Chữ “ở” rất tinh tế, có nghĩa lối sống, lối ăn ở, đối xử, quan hệ. Hai chữ “vừa lòng” là một nguyên tắc giao tiếp hài hòa, có lý có tình, không phụ lòng ai cũng không xu phụ ai. Điều này được một cố giáo sư nổi tiếng dùng một từ khác mang tính bác học hơn để khái quát một nét tính cách Việt là “phải khoảng”. Cả “vừa lòng” và “phải khoảng” đều chú ý đến tính chừng mực, không cực đoan, không làm tổn thương bất kỳ ai…

Vừa là một vấn đề của triết học vừa là một phương pháp luận khoa học, khoa học hiện đại quan niệm nghiên cứu là cuộc chạy tiếp sức, người đi sau luôn kế thừa để vượt lên người trước, dù chỉ là chút ít. Nếu người trước chẳng may ngã thì người chạy sau cũng nhận thấy nguyên nhân của sự việc, về cách chạy (phương pháp), về đường/đích chạy (đối tượng nghiên cứu) làm bài học cho riêng mình… Chính vì vậy mà ở các nước khoa học phát triển người ta đầu tư và ghi công cho cả những nghiên cứu khoa học bị thất bại, vì nhờ có những thất bại ấy mà những nghiên cứu sau không đi vào “vết xe đổ”. Đó cũng là đạo lý biết trân trọng sức lực, công lao của tất cả mọi người, có cả những người tâm huyết mà chưa thành công.

Thể thao là một khoa học về con người. Trong thể thao thì sự thể hiện tính người là rõ nhất, ở cả phương diện sinh lý và tâm lý. Thế nên thể thao không những là văn hóa mà còn là sợi dây gắn nối và gắn kết con người với con người. Hình ảnh hàng triệu triệu người dân khắp mọi miền Tổ quốc tràn xuống khắp phố phường, làng xóm hân hoan đón mừng thắng lợi của đội tuyển U.23 Việt Nam trước U.23 Qatar để lần đầu tiên trong lịch sử có mặt trong trận chung kết giải vô địch bóng đá U.23 châu lục là minh chứng rõ nét nhất cho sự đoàn kết đồng lòng mà bóng đá đem lại. Chưa hết, những Tiến Dũng, Quang Hải, Xuân Trường, Công Phượng... sẽ trở thành biểu tượng cho ý chí, niềm tin, nghị lực, tình yêu, tài năng… của thế hệ trẻ trong cuộc sống!

Nhưng thể thao cũng là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất, tổn thương theo nghĩa rộng với những chấn thương vật chất và cả những chấn thương tinh thần…

Thời gian trước đây có một vị huấn luyện viên tâm huyết nhưng không thành công ở một môn thể thao nọ. Vị huấn luyện viên mới lên thay, cũng huấn luyện những vận động viên ấy, lại rất thành công. Sự thành công này có nhiều nguyên nhân nhưng chắc chắn có yếu tố kế thừa cái được và nhất là kinh nghiệm từ bài học thất bại của người tiền nhiệm. Như vậy cái chưa được của người đi trước lại là cơ sở, là bài học cho cái được của người đi sau. Do vậy rất không nên phủ nhận hoàn toàn sự đóng góp của vị huấn luyện viên không thành công nọ.

Cho nên thật không công bằng khi có một số người so sánh, đối chiếu sự thành công hôm nay và thất bại hôm qua của môn thể thao này. Thậm chí có ý kiến cực đoan trong khi đề cao thái quá người đi sau lại có ý chê bai người đi trước. Thế thì vừa không khoa học cũng không đúng đạo lý. Đành rằng khen chê là quyền mỗi người và bài học rút kinh nghiệm là rất cần thiết cho bất kỳ việc gì, bất kỳ ai, nhưng vấn đề là thời điểm và hiệu quả, hiệu ứng của lời khen chê.  Ở đời này đâu có ai muốn thất bại!!! Mà người Việt ta cũng thật lý trí và cũng thật tình người khi có châm ngôn: “Thất bại là mẹ thành công”. Với mỗi cá nhân cũng vậy, “ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”…

Mới thấy rằng làm người thật khó. Đúng là: “Ở sao cho vừa lòng người!”. Có khi chỉ một sự vui quá đà, một lời bình thiếu kiềm chế, một câu nói vui thiếu tỉnh táo, không đúng lúc cũng có khi làm đau người khác!

NGUYÊN THANH