Sinh viên khoa Nhạc cụ hòa tấu đàn tỳ bà
Khoa Nhạc cụ truyền thống-Nhạc viện Hà Nội đã ra đời tròn 50 năm. Hằng năm khoa đào tạo 300 sinh viên, học sinh từ sơ cấp, trung cấp đến đại học, trên đại học. Mỗi năm có từ 15 đến 25 em tốt nghiệp hệ đại học ra trường. Các thế hệ thầy trò khoa Nhạc cụ dân tộc đã nối tiếp nhau giữ gìn, bảo tồn và phát triển những giai điệu, cung đàn Việt Nam thắm đậm tình yêu, niềm tự hào quê hương đất nước…

Khoa Nhạc cụ truyền thống hiện nay có 24 giảng viên cùng hơn 20 thầy cô cộng tác viên dạy học, dạy đàn dân tộc tại khoa. Khoa đảm nhận dạy 9 loại nhạc cụ dân tộc (chính thức): đàn bầu, sáo, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn tam thập lục, đàn tranh và bộ gõ (trống, mõ), ngoài ra còn dạy thêm 3 loại nhạc cụ dân tộc (không chính thức): đàn Tơ-rưng, Klông-pút… Học sinh được tuyển chọn vào học tại khoa phải có năng khiếu, theo học từ hệ sơ cấp đến trung cấp: 6 năm, hệ đại học: 4 năm và hệ trên đại học.

NSƯT Thanh Tâm-Trưởng Khoa Nhạc cụ truyền thống Nhạc viện Hà Nội cho biết: “Khoa Nhạc cụ truyền thống là nơi hội tụ nhiều các nghệ sĩ, giáo viên có tên tuổi và kinh nghiệm dạy giỏi như: NSND Xuân Khải, NSƯT Hồng Thái, NSƯT Ngô Vượng, NSƯT Thanh Tâm-đàn bầu, NSƯT Hồng Phúc-đàn Klông-pút, NSƯT Mai Phương-đàn tam thập lục, NSƯT Thế Dân-đàn nhị, NS Lê Phổ-sáo, NSƯT Tiến Vượng… Sắp tới nhiều giảng viên được phong tặng NSƯT: Lê Phổ, Mai Lai, Thanh Hằng, Huy Hùng. Các giảng viên trẻ là những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất, được Nhạc viện giữ lại làm giáo viên dạy tại khoa. Nhiệm vụ của Khoa Nhạc cụ truyền thống là đào tạo các nghệ sĩ biểu diễn, nghiên cứu khoa học. Ngoài công tác chuyên môn, Khoa Nhạc cụ truyền thống còn đảm nhận biểu diễn các chương trình nghệ thuật dân tộc, phục vụ các lễ hội, lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước, tham dự các lễ hội dân gian, liên hoan, cuộc thi âm nhạc dân tộc truyền thống tổ chức tại các nước bạn. Hằng năm các đoàn, nhóm giảng viên, sinh viên Khoa Nhạc cụ truyền thống tham dự các liên hoan, cuộc thi âm nhạc dân tộc tại nước ngoài, đều đoạt nhiều giải thưởng cao, bằng khen và huy chương vàng, bạc…”.

Nhiều khán giả trong nước và quốc tế đã được xem, nghe và thưởng thức những làn điệu dân ca Việt Nam trên sân khấu, trên ti-vi và trên sóng phát thanh đài Tiếng nói Việt Nam, đều do các nhóm giảng viên, nhóm sinh viên của khoa biểu diễn. Những cung đàn, giai điệu dân ca mang đến những thành công bất ngờ, được khán giả mọi miền đất nước trân trọng và yêu thích. Những làn điệu dân ca 3 miền, từ những bài quen thuộc như Ru con, Cò lả, Trống cơm, Lý ngựa ô, Hò kéo lưới… đến những làn điệu chèo rộn ràng, Quan họ trữ tình, Nhã nhạc Huế, Cải lương… được biểu diễn bằng những nhạc cụ cổ truyền với những âm thanh màu sắc huyền ảo, lung linh làm say đắm, hút hồn người nghe.

Nối tiếp các thế hệ nghệ sĩ, thầy cô nổi tiếng, thế hệ sinh viên và học sinh hiện nay đang theo học tại khoa có rất nhiều gương mặt xuất sắc, nổi trội như: Lê Thùy Linh (trung cấp năm thứ nhất-đàn bầu), Đồng Minh Anh (trung cấp 1-đàn bầu), Trương Xuân Tứ-dân tộc Tày (đại học năm thứ hai-sáo), Nguyễn Thành Nhân (năm thứ nhất-đàn nhị), Nguyễn Hải Đăng (đại học 1- đàn nhị), Đỗ Khắc Huấn (năm thứ tư-đàn nguyệt), Phạm Thị Phượng (đại học năm thứ nhất- đàn tỳ bà), Nguyễn Thanh Huyền (đại học năm thứ nhất – đàn tam thập lục), Lê Ngọc Hà (trung cấp 4-tam thập lục), Nguyễn Thảo Trầm Anh (sơ cấp 5-đàn tam thập lục), Minh Trang (trung cấp 1-đàn tranh).

Khoa Nhạc cụ dân tộc đã dạy và đào tạo tốt nghiệp đại học cho 5 em sinh viên khiếm thị tốt nghiệp ra trường như: Thanh Tùng (khoa sáng tác-đàn bầu), Kim Ơn-đàn bầu, Trần Quốc Hoàn-đàn bầu… Hiện nay còn một số sinh viên khiếm thị như: Lê Diễm (trung cấp-đàn tranh), Đinh Thế Sơn (đại học năm thứ tư – đàn nguyệt)… đang tiếp tục theo học tại khoa. Các em sinh viên khiếm thị đều học tốt, chơi đàn rất hay, ra trường đều tốt nghiệp loại giỏi.

Hiện nay Khoa Nhạc cụ truyền thống-Nhạc viện Hà Nội đang có nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh quốc tế theo học nhạc cụ dân tộc tại khoa như: Trung Quốc-2 sinh viên, Nhật Bản-2 sinh viên, Mỹ-2 sinh viên và Đan Mạch-một sinh viên; thời gian học từ 2 đến 5 năm.

Bài, ảnh: HOÀNG NAM