Live show “Hãy đến với anh” diễn ra vào 20 giờ ngày 11-11, tại Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), do Công ty cổ phần truyền thông Vietart tổ chức một lần nữa để NSND Quang Thọ được trải lòng mình vào âm nhạc, thể hiện tình yêu với khán giả và các học trò.

NSND Quang Thọ.

Từ người thợ mỏ đến NSND

NSND Quang Thọ sinh ra tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Năm 1952, ông cùng gia đình chuyển đến sống ở thành phố Cẩm Phả. Khi còn là học sinh lớp 8, đột nhiên, những cơn đau bụng hành hạ cậu thiếu niên này hàng tháng trời mà không rõ nguyên nhân. Có lẽ một phần vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn không đưa đi khám để chẩn đoán bệnh và cũng là do chủ quan với sức khỏe. Vì thế, Quang Thọ cố chịu đựng và vẫn đến trường học bình thường cùng các bạn, đến khi sức đề kháng của cơ thể không còn nữa, Quang Thọ bị ngất đi. Gia đình đưa đến bệnh viện thì bác sĩ kết luận, ông bị xuất huyết dạ dày.

Phải nằm viện điều trị trong thời gian khá dài, hơn nữa gia đình có tới 8 anh chị em nên lúc đó mặc dù biết con rất muốn đi học nhưng bố mẹ của NSND Quang Thọ vẫn phải buộc lòng đưa ra quyết định cho con nghỉ học để đi làm sau khi đã điều trị khỏi bệnh. Năm 1964, NSND Quang Thọ chính thức trở thành công nhân cơ điện mỏ than cọc 6 Quảng Ninh.

Dường như niềm đam mê ca hát cộng với chất giọng trầm ấm bẩm sinh đã khiến người nghệ sĩ này có thể hát ở bất cứ đâu và trên sân khấu nào từ khi còn chưa vào nghề ca hát. Khi đã trở thành công nhân mỏ, NSND Quang Thọ rất tích cực tham gia vào các phong trào văn nghệ của công nhân vùng mỏ Cẩm Phả và tỉnh Quảng Ninh.

Đầu năm 1971, NSND Quang Thọ có mặt trong đoàn văn nghệ xung kích của vùng mỏ đi biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Lào và Campuchia. Năm 1972, ông được cử đi học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, NSND Quang Thọ trở thành nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

Với kinh nghiệm từ thực tiễn và năng khiếu thanh nhạc, năm 1987, ông đã trở thành giảng viên Khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. NSND Quang Thọ trở thành chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc từ năm 2000 đến năm 2008 thì nghỉ hưu. Với các huy chương Vàng trong các hội diễn toàn quốc nhiều năm, 3 giải thưởng lớn trong các cuộc thi âm nhạc quốc tế (giải Nhất Tiếng hát sinh viên thế giới tại Đức; giải thưởng Liên hoan ca nhạc tại Mông Cổ), NSND Quang Thọ đã vinh dự được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1993 và NSND năm 2001.

Trong suốt 50 năm cống hiến cho âm nhạc, tiếng hát NSND Quang Thọ đã vang xa từ hầm lò tới chiến trường, giảng đường và cả trên sân khấu chuyên nghiệp trong và ngoài nước.

Sau nửa thế kỷ theo nghiệp cầm ca, NSND Quang Thọ vẫn nhớ về những ngày đầu từ khi còn là người thợ mỏ đến khi trở thành NSND, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, từ trong hầm lò hay trên công trường, ông đều cất cao tiếng hát. Rồi những năm bom đạn ác liệt ở chiến trường, tiếng hát NSND Quang Thọ đã trở thành nguồn cổ vũ tinh thần “tiếng hát át tiếng bom” để quân và dân ta chiến đấu chống quân thù. Gian nan, vất vả nhưng chính quá khứ hào hùng của máu và hoa ấy đã chắp cánh cho tiếng hát của NSND Quang Thọ bay cao và khẳng định được vị thế trong lòng khán giả.

Âm nhạc kết nối tình cảm thầy và trò

Không chỉ thành công trên con đường là một ca sĩ, nghệ sĩ lớn của dòng nhạc chính thống và là một ca sĩ trưởng thành từ phong trào ca hát quần chúng mà NSND Quang Thọ còn rất thành công trong sự nghiệp “trồng người” khi đào tạo ra nhiều ca sĩ tài năng như: Đăng Dương, Trọng Tấn, Lan Anh, Khánh Linh...

Trên cương vị một người thầy, lòng tận tâm và sự khác biệt trong phương pháp đào tạo luôn khích lệ thế mạnh cá nhân của từng học trò, NSND Quang Thọ đã truyền thụ những kinh nghiệm, kỹ thuật và niềm say mê cống hiến âm nhạc cho học trò. Để ngày hôm nay, âm nhạc chính thống và đương đại có một lớp “ngôi sao” trưởng thành từ sự dìu dắt của ông.

NSND Quang Thọ và các học trò sẽ biểu diễn trong live show "Hãy đến với anh".

Nửa thế kỷ hát và giảng dạy, từ người thợ mỏ đến danh hiệu NSND, người nghệ sĩ này đã đi trên một con đường âm nhạc đẹp. Hơn cả những danh hiệu, tiếng hát của ông được coi là một trong những giọng ca hàng đầu của dòng nhạc chính thống, là cội rễ của thính phòng cổ điển Việt Nam. Tôn vinh 50 năm ca hát của NSND Quang Thọ, live show “Hãy đến với anh” quy tụ các tên tuổi vốn là những học trò được NSND Quang Thọ dìu dắt như “bộ ba giọng tenor” hàng đầu hiện nay là Đăng Dương - Trọng Tấn -Tùng Dương; giọng hát họa mi Khánh Linh; Lan Anh, Tân Nhàn. Với ý nghĩa đó, chương trình sẽ thắm đượm tình cảm thầy-trò.

“Tôi muốn dành toàn bộ chương trình này cho những học trò mà tôi đã dành cả cuộc đời dạy học để truyền thụ kiến thức âm nhạc cho các em. Đến bây giờ, các em đã đứng vững trên đôi chân của mình, đó là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao đối với tôi. Chương trình sẽ gồm khoảng 30 bài hát, trong đó tôi sẽ hát solo hơn 10 bài, còn lại sẽ hát cùng các học trò”, NSND Quang Thọ cho biết.

 NSND Quang Thọ và ca sĩ Tùng Dương.

Tự hào về người thầy của mình, các học trò luôn dành cho NSND Quang Thọ tình cảm đặc biệt. Ca sĩ Tùng Dương tâm sự: Lúc đầu mới vào học, tôi cảm thấy rất lo lắng bởi dáng vẻ thầy lúc nào cũng nghiêm túc, gương mặt lại nghiêm nghị nhưng trong quá trình học, tôi cảm thấy thầy rất gần gũi, thân thiện, giúp đỡ tận tình từng học sinh. Càng gần thầy, tôi càng yêu mến, trân trọng thầy không chỉ ở tài năng mà còn cả niềm đam mê với nghề và cách thầy truyền đạt kiến thức cho học trò rất chuyên nghiệp, định hướng cho học sinh đi theo con đường âm nhạc phù hợp với từng em.

Nhắc đến thế hệ ca sĩ do NSND Quang Thọ đào tạo không thể không nói đến ca sĩ Đăng Dương và Lan Anh. Đây là 2 giọng ca của dòng nhạc cách mạng đã chiếm được tình cảm của đông đảo công chúng. Được đứng trên một sân khấu trong live show kỷ niệm 50 năm ca hát của người thầy đã dìu dắt mình, hai ca sĩ ca sĩ Đăng Dương và Lan Anh cảm thấy rất vinh dự, tự hào bởi chặng đường họ đang đi do thầy giáo Quang Thọ định hướng và lựa chọn.

Chị Đoàn Thúy Phương, Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Vietart, đơn vị tổ chức chương trình. 

Theo chị Đoàn Thúy Phương, Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Vietart, không phải vì lý do live show Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn do Công ty tổ chức vừa diễn ra cuối tháng 8 "cháy vé" thì mới có live show này mà bởi vì dòng nhạc chính thống luôn là những món ăn tinh thần không thể thiếu và đi sâu vào lòng khán giả cả nước. “Tôi nghĩ, live show Hãy đến với anh diễn ra một buổi duy nhất chưa thể đủ để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng mà cần phải có nhiều chương trình như thế này mới thỏa mãn tình yêu dành cho âm nhạc của khán giả. Sắp tới, chúng tôi sẽ sản xuất nhiều chương trình âm nhạc cách mạng như thế này”, chị Đoàn Thúy Phương cho biết.

Nửa thế kỷ cống hiến cho âm nhạc của một người người nghệ sĩ được gói gọn trong một chương trình chưa thể đủ nhưng với sự đầu tư dàn dựng kỹ lưỡng cả về nội dung, âm thanh, và sân khấu, khán giả sẽ có một “bữa tiệc” âm nhạc đặc sắc, ấn tượng.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN