Chị Hoàng Thị Thúy Nga, pháp danh Tịnh Tuyết, phật tử chùa Vĩnh Nghiêm, Praha (CH Séc) bày tỏ niềm tự hào về đất nước với lịch sử Phật giáo phát triển hàng nghìn năm. “Trở về Việt Nam dự Đại lễ Vesak, chúng tôi cảm thấy như trở về gia đình, gắn bó hơn với những tình cảm mà quê hương dành cho”. Các phật tử kiều bào được lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương và Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tiếp thân mật và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. 

 Đoàn đại biểu kiều bào chụp ảnh chung với lãnh đạo các bộ, ban, ngành trong nước tại Đại lễ Vesak 2019.

Chia sẻ bên lề, phật tử Tịnh Tuyết cho biết, hằng năm, cộng đồng phật tử tại CH Séc thường có các hoạt động tâm linh hướng về nguồn, nhằm gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc. Đầu năm là Lễ Thượng nguyên cầu an cho bà con, Lễ Phật đản, Lễ Vu lan, Chương trình “Xuân an vui”, để bà con nhớ về cội nguồn và chăm sóc đời sống tâm linh cho cộng đồng. “Cộng đồng nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ và GHPGVN trong nước, tạo điều kiện để bà con sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở nước sở tại được thuận lợi”, phật tử Tịnh Tuyết chia sẻ.

Trở về quê hương chung vui vào ngày hội văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo lớn của đất nước, các phật tử kiều bào có dịp chia sẻ về đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại. Ông Hoàng Xuân Bình, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan bày tỏ, bà con người Việt ở các nước Đông Âu nói riêng và châu Âu nói chung đều có nhu cầu xây dựng các cơ sở tôn giáo, tâm linh tại đây. Bà con có nguyện vọng được Chính phủ và GHPGVN hỗ trợ về mặt pháp lý để cộng đồng người Việt Nam đủ điều kiện xây dựng các trung tâm văn hóa-tâm linh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Việt xa xứ. Việc xây dựng và duy trì hoạt động của các chùa Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài sẽ góp phần thúc đẩy tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, chăm sóc đời sống tâm linh cho bà con và tăng cường các hoạt động hướng về quê hương bản quán, góp phần quảng bá văn hóa Việt với người dân nước sở tại.

Các phật tử kiều bào thực hiện nghi lễ tâm linh tại Vesak 2019.

Được biết, hằng năm, Hội Phật tử Việt Nam tại CH Séc cùng các tổ chức, đoàn thể người Việt ở CH Séc đều có các hoạt động quyên góp ủng hộ phong trào từ thiện, nhân đạo trong nước. Phật tử Tịnh Tuyết cho biết, các thành viên của Hội “Mái ấm Việt-Séc” thường về tận nơi trao quà tặng, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam. Thông qua các hội, đoàn trong nước, bao gồm GHPGVN, Hội “Mái ấm Việt-Séc” đã tổ chức các chuyến thiện nguyện về Việt Nam giúp đỡ những người không may mắn, như: Người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật... hay đồng bào vùng bị thiên tai. 

Đại biểu kiều bào Ngô Tiến Điệp từ Liên bang Nga cho biết, các bài giảng pháp về triết lý nhân sinh trên mạng của các thầy đã cuốn hút sự quan tâm của ông đối với Phật giáo. Thường xuyên đi và về giữa Việt Nam và Liên bang Nga, ông nhận thấy sự phát triển nhanh chóng ở Việt Nam thời kỳ hội nhập, nhưng cùng với đó, con người đang bị cuốn theo vòng xoáy của sự phát triển. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, đạo đức đang dần bị mai một… Ông tin tưởng rằng “tinh thần nhân văn và giá trị đạo đức của Phật giáo đang phát triển nhanh chóng ở Việt Nam sẽ giúp con người sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc”. 

Ông Ngô Tiến Điệp khẳng định, “lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam cho thấy, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, từ thời Lý, Trần và cho đến ngày nay. Là những người con xa Tổ quốc, đời sống tâm linh chính là sợi dây gắn kết nguồn cội quan trọng. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu Phật giáo có ý nghĩa như thế nào đối với ngôi nhà chung đại đoàn kết dân tộc”.  

Bày tỏ không đồng tình với những ý kiến chưa thích hợp về tình hình đất nước của một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay, ông Ngô Tiến Điệp nói: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn tỉnh Bắc Giang, từ nhỏ đã được nghe tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ. Thời học phổ thông, chúng tôi chơi thân với cả các bạn bên lương và bên giáo, không có phân biệt gì, không hề có khoảng cách”. Xa quê hương lâu, nghe nhiều lời đồn đoán có phần tiêu cực về quê hương, nên mỗi khi có dịp về nước, ông Điệp lại quan tâm tìm hiểu thực hư. “Ở quê tôi, vẫn những ngôi chùa ấy, những nhà thờ đó đang tồn tại và được tu bổ đẹp đẽ hơn xưa rất nhiều. Đi du lịch khắp đất nước thì thấy nhà thờ và chùa chiền ở đâu cũng có. Khi về nước, tôi không nghe thấy ai than vãn gì về chuyện phân biệt đối xử tôn giáo, khác hẳn với những thông tin đồn thổi, nhất là trên internet. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ họ rằng, hãy về Việt Nam, hãy dành nhiều thời gian tham quan và tìm hiểu thêm về đất nước. Chỉ có như vậy mới hiểu và yêu quý quê hương hơn!”, kiều bào Ngô Tiến Điệp nói.

Bài và ảnh: MAI NGUYÊN - HOÀNG VŨ