Mang đến Ấn Độ những hình ảnh đẹp của Việt Nam
Ngày chuẩn bị cho chuyến đi, phía Ấn Độ thông báo sẽ không có buổi gặp mặt chính thức nên chúng tôi không cần chuẩn bị trang phục cầu kỳ. Thế nhưng, không ai bảo ai, trong va li của các thành viên nữ đều mang theo chiếc áo dài. Ngày khai giảng, chúng tôi thống nhất các thành viên nữ mặc áo dài để thể hiện sự trân trọng, đáp lại những thịnh tình phía bạn đã dành cho. Quả thật, tà áo quê hương mang lại cho chúng tôi rất nhiều tự tin. Từ ký túc xá tới lớp học, mọi con mắt đều đổ dồn về những tà áo thướt tha. Lớp học hôm đó như bừng sáng, cả trong khuôn thước đi đứng, nói năng và cả trong những nụ cười chúng tôi trao cho nhau. “Khi đến Ấn Độ, tôi thấy mình thật nhỏ bé nhưng lúc mặc áo dài truyền thống, cảm giác cả quê hương đang tiếp thêm sức mạnh khiến tôi cảm nhận rõ hơn niềm tự hào đất nước. Ở đây, khi làm bất cứ điều gì, giao tiếp hay biểu hiện, tôi đều nghĩ rằng tôi không chỉ hành động vì cá nhân hay một cơ quan báo chí của riêng mình mà đang mang sứ mệnh đại diện cho đất nước mình”, nhà báo Kiều Thị Thoan Thu, Báo Kinh tế và Đô thị bày tỏ.
 |
Nữ nhà báo Việt Nam mang áo dài tới Taj Mahal.Ảnh: MINH NHÃ |
Trên chuyến hành trình từ thành phố đến những vùng quê, đi qua nhiều địa danh trên đất nước bạn như: Zaheerabad, Hyderabad, Andhra Pradesh..., chúng tôi tặng bạn những bức tranh sơn mài hoặc tranh gạo về phong cảnh Việt Nam. Tại các điểm đến của đoàn, khá nhiều bạn trẻ bày tỏ thích thú vì nhận được món quà mang dấu ấn Việt Nam. “Dù thời gian chuẩn bị cho chuyến đi chỉ vài ngày với vô số thủ tục nhưng đây là tấm lòng, là tình cảm của Việt Nam muốn dành cho các bạn Ấn Độ. Chúng tôi mong rằng các bạn sẽ nhớ mãi hình ảnh của Việt Nam” trở thành câu cửa miệng mỗi khi trao tặng các bạn món quà chúng tôi mang đi từ Việt Nam bên cạnh những lỉnh kỉnh đồ đạc, tư trang.
Ngày bế giảng, dù thời gian không nhiều nhưng đoàn chúng tôi quyết định dành cho phía bạn một bất ngờ. Nhà báo Đặng Anh Tuấn, Báo Tuổi trẻ và nhóm thực hiện đã ghi lại toàn bộ quá trình đoàn đến Ấn Độ, đi qua các điểm đến trên đất bạn và làm thành một video ngắn. Toàn bộ thành viên nữ trong đoàn cùng mặc trang phục truyền thống Việt Nam và Ấn Độ “trình diễn thời trang” với đủ sắc màu cùng một điệu nhảy Ấn Độ mới được tập luyện. Lời “cảm ơn”, “thank you” và “namaste” đều bắt nguồn từ trái tim. Dù không thuần thục nhưng có lẽ cách thể hiện của chúng tôi đủ để phía bạn hiểu được những tâm tình muốn gửi gắm.
Màn trình diễn có sự kết hợp hài hòa văn hóa hai nước làm tôi nhớ về bài “Xin chào Việt Nam” được múa bằng điệu Bharatanatyam, một điệu múa miền Nam Ấn Độ do các bạn thực hiện để chào đón chúng tôi ngày khai giảng. Điệu múa sử dụng biểu cảm gương mặt cùng nhịp điệu nhưng đủ để chúng tôi hiểu rằng bạn muốn thể hiện lòng hiếu khách và bày tỏ những hiểu biết nhất định về con người Việt Nam thân thiện, hiền hòa. Chương trình biểu diễn thời trang của chúng tôi cũng vậy, không có ngôn từ cất lên nhưng ánh mắt, ngôn ngữ cơ thể đủ giúp chúng tôi hiểu rằng hai nền văn hóa đang hướng về nhau và cùng vì tình bạn tươi đẹp.
Những cuộc gặp để lại đôi mắt in hình có nhau
Không chỉ muốn lưu lại những hình ảnh đẹp, chúng tôi còn muốn để lại cả những ấn tượng đẹp với bạn bè Ấn Độ. Ai cũng hiểu mình chính là “đại sứ nhỏ bé” mang hình ảnh đất nước trên vai. Rõ nét nhất có lẽ là nhà báo Kiều Thị Thoan Thu, người được chúng tôi gọi đùa là “Bộ trưởng Ngoại giao”. Trong khóa học, chị hoạt động rất năng nổ, chịu khó trao đổi với thầy cô và đội ngũ nhân viên trong trường hay những vị khách Ấn Độ thân thiện hỏi chuyện trên đường. Ngay sau ngày khai giảng, đã có một cô bé Ấn Độ bẽn lẽn đi theo chị. Rishita (tên cô bé) nhút nhát nhưng có thể ngồi cả ngày bên cạnh “mẹ Thu”. Bé Rishita có bố là lái xe, mẹ là lao công ở trường. Ngày chúng tôi rời trường chuyển lên Delhi, mẹ bé Rishita-chị Kalamma đã gọi video cho Thoan Thu vì nói rằng "con gái em nhớ chị lắm!".
Tiến sĩ Suresh Kumar Kondoju, Trung tâm Luật và Hành chính công (Viện Phát triển nguồn nhân lực TS Marri Channa Reddy) là một trong những người đồng hành với chúng tôi nhiều nhất trên đất Ấn Độ. Ngoài thời gian ở trường, hầu như thầy đi cùng chúng tôi đến gần hết các địa điểm. Thời gian ngồi ô tô là lúc chúng tôi tranh thủ giao lưu và trao đổi với thầy về cuộc sống và sở thích của người dân hai nước. Thỉnh thoảng thầy còn gọi điện thoại để chúng tôi nói chuyện với vợ thầy. Có lẽ vì yêu quý Việt Nam mà có lần thầy còn gọi video cho cả em vợ cũng là giáo viên đúng vào buổi giảng bài.
Trả lời phóng viên Báo Quân đội nhân dân, thầy dạy múa Prithviraj Ramaswamy, nghệ sĩ của Sở Ngôn ngữ và Văn hóa Bang Telangana nói rằng, chúng tôi là những người Việt Nam đầu tiên ông gặp. “Tôi chưa từng đến Việt Nam. Tất cả những gì tôi biết là những bài học lịch sử rằng người Việt rất mạnh mẽ, dân tộc các bạn có truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc. Phụ nữ Việt Nam rất tốt và là những người luôn hướng về gia đình. Khi tôi gặp các bạn, tôi rất ấn tượng. Các bạn đều thông minh, đều có nhiều niềm đam mê. Tôi nghĩ rằng các bạn mang những nét văn hóa của đất nước mình nên tôi muốn đến để tìm hiểu. Là một nghệ sĩ, tôi không những muốn đến để tìm hiểu nền văn hóa của các bạn mà còn muốn sống một thời gian ở Việt Nam”, thầy Prithviraj Ramaswamy chia sẻ.
Có thể nói, khóa học đã góp phần giúp chúng tôi hiểu hơn về tình hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ, về đất nước và con người Ấn Độ. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi nói với thế giới về hình ảnh đất nước Việt Nam hòa bình, đổi mới, thân thiện, là điểm đến an toàn đối với du khách và nhà đầu tư quốc tế. Nhớ về Ấn Độ, chúng tôi vẫn thường nhớ tới cái lắc đầu đầy đặc trưng cùng câu nói "Oke la" (mọi thứ đều tốt) của anh Sharathkumar Moutam, nhân viên công nghệ thông tin của Viện Phát triển nguồn nhân lực TS Marri Channa Reddy mỗi khi chụp xong cho chúng tôi một tấm ảnh ưng ý. Chuyến đi đã khép lại nhưng bao ấn tượng và tình cảm giữa những người bạn thì còn mãi. Chúng tôi sẽ có người quay lại Ấn Độ và sẽ có nhiều người bạn Ấn Độ đến với đất nước Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục góp thêm sự hiểu biết, tin cậy để tình hữu nghị hai nước, nhân dân hai nước mãi phát triển, trường tồn.
Ghi chép của MINH NHÃ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.