Từ lâu, đoạn đường Láng, nối liền Ngã Tư Sở và Cầu Giấy, đã trở thành một "thánh địa" của những người đam mê sách, đặc biệt là những cuốn sách đã nhuốm màu thời gian. Dọc hai bên đường, những sạp sách nhỏ nép mình dưới bóng cây, chất chồng những "kho tàng" tri thức đủ mọi lĩnh vực. Mỗi cuốn sách mang trên mình dấu ấn riêng, từ trang giấy ố vàng, gáy sách sờn cũ đến những dòng chữ viết tay, tạo nên một không gian văn hóa độc đáo, khác biệt hoàn toàn với sự bóng bẩy của những nhà sách hiện đại.

Sạp sách được bài trí ngẫu nhiên của Tiệm sách Xưa và Nay (676 Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội). 

Bước chân vào thế giới sách cũ đường Láng, người ta dễ dàng cảm nhận được sự tĩnh lặng và trang nghiêm. Khách hàng đủ mọi lứa tuổi say sưa lật giở từng trang sách, tìm kiếm cho mình một "người bạn tinh thần" ưng ý. Có những người cẩn thận lựa chọn những tác phẩm quý hiếm, đã ngừng xuất bản, có người lại thích thú khám phá những cuốn sách "xưa ơi là xưa" với những bìa sách mang đậm dấu ấn của một thời.

Những giá sách đồ sộ, đa dạng thể loại từ tiểu thuyết, truyện tranh, văn học trong và ngoài nước. 

Chú Phú, chủ tiệm sách "Xưa và Nay" đã gắn bó với con đường này từ năm 2015, chia sẻ: "Ngày xưa người ta tới đông lắm, trẻ con thích truyện tranh, sinh viên tới đọc tiểu thuyết, độ ngoài 30 tuổi thì người ta vẫn đến tìm tài liệu nghiên cứu. Giờ thì vắng vẻ hơn nhiều rồi". Ánh mắt chú thoáng chút buồn, có lẽ là nỗi niềm chung của những người bán sách cũ nơi đây khi chứng kiến sự thay đổi của thời đại và thói quen đọc sách.

 Những cuốn sách “nhuốm màu thời gian” dễ dàng tìm thấy tại nơi đây.

Tuy nhiên, giữa những lo lắng về sự mai một, con đường sách cũ vẫn âm thầm nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho những thế hệ sau. Bạn Nguyễn Bách Đạt, sinh viên năm 3 của Đại học Ngoại thương, một khách hàng quen thuộc của các sạp sách cũ, cho biết: "Mình rất thích không gian cổ kính ở những tiệm sách cũ như vậy. Mình có thể tìm thấy những cuốn sách yêu thích với giá chỉ bằng một nửa ngoài thị trường, mà độ mới thì không khác gì mới mua. Mình còn từng tìm thấy cả album nhóm nhạc mình yêu thích ở đây, một điều bất ngờ thú vị!". Sự hào hứng của Bách Đạt cho thấy sức hút đặc biệt của sách cũ không chỉ nằm ở giá trị tri thức mà còn ở những khám phá bất ngờ, những "món hời" độc đáo mà người mua có thể tìm thấy.

 Trải nghiệm tìm sách cũ luôn thú vị và gây nghiện với những “con mọt sách”.

Những người bán sách trên đường Láng không chỉ đơn thuần là những người kinh doanh, mà còn là những người giữ lửa cho văn hóa đọc. Họ am hiểu về sách, sẵn sàng tư vấn và chia sẻ những câu chuyện thú vị về những cuốn sách mà họ đang bày bán. Họ là những người kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những tác giả đã khuất và những độc giả đương thời.

Tuy nhiên, con đường sách cũ đường Láng cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Sự phát triển mạnh mẽ của internet và các loại hình giải trí trực tuyến đã khiến văn hóa đọc truyền thống nói chung và việc tìm đến sách cũ nói riêng có phần giảm sút. Nhiều sạp sách nhỏ đang phải chật vật để duy trì hoạt động, đối diện với nguy cơ biến mất.

Quy hoạch không gian, tổ chức hoạt động văn hóa là cách để thu hút khách hàng. 

Để bảo tồn và phát triển "ốc đảo văn hóa" này, cần có sự chung tay của cả cộng đồng và các cơ quan chức năng. Việc quy hoạch lại không gian, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho người bán, đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa liên quan đến sách cũ có thể giúp nơi đây trở thành một điểm đến văn hóa hấp dẫn, thu hút du khách và khơi dậy tình yêu đọc sách trong cộng đồng.

Con đường sách cũ này không chỉ là nơi mua bán những trang sách đã qua sử dụng, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, là nơi gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu yêu sách. Hy vọng rằng, với sự quan tâm và chung tay của cộng đồng, con đường sách cũ - đường Láng - sẽ mãi trường tồn, tiếp tục là điểm hẹn thân thương của những người yêu sách Hà Nội và lan tỏa tình yêu đọc sách đến muôn người.

Bài, ảnh: THANH THẢO

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.