QĐND - Dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được 21 tháng. Nhiều điều khoản trong cam kết bảo vệ di sản đang được các nhà chuyên môn thực hiện. Cộng đồng những người yêu dân ca quan họ thực sự quan tâm đến những hoạt động này, để xem bảo vệ như vậy đã đúng chưa? Và chúng ta đã bảo vệ được gì?
Ta đang bảo vệ như thế nào?
Hiện nay, Bắc Ninh-địa phương được vinh danh cùng với di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã và đang tích cực thực hiện cam kết. Trước hết là phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Trong đợt một này đã có 40 nghệ nhân được xét tặng danh hiệu. Thứ đến là bộ giáo trình giảng dạy về dân ca quan họ đã được hoàn tất, trong năm tới sẽ được triển khai giảng dạy từ cấp học mầm non tới trung học. Tiếp nữa là hỗ trợ phong trào học và hát quan họ tại các làng. Cuối cùng là xây dựng cơ sở hạ tầng như: website giới thiệu về quan họ; sân khấu thực cảnh (tại đồi Lim, thị trấn Lim, Bắc Ninh); nhà hát quan họ; các di tích lịch sử gắn với sự ra đời và phát triển quan họ…
Chị Nguyễn Thị Quýnh, ở làng Đặng Xá, xã Vạn An, TP Bắc Ninh, cho biết: Làng Đặng Xá được tỉnh tặng 1 bộ âm-ly, loa đài trị giá 28,5 triệu đồng, trong làng cũng có cụ bà Đặng Thị Nghĩa 82 tuổi được phong tặng danh hiệu nghệ nhân đợt một vừa rồi. Làng Đặng Xá có 2 người được đi tập huấn ở tỉnh và tham gia giảng dạy các lớp truyền dạy quan họ do Sở VH-TT-DL Bắc Ninh tổ chức. Đặng Xá là một trong 49 làng quan họ truyền thống được hưởng lợi trực tiếp nhờ “sự nghiệp bảo vệ” di sản văn hóa UNESCO.
 |
Ba thế hệ hát quan họ ở Bắc Ninh. |
Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh cũng đã mở thêm khoa giảng dạy về dân ca quan họ. Trong tương lai không xa nhà hát quan họ sẽ được xây dựng tại xã Hòa Long, TP Bắc Ninh. Các cuộc thi hát dân ca cũng được hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang tổ chức ở quy mô liên tỉnh hai năm một lần. Ngoài ra, Hội Lim, Cuộc thi Tiếng hát miền Quan họ hằng năm cũng được tổ chức như mọi người đã biết.
Ông Nguyễn Đăng Túc, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Ninh cho biết đã có nhiều học giả bình luận về tính nguyên gốc của Dân ca quan họ Bắc Ninh, tuy nhiên UNESCO nhận diện Dân ca quan họ Bắc Ninh theo hiện trạng đang diễn ra, không đề cập đến việc giữ nguyên trạng ban đầu như khi quan họ mới hình thành cách đây 300 năm. Ông Túc nói thêm, trong giai đoạn tới sẽ tập trung xây dựng công trình văn hóa, các trung tâm truyền dạy quan họ; tiếp tục hỗ trợ và phong tặng danh hiệu nghệ nhân ở 49 làng quan họ truyền thống.
Chưa đúng lộ trình cam kết với UNESCO
Theo cam kết các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa do Việt Nam tự đề xuất thực hiện thì nhiều hoạt động chưa đúng lộ trình. Cụ thể, tại mục 4b của hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Dân ca quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại liệt kê 14 biện pháp bảo vệ. 21 tháng trôi qua, những vấn đề như: Kiểm kê các bài hát dân ca quan họ hằng năm; lập danh sách nghệ nhân tại các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang; xây dựng chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân, đặc biệt là cho các đối tượng là “báu vật dân gian sống” (Living Human Treasure); hỗ trợ các cộng đồng khôi phục và thực hiện các nghi lễ liên quan đến quan họ; khôi phục các kỹ năng hát truyền thống, trang phục truyền thống; mở rộng các diễn đàn trao đổi về quan họ trên các loại hình báo đài địa phương; phối hợp với ngành du lịch khai thác các giá trị của văn hóa quan họ… dường như còn đang bị bỏ ngỏ.
 |
Các liền chị quan họ têm trầu cánh phượng mời khách. |
Theo cam kết, việc bảo vệ di sản văn hóa được xem là chương trình hành động cấp quốc gia với ngân sách thực hiện là 2 triệu đô-la Mỹ, thực hiện trong 4 năm (2009 đến 2013), chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 2009 đến 2010 phục vụ cho việc truyền dạy, quảng bá quan họ tại các gia đình và cộng đồng, nghiên cứu thu thập tài liệu, phục hồi không gian trình diễn theo truyền thống. Giai đoạn hai từ năm 2011 đến năm 2013: Mở trang web giới thiệu về quan họ, tiếp tục truyền dạy tại gia đình và cộng đồng; tổ chức các hội thảo trong nước và quốc tế. Trong các biện pháp truyền dạy, ưu tiên cho hoạt động dạy truyền khẩu giữa ông, bà, cha, mẹ và con, cháu.
Quan họ là một trong nhiều loại hình nghệ thuật dân gian sinh ra để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của người dân. Người dân là chủ thể sáng tạo và cũng là chủ thể thưởng thức những giá trị tinh thần do mình sáng tạo ra. Nghệ thuật dân gian nói chung sẽ biến đổi cho phù hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng trong từng giai đoạn nhất định. Chúng tôi đồng tình rằng không thể vì “hoài cổ” mà ngăn cản sự sáng tạo của nhân dân. Trong thực tế qua hơn 50 năm phát triển gần đây, quan họ hiện nay đã khác nhiều so với quan họ truyền thống. Và sự thật nhiều biến thể đó đã để lại những dấu ấn giá trị nghệ thuật mới trong lòng công chúng. Ví dụ, đơn ca quan họ trong khi quan họ truyền thống phải hát có đôi, đồng giọng, đồng tông, không hát bè; hoặc hát canh chỉ hát với chạ, với làng kết nghĩa. Nếu chỉ có “truyền thống” thì e rằng rất nhiều người sẽ không được thưởng thức quan họ.
 |
Hoạt cảnh diễn xướng quan họ cổ "Phiên chợ Ó" do các nghệ nhân quan họ làng thuộc Trung tâm UNESCO văn hóa quan họ dàn dựng tại Rạp Hồng Hà, Hà Nội. |
Tuy vậy, cũng còn rất nhiều thứ cần bảo vệ và cần bảo vệ đúng cách. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói: Quan họ vốn là cuộc chơi rất nghĩa khí, rất keo sơn của những "bọn quan họ" kết nghĩa, tinh thần “cuộc chơi” là thứ nên giữ. Hay cách hát “ghìm giọng” theo lối “tận thổ can tràng” (nén hơi bụng) tạo hiệu quả đầy đặn của dải bồi âm cộng hưởng độc đáo, là kỹ thuật thanh nhạc cần được phát huy. Bản nhạc ký âm Tây phương sẽ không thể thay thế lối truyền khẩu trong quan họ. Thậm chí thời xưa, ngay từng nhóm kết nghĩa trong các làng quan họ truyền thống cũng đều hình thành những đặc trưng, những dấu ấn nghệ thuật riêng mà nay có nguy cơ bị xóa nhòa, hòa tan. Điều đó sẽ không thể nào bảo vệ được nếu ta dạy theo giáo trình, hoặc đánh giá hay dở qua các cuộc thi.
Không thể phủ nhận rằng hiện đang có một khoảng cách xa trong nhận thức giữa những nhà nghiên cứu và những nhà quản lý. Và để bảo vệ di sản văn hóa quan họ cần phải có nhiều hơn nữa các cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế để đi đến thống nhất nhằm tìm ra những phương án tốt nhất.
Bài và ảnh: Lê Đông Hà