Triển lãm diễn ra vào cuối tháng 11-1954, tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Câu lạc bộ Đoàn Kết. Tại triển lãm này, cá nhân ông ra mắt tác phẩm “Con đọc bầm nghe” (lụa, 1954), còn được biết đến với tên gọi “Anh thương binh đọc báo”. Đó là một bức tranh hiện thực giản dị, chân thực như tên gọi của mối quan hệ giữa chiến sĩ và các bà mẹ trung du trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

Bức tranh lụa “Con đọc bầm nghe” của danh họa Trần Văn Cẩn. Ảnh do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cung cấp

Trong nếp nhà đơn sơ, 4 người gồm cả người già và trẻ nhỏ, ngồi quây quần bên anh thương binh. Nét tươi tắn, lạc quan trên gương mặt từng nhân vật. Anh thương binh được đặt ở trung tâm, trang phục chỉnh tề, mái tóc xanh mượt được cắt gọn gàng. Anh đang say sưa đọc báo. Gương mặt trẻ trung ánh lên niềm vui. Người mẹ trung du có nét mặt nhẹ nhõm, hai tay ôm đứa cháu nhỏ trong lòng nhưng ánh mắt vẫn hướng về anh thương binh. Cậu bé có cặp má bầu bĩnh còn thơm mùi sữa, ngoan ngoãn ngồi chơi trong lòng bà. Bên phải anh thương binh, một bé gái cũng xúm lại ngồi nghe. Từ mái tóc ngắn có những lọn cong vểnh ra bướng bỉnh đến nét tươi tắn, nhí nhảnh ở dáng ngồi, ở đôi mắt cười và nét mặt linh động của cô bé làm cho bầu không khí càng trở nên ấm áp. Màu xanh của chiếc áo trấn thủ, nhành hoa tươi trên tay bé gái, chậu cây cảnh bên góc nhà và những khóm chuối đang xào xạc ngoài vườn dưới ánh nắng vàng rực được khéo léo đặt trong gam màu nâu sáng của nền đất, hài hòa với sắc hồng đỏ của tường nhà. Trong không khí gia đình đầm ấm, nếu chỉ nhìn thoáng qua, ta sẽ không thấy rõ được khiếm khuyết ở chân phải của anh thương binh. Đó là sự tế nhị trong cách sắp xếp bố cục của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Bằng những nét vẽ duyên dáng, thanh lịch, họa sĩ Trần Văn Cẩn khiến người xem thêm yêu vẻ đẹp của con người và cảnh vật nông thôn bình dị.

Anh thương binh đang đọc Báo Cứu quốc, tờ báo có vị thế quan trọng thời bấy giờ. Chiếc túi vải treo trên cột là chi tiết cho thấy, chàng thương binh trẻ tuổi vẫn tham gia công tác xã hội, chiếc huy hiệu đỏ cài trên ngực áo đầy tự hào. Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bàn thờ Tổ quốc với hàng chữ “Hồ Chủ tịch muôn năm” cũng cho thấy lòng tôn kính của nhân dân ta đối với vị Cha già dân tộc. Niềm vui, niềm tin yêu của một gia đình hòa trong không khí chung của một dân tộc vừa trải qua trường kỳ kháng chiến gian khổ, đang tận hưởng những giờ phút bình yên quý giá. Những mất mát, đau thương do cuộc chiến gây ra không làm nhụt tinh thần những người Việt Nam yêu chuộng tự do. Họ lạc quan, giữ một ý chí vững mạnh để vượt qua.

Tác phẩm ra đời trong bối cảnh Phong trào “Đón thương binh về làng” đã được triển khai ở nhiều nơi, điển hình là ở Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ... “Đón thương binh về làng” là phong trào do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động vào tháng 7-1951, nhằm giúp thương binh được ổn định về đời sống vật chất, vui vẻ về tinh thần và tham gia đóng góp cho xã hội. Bác đề nghị mỗi xã trích một phần ruộng công, tổ chức cày cấy, chăm nom gặt hái, thu hoạch lúa để nuôi thương binh. Phong trào được đẩy mạnh qua các năm 1953, 1954 và thể hiện rõ trong chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với thương binh, liệt sĩ, phản ánh truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Họa sĩ Trần Văn Cẩn đã có cách tiếp cận đề tài một cách nhẹ nhàng. Bầu không khí yêu thương, tình cảm gia đình đầm ấm được lan tỏa cho thấy những người thương binh đã hòa mình vào cuộc sống một cách tích cực. Tác phẩm toát lên cái nhìn lạc quan nhân đạo. Tác phẩm "Con đọc bầm nghe" hiện được lưu giữ trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Thạc sĩ VŨ THỊ HẰNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.