làm các loại đàn và chơi đàn thì có lẽ là chuyện mới. Đó là vào đầu năm 2005, một ngày trời mưa nặng hạt, Tih không thể bước ra khỏi nhà được, một mình ngồi say sưa làm đàn, rồi lại chơi đàn… Chợt thấy lòng buồn buồn, Tih gọi Siu Tim, thằng con trai lớn vào rồi nói như ra lệnh: “Mày gọi mấy thằng trai làng cùng tuổi về đây tao dạy đàn cho…”. Thế là mấy ngày sau, căn nhà của Tih đã trở thành lớp học. Học trò của Tih không nộp tiền cho “thầy” mà chỉ nộp “sản phẩm” làm ra hằng ngày để “thầy” chấm điểm. Đến nay, Tih đã dạy làm đàn và chơi đàn “thành thạo” được 12 trò là những thanh niên, trai tráng trong làng; trong đó có con trai của mình. Đây là “đội quân” trợ thủ đắc lực cho nghệ nhân Rơ Châm Tih mỗi lần ra sàn biểu diễn.
Người chủ nhỏ và những ước mơ lớn
Sự đam mê của Tih đã đạt được những hiệu quả thiết thực đó là tiếng đàn của Tih không những bay bổng trong làng Jút nữa mà đã bay qua Phố Núi, vào tới Thành phố Hồ Chí Minh, ra Hà Nội… phục vụ cho hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước. Đến nay, Tih là người dân Giơ-rai ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung bước ra khỏi cái “Giọt nước” đến với công chúng nhiều nhất. Sự trưởng thành của Tih cũng bắt đầu trong cuộc đời binh nghiệp. Năm 1991 Tih nhập ngũ và trở thành “chiến sĩ văn nghệ” của lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai. Hai năm phục vụ trong quân đội, Tih đã tham gia nhiều lần hội diễn, giao lưu và đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Song có lẽ ấn tượng nhất trong đời là năm 1992, tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng LLVT Quân khu 5, Tih đã giành huy chương vàng với tiết mục độc tấu t'rưng “Mừng chiến thắng Chư Pah”.
Năm 1993 hoàn thành nghĩa vụ quân sự về làng, Tih tiếp tục phát huy “tay nghề” và cứ thế nhiều lần Tih cùng các đoàn tham gia hội diễn; hết toàn quốc đến toàn quân. Đến nay, Tih đã có 10 huy chương vàng, hơn 20 huy chương bạc, cùng với nhiều bằng khen, tặng phẩm.
Năm 2000, Tih vào TP Hồ Chí Minh tham gia hội diễn “Gặp gỡ đất phương Nam”. Lần đó sau khi biểu diễn xong, có người hỏi mua lại Tih cây đàn t'rưng với giá 300.000đ. Thế là máu “kinh doanh” trong người Tih hình thành. Về làng Tih cùng bạn quyết định thành lập “hợp tác xã” sản xuất hàng mỹ nghệ Tây Nguyên.
Lúc đầu, mỗi ngày xưởng củaTih chỉ làm được hơn 20 đàn t'rưng, giá loại nhỏ khoảng 25.000 đồng/chiếc, loại lớn từ 50 đến 250.000đ/chiếc. Cái hay của xưởng đàn do Tih làm “người chủ nhỏ” là sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Lương bình quân của mỗi “công nhân” từ 800.000đ đến 1.500.000đ/tháng; về sau, làm được nhiều hơn. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia thương đã đến Phố Núi xem, tìm hiểu và đặt hàng; nhưng xưởng của Tih cũng chưa bảo đảm được, phần vì thiếu nguyên liệu, thiếu người làm và điều đặc biệt hơn là làm các loại đàn được coi là “tiếng tơ đồng”, vật “tâm linh” của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, không thể làm nhanh, làm ẩu mà phải làm bằng chính sự rung động của bàn tay và tâm hồn người nghệ sĩ, nghệ nhân.
Trao đổi cùng chúng tôi về những dự định thời gian tới, Tih nói như khoe: Mình mới mở lớp "huấn luyện” cho 45 học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các học sinh sẽ vừa học vừa làm, sau khi tốt nghiệp một số sẽ ở lại cùng “thầy giáo” làm việc. Số còn lại về các làng bản là những hạt nhân vừa truyền đạt vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các đàn trong đời sống cộng đồng các dân tộc...
Già làng Siu Nur, không giấu được niềm vui khi nói về nghệ nhân Rơ Châm Tih. Ông cho biết: “Làng này có nhiều thanh niên làm đàn và chơi các loại đàn, nhưng giỏi như Tih thì không có, Tih có hồn với tre nứa, tay nó lại khéo và chăm chỉ làm ra các loại đàn; mà thời gian qua trong cuộc sống đồng bào mình không được bảo tồn và phát huy. Chỉ cần nó thổi một chút hơi vào các “linh vật” đó, thì những tiếng đàn không những bay cao, bay xa mà còn vang vọng mãi trong lòng người… Dân làng mình rất tự hào khi sinh ra Tih. Cái bụng mình nghĩ, nếu cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc mình, những ngày hội, ngày vui mà thiếu đi những cây đàn và tiếng đàn của Tih thì buồn biết chừng nào…”.