Vua Minh Mạng cho rằng: “Binh quý tinh nhuệ, không quý nhiều. Binh số nước ta chỉ có hơn 100.000, dẫu không nhiều bằng con số hơn 300.000 của nhà Thanh, nhưng nếu thao diễn được thạo, khí giới được tốt, cũng đủ vô địch, nếu chỉ hư trương con số trống rỗng, thì dẫu nhiều, cũng chẳng ra gì”.[1]
 |
Tranh vẽ kỵ binh, pháo binh, tượng binh nhà Nguyễn của R. Bollard.
|
Chiến đấu giỏi nhờ rèn luyện thuần thục
Châu bản triều Minh Mạng cho thấy nhà vua luôn đề cao việc luyện tập thuần thục: “Cần gia tâm thao diễn sao cho tất cả đều dũng cảm, không được nói suông, nếu có sự cố tất can tội”[2].
Hoàng thượng đích thân đến xem duyệt
Hoạt động duyệt binh, thao diễn dưới triều Minh Mạng được ghi lại khá nhiều trong Châu bản triều Nguyễn. Mỗi dịp điểm duyệt binh lính tại Kinh hằng năm, Hoàng thượng đều đích thân đến xem duyệt[3]. Bản tâu cũng nhấn mạnh, sự việc rất quan trọng nên cần phải chọn ngày tốt, chờ chỉ tuân theo. Điều này cũng được Michel Đức Chaigneau thuật lại: “Vua Minh Mạng nhiều lần đến đây [cảng Huế] xem bắn súng thần công diễn ra ở trường bắn cách cảng khoảng ba, bốn cây số”[4].
Phép thao diễn thủy sư
Triều đình định phép thao diễn thủy sư: Làm sẵn một cái bè nổi, giả làm hình thuyền dài độ hơn 3 trượng, ngang độ hơn 1 trượng, dùng phên nứa theo thế dựng lên, giả làm lá buồm, đặt bè ấy ở ngoài biển, cách bờ hơi xa. Bốn bề cái bè ấy đều thả neo xuống cho khỏi gió làm trôi đi.
Những binh thuyền diễn tập đều đóng ở trong biển, cách bè nổi ấy độ 50 trượng, cho chuyển xuống mạn dưới cùng cách xa hơn vài trăm trượng, bày hàng chữ nhất, mỗi thuyền cách nhau trên dưới 50 trượng, chỉnh bị đâu vào đấy. Đợi thành Trấn Hải treo cờ đỏ truyền lệnh thao diễn. Các thuyền đều nhổ neo kéo buồm theo gió tiến lên, vừa đến quãng giữa, thuyền nào đã đến chỗ tiêu chuẩn, lập tức đem súng Hồng y, chiếu tinh chuẩn (đầu ruồi ở ngọn súng là đích ngắm để bắn) ngắm vào cái bè nổi bắn liền 3 phát.
Các thuyền đến tiếp theo lần lượt bắn súng, cũng đều tiến lên đợi quá ngoài 50 trượng, lại quay buồm trở về, lấy thuyền sau đi trước, chuyển thuyền trước về sau, theo thứ tự mà tiến, mỗi khi đến chỗ tiêu chuẩn bè nổi ở trung gian, đều bắn súng như trước, lại cùng chèo thuyền về cho đến chỗ bày hàng trước. Lại thuyền buồm tiến lên bắn súng như trước. Bắn xong 3 lượt, đài trên thành hạ cờ xuống, truyền lệnh thu quân. Các thuyền đều cuốn buồm hạ neo.
Chính vua Minh Mạng cũng chỉ ra ba điều cốt yếu trong phép thủy chiến khi lâm trận, lúc bắn nhau với giặc: Một là bắn vào bánh lái thuyền; hai là bắn vào cột buồm; ba là bắn vào tướng trong thuyền[5].
Đi thuyền lớn ra nước ngoài thao diễn
Dưới triều Minh Mạng, quân lính được đi trên các thuyền lớn ra nước ngoài thao diễn, như đến các địa phương ở Hạ Châu thao diễn thủy thủ, đồng thời tiện theo đơn mua các loại hàng hóa về[6] hoặc đến Tân Gia Ba (Singapore) thao diễn, đồng thời tìm hiểu về con người, sản vật nơi đây[7]. Qua chuyến thao diễn ở Tân Gia Ba, (1838), họ rút ra rằng: Xứ ấy tuy có sản vật trân châu đá quý, nhưng người ở đó hung hãn, thuyền buồm ít qua lại, lại thêm hành trình đường biển hiểm ác, thao diễn thực là bất tiện.
Cải tiến vũ khí
Bên cạnh súng đạn thông thường, sử triều Nguyễn còn ghi lại những loại súng, đạn đặc biệt như súng mẫu tử liên châu bắn liền 4 phát, vua khen súng đúc tinh xảo[8]; hỏa cầu (có hỏa cầu nghìn hạt châu, hỏa cầu trăm mắt, hỏa cầu sấm sét, hỏa cầu đạn lửa) cho đem thí nghiệm, rất tinh xảo[9]; liên can thiết đạn dùng cho đại bác quá sơn và súng điểu thương, “bắn thử đều mãnh liệt cả”[10].
Đặc biệt nhất là súng xung tiêu bắn đạn chấn địa lôi. Súng xung tiêu là đại bác nòng lớn, sức nổ mạnh. Đạn chấn địa lôi là loại đạn trái phá, khi đến đích thì phát nổ, tung mảnh sát thương và sức phá hoại rất lớn, mỗi phát có thể giết được vài chục tên giặc. Vua Minh Mạng có lần bảo bộ Binh: “Quan quân vây thành Phiên An, chiến cụ để đánh thành có chấn địa lôi là đắc lực hơn hết”[11].
 |
Các loại vũ khí triều Nguyễn.
|
Các loại vũ khí được chế ra dưới triều Minh Mạng cho ta thấy dưới triều vua này đã có sự tìm tòi và canh tân vũ khí. Nhưng những vũ khí này được chế tạo thế nào thì không được ghi chép rõ, vẫn là điều bí mật.
“Chữa dọi cửa nhà từ lúc chưa mưa”
“Chữa dọi cửa nhà từ lúc chưa mưa” là tư tưởng của vua Minh Mạng về tầm quan trọng của công tác phòng thủ. Phú Quốc, Côn Lôn, Cát Bà và các cửa biển, các nơi hiểm yếu trên đất liền đều được đặt đồn hay pháo đài và phái quân phòng thủ; xây dựng thành trì cho các tỉnh, phủ, huyện lỵ, đặc biệt là ở cửa Thuận An thuộc Thừa Thiên (con đường chính dẫn đến Kinh đô Huế) và cửa Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam (nơi hiểm yếu, cửa ngõ để bên ngoài xâm nhập vào nội địa, tiến vào Huế).
 |
Hệ thống phòng thủ Đà Nẵng đời Minh Mạng.
|
Sự lưu tâm phòng thủ của triều đình càng lớn khi nhận ra phương Tây nhòm ngó ngày càng nhiều. Vua Minh Mạng đã ban dụ, coi như kim chỉ nam để thi hành: “Đà Nẵng là nơi rất xung yếu ở chỗ bờ biển, tàu Tây Dương đi lại tất phải qua đấy.”[12]. Vì vậy, theo định lệ, “phàm thuyền buôn Tây Dương đến buôn bán, chỉ được đến cửa biển Đà Nẵng mà thôi”[13].
Vua lệnh cho các tấn thủ cửa biển phía nam Kinh đô rằng, tàu thuyền phương Tây cập cửa biển Đà Nẵng với hành trạng ra sao, đến ngày nào, mục đích làm gì… đều phải tâu trình rõ ràng.
Dưới triều Minh Mạng, quân đội là bức tường thành vững chắc bảo vệ đất nước và nâng tầm vị thế Đại Nam trong khu vực, cũng là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh và tầm nhìn chiến lược của vị vua tài ba, để lại dấu ấn sâu đậm về một thời kỳ thịnh trị và hùng cường của dân tộc.
HỒNG NHUNG
[1] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (bản dịch của Viện Sử học), Nxb Giáo dục, tập 3.
[2] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mạng, tập 54, tờ 173.
[3] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mạng, tập 44, tờ 206.
[4] Michel Đức Chaigneau, Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX, Nxb Hà Nội, tr.307.
[5] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (bản dịch của Viện Sử học), Nxb Giáo dục, tập 5.
[6] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mạng, tập 25, tờ 210.
[7] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mạng, tập 66, tờ 13.
[8] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (bản dịch của Viện Sử học), Nxb Giáo dục, tập 3.
[9] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (bản dịch của Viện Sử học), Nxb Giáo dục, tập 3.
[10] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (bản dịch của Viện Sử học), Nxb Giáo dục, tập 5.
[11] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (bản dịch của Viện Sử học), Nxb Giáo dục, tập 3.
[12] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (bản dịch của Viện Sử học), Nxb Giáo dục, tập 5.
[13] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mạng, tập 52, tờ 249.