Ngõ nhỏ nhà tôi ở làng Kim Mã (Ba Đình), vốn có nghề làm đậu phụ truyền thống. Thực ra so với đậu Mơ nức tiếng thì đậu phụ làng tôi không có cửa để so sánh nhưng cũng là thực phẩm quan trọng thời bao cấp. Và để làm đậu, thì nhà nào cũng cần có riêng một giếng nước.
Giếng nước ngày xưa quan trọng lắm. Nhà tôi không làm đậu nhưng thế quái nào lại có một cái giếng. Giặt áo trắng bằng nước giếng là một điểm trừ, còn lại thì giặt tuốt. Nước giếng mát lạnh, rửa rau, vo gạo hay dùng để nấu nướng cũng chấp nhận được (nhất là những bữa vòi nước công cộng tậm tịt).
 |
Giếng cổ, giếng làng còn giữ được là điều vô cùng đáng quý. Ảnh: XUÂN CHÍNH
|
Tôi cứ nhớ dịp cuối tuần, họ hàng, làng xóm mang đủ chăn màn, quần áo, xô chậu ra bên bờ giếng nhà tôi vừa giặt giũ, vừa buôn chuyện. Cái gầu be bé chụp nước liên tục. Được cái mạch nước to, giếng nhiều mạch nên các bác, các bà, các chị cứ thoải mái giặt cơ man hàng chậu quần áo.
Giếng còn là nơi bọn trẻ con tắm tập thể. Vui nhộn vô cùng. Thi thoảng lại có bà mẹ đi qua gào tướng lên: Thằng kia, mày có về không thì bảo.
Nhân chuyện giếng sạch, giếng trong, các cụ trong làng kể ngày xưa, khi đào giếng làng Kim Mã, các bậc cao niên trong làng cẩn thận rước thầy địa lý, phong thủy về xem nơi đặt giếng để chọn được mạch nước trong, mát, ngọt. Mạch nước được xác định sao cho tuôn chảy dồi dào quanh năm suốt tháng. Thế nhưng theo các cụ, vì sao vẫn có một vài giếng mùi thum thủm là bởi đào giếng gần ao quá. Cái này các cụ nói đúng. Nhà cuối ngõ, sát ao, bảo sao nước giếng không được ngọt, được trong như nhà khác.
 |
Giếng còn là “mắt ngọc” của làng. Ảnh: XUÂN CHÍNH
|
Giếng ở trong ngõ dốc cũng có cái dở, đó là mỗi khi mưa to, hay bão lũ, thì giếng đa phần ngập hết. Giếng làng tôi vốn thành giếng thấp, không hiểu sao lại vậy, mà ngõ lại dốc, thành ra cứ có bão lũ lại xác định “thau giếng” mất nguyên ngày.
Nghề làm đậu phụ của làng Kim Mã cũng dần mai một, phôi pha theo năm tháng. Đến nay không còn nhà nào làm nữa. Thành ra giếng nước cũng theo đó dần lùi vào kỷ niệm, chỉ còn là những ký ức đẹp trong lòng. Nhưng với chúng tôi, bọn trẻ của những năm 80, 90 thế kỷ trước, giếng làng, giếng nhà là một thứ gì đó thật thiêng liêng mà lại hết sức thân thương, đẹp đẽ. Ngày đó dù học thức của hội nhất quỷ, nhì ma… còn hạn chế, nhưng bọn trẻ đứa nào cũng hiểu không có nước ngọt là chết. Những hôm máy nước công cộng mất nước, cả ngõ nháo nhác, xô chậu cứ thế xếp quanh miệng giếng để tích nước dùng dần. Nhớ lắm những đời giếng thân thương.
HÀ THÀNH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.