QĐND - Phong Điệp, ở tác phẩm mới nhất “Nhật ký nhân viên văn phòng” (NXB Trẻ), thực sự đã hiện diện như một nhà văn chuyên viết, và viết thành công về các đề tài đô thị và thị dân. Tập truyện gồm 15 truyện ngắn, được cấu trúc thành hai phần, với chủ đề có thể ước lệ là đô thị hóa và đời sống đô thị. Phần thứ nhất gồm các truyện: “Dốc gió”, “Phố núi”, “Thị trấn Chân Mây”, “Bạn cũ”, “Tình trạng không phủ sóng”, “Lạc phố”, “Thời gian tối đa” là cái nhìn thị dân vào những không gian khác nó, cũng như sự du hành từ không gian thị dân đến không gian khác. Phần thứ hai gồm các truyện “Nhật ký nhân viên văn phòng”, “Delete”, “Thùng rác”, “Từ độ cao tầng 18”, “Sau cánh gà”, “Kịch chiều”, “Bức chân dung duy nhất”, “Cơm trưa văn phòng” là cái nhìn thị dân vào chính đời sống thị dân, ở lõi của nó, trong các không gian thành phố.

Trong phần thứ nhất, “Dốc gió” là truyện ngắn đi xa nhất khỏi không gian đô thị, thì đây đó không gian ấy vẫn thấp thoáng, nơi tiệm kim hoàn phố huyện, nơi mở đầu cho niềm vui ấm áp của đứa trẻ mười ba tuổi quyết đi đào vàng để đỡ đần mẹ, và cũng là nơi để ba năm sau đó, nó phát hiện ra sự khốn nạn của lòng người. “Phố núi”, “Thị trấn Chân Mây” theo đuổi những hành trình tới các đô thị hẻo lánh, không phải kiểu xê dịch của chủ nghĩa hương xa, mà đơn giản chỉ là sự thay đổi hay tìm về một không gian khác, của đời thực và của tâm tưởng. “Bạn cũ”, “Tình trạng không phủ sóng” lại theo đuổi những di dịch về thời gian, để thấu cảm về lẽ được mất của dòng đời, lòng người. “Lạc phố” đưa đẩy câu chuyện về tình bạn giữa người phố và người quê, và ở đấy, chỉ với chút ít sự khác biệt và sự giằng níu của cảnh ngộ, người ta thật dễ lạc trên các con đường đến với nhau, và đến với chính mình. “Thời gian tối đa” tuy viết về không gian đô thị, sự quánh đặc của thị dân mỗi chiều người vợ đón con từ trường về nhà, nhưng vẫn để thấp thoáng xa xa, hình ảnh về một người chồng đang bận đi công tác xa, ngoài thành phố. Truyện ngắn là chiếc cầu nối phần một sang phần hai của tập truyện.

Ở phần thứ hai, đời sống thị dân với nhiều cảnh huống đã được Phong Điệp thể hiện sắc sảo ở nhiều truyện ngắn. “Nhật ký nhân viên văn phòng”, “Delete”, “Cơm trưa văn phòng” là hai góc nhìn khác nhau vào đời sống công sở. Ở đấy, tình bạn, tình yêu, tình dục lẫn lộn mệt mỏi trong vòng xoáy hờ hững của đô thị. “Thùng rác”, “Từ độ cao tầng 18”, “Sau cánh gà”, “Kịch chiều”, “Bức chân dung duy nhất” lại là những biểu hiện khác của con người trong sự vây bọc của đô thị. Khi là sự mất đi tính chất cá nhân (“Thùng rác”, “Bức chân dung duy nhất”). Khi là sự hoang mang về các quy tắc sống (“Từ độ cao tầng 18”). Khi lại là sự sống ơ hờ, chẳng ra bất cần chẳng ra nhạt nhẽo (“Sau cánh gà”). Để khi khác lại bất an về chính đời sống ấy (“Kịch chiều”).

Cùng với cái nhìn nhiều lúc đủ thấu thị đời sống đô thị, nhiều khi, Phong Điệp còn lựa chọn được ngôn ngữ phù hợp với các điểm nhìn ấy, như trong “Nhật ký nhân viên văn phòng”, truyện ngắn lấy làm tên chung cho tập chẳng hạn, làm nên sức thu hút của tác phẩm. Đọc những truyện ngắn của Phong Điệp trong tập này, vì thế, dễ có cảm giác được chia sẻ với nhà văn về những suy tư từ những điều rất nhỏ mọn hằng ngày, tưởng chừng dễ dàng bỏ qua, nhưng khi ngoái nhìn kỹ lưỡng về nó, lại thấy lấp lánh nhiều ý nghĩa.

“Nhật ký nhân viên văn phòng” là tập truyện ngắn thứ chín của Phong Điệp. Bên cạnh một tiểu thuyết (“Blogger”), hai truyện dài (“Lạc chốn thị thành”; “Nhật ký Sẻ Đồng: Chào em bé”), một tập trò chuyện văn học (“Mạn đàm văn chương thời @”) và một tập tản văn (“Bay trên mái nhà thành phố”). Trong đó rất đáng kể là tiểu thuyết và một số truyện ngắn của Phong Điệp đã được dịch và xuất bản tại Pháp trong Tủ sách Văn học Việt Nam đương đại. Viết khỏe, đều tay và ngày càng xoáy sâu vào các vấn đề đô thị làm nên diện mạo của Phong Điệp. Truyện ngắn của Phong Điệp, ở “Nhật ký nhân viên văn phòng”, là những lát cắt, những sự kiện, những suy tư từ và về đô thị, với cái nhìn sắc sảo, bằng văn phong linh hoạt. Đi tìm được đề tài, được ngôn ngữ và lối viết phù hợp với đề tài và ngôn ngữ ấy là điểm thành công đáng kể của tập truyện ngắn, tạo nên một dấu mốc trên hành trình văn học của nữ nhà văn trẻ này.

Thạc sĩ ĐOÀN ÁNH DƯƠNG