QĐND - Cách Hà Nội chừng 130km về hướng Đông Bắc, Khu di tích danh thắng Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) được biết đến là chốn non thiêng hùng vĩ với một quần thể di tích kiến trúc văn hóa tâm linh độc đáo. Hầu hết du khách hành hương về với Yên Tử đều đi qua hai tuyến cáp treo rồi thẳng tiến đến đỉnh Phù Vân. Người thích ngắm cảnh thiên nhiên, hòa vào núi rừng thì thả bộ qua những sườn non. Cũng không ít du khách ưa trải nghiệm lại kết hợp cả đi bộ và cáp treo trong đêm tĩnh mịch.

Sau một hồi thảo luận, chúng tôi quyết định hành hương lên chùa Đồng khi màn đêm buông xuống. Nai nịt gọn gàng, mang theo gậy chống, những chiếc đèn pin được sạc đầy điện và không quên một ba lô những hoa quả, đồ ăn, nước uống, cả nhóm bắt đầu cho hành trình trải nghiệm cảm giác "phượt" đêm đến với đỉnh thiêng Yên Tử.

Nhiều bạn trẻ chọn cho mình cách “phượt” đêm khi hành hương về đất Phật Yên Tử.

Chặng đầu xuất phát, từ cầu Giải Oan thẳng tiến đến chùa Hoa Yên, chúng tôi di chuyển theo lối đi bộ vượt qua những bậc đá dài gần 2km. Dù đường lên không mấy hiểm trở, nhưng vào buổi đêm, những bậc đá rêu phong ướt sương trở nên trơn trượt vì thế bước chân phải rón rén bám lên từng bậc. Cảm giác hòa mình vào đêm, đi giữa rừng trúc vi vu gió thổi, thi thoảng làn sương mát lành thoảng qua như thổi bay đi mệt mỏi. Những con đom đóm chờn vờn trên khóm trúc điểm thêm nét chấm phá vào bức tranh đêm tĩnh mịch dễ khiến những người yếu bóng vía phải rờn rợn. Lên đến Hoa Yên đã thấm mệt, trời cũng dần vào khuya, dù trán đẫm mồ hôi, nhưng hơi lạnh lùa vào từng ống tay, kẽ áo khiến ai cũng phải rùng mình...

Tiếp tục chặng hai, cả nhóm di chuyển bằng cáp treo từ Hoa Yên lên An Kỳ Sinh, tiết kiệm sức cho chặng cuối để kịp đến chùa Đồng vào thời khắc giao hòa ngày cũ với ngày mới. Ngồi trên ca-bin cáp treo lao thẳng vào màn đêm, nhìn xuống bên dưới, qua ô cửa chỉ là khoảng rừng lờ nhờ, với những ngọn tùng, thảm trúc lắc lư trong gió, cảm giác rợn ngợp khi tiếng gió rít lùa qua khe thoáng lẫn với tiếng cáp treo cắt gió vun vút lao lên sườn non. Anh bạn ngồi bên cạnh lần đầu đến Yên Tử cứ rướn người cố đưa mắt vào màn đêm qua khung kính tìm ánh điện lờ mờ phía xa xa, thi thoảng lại hoảng hốt co rúm người khi khoang cáp treo rung lên bần bật trong đêm tối.

Do đi trong đêm, nên đích đến được đặt ra duy nhất là đỉnh Phù Vân nơi có chùa Đồng. Đặt chân xuống ga cáp treo, chúng tôi gấp rút hành trình lên đỉnh Phù Vân, tới thẳng chùa Đồng. Đi bộ một đoạn qua cột đá An Kỳ Sinh, dưới ánh đèn pin loang loáng, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông sừng sững uy linh hiện ra bên sườn đỉnh thiêng. Đứng dưới chân tượng Phật trong màn sương đêm mờ ảo, không ai bảo ai, mọi người thành kính cúi đầu để mặc những cơn gió hun hút rít lên phía trên vách đá đầy thử thách nhưng cũng không kém phần cám dỗ với những người ưa mạo hiểm.

Chặng cuối chỉ chừng hơn 1km, nhưng đường đêm trở nên hiểm trở hơn khi vách đá ướt sũng trơn trượt và tầm nhìn bị hạn chế bởi màn sương dày đặc. Cả nhóm dò dẫm bước, mọi người phải bám tay nhau để nhích từng đoạn. Sau gần một giờ đồng hồ đánh vật với vách đá cheo leo, chúng tôi cũng đến được chùa Đồng vào đúng thời khắc nửa đêm. Khi những mâm lễ được dâng lên Đức Phật, chắp tay đứng giữa đỉnh Phù Vân chìm trong đêm, nhìn những khoảng sương trắng bảng lảng phủ lên mái chùa Đồng, thấy tâm trở nên thanh tĩnh…

Dường như mỗi lần đến với cõi thiêng Yên Tử là một lần trải nghiệm cảm xúc khác nhau, nhưng có một chuyến “phượt” đêm thì quả là ấn tượng khó quên với mỗi người khi nhắc về đất Phật Yên Tử.

Bài và ảnh: MINH DƯƠNG