Nhưng ít ai biết rằng, để có được thành công như ngày hôm nay là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của chàng trai sinh ra ở miền quê nghèo thuộc huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Ploong Thiết đoạt giải Nhì Sao Mai 2003 với ca khúc dân ca Pa Cô “A Miêng ơi”. Đó là bước khởi nguồn để anh dần khẳng định tên tuổi tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội hiện nay. Khi được hỏi về con đường đến với âm nhạc của mình, Ploong Thiết chia sẻ: “Người đưa tôi đến với âm nhạc chính là thầy An Thuyên. Năm 1998, tôi được đại diện cho Trường Dân tộc nội trú A Lưới tham gia cuộc thi văn hóa thể thao các trường dân tộc nội trú toàn quốc tổ chức ở Thanh Hóa, nhạc sĩ An Thuyên làm Trưởng ban giám khảo. Trong cuộc thi đó, tôi đã đoạt giải đặc biệt với bài hát “Người con gái Pa Cô”. Sau cuộc thi, thầy An Thuyên gặp tôi và hỏi: “Cậu có thích đi theo nghề ca hát chuyên nghiệp không?”. Lúc ấy, tôi nghĩ thầy nói đùa. Rồi hơn nửa năm sau, tôi đang đi làm rẫy cùng bố mẹ thì người anh trai từ nhà chạy bộ cả mấy cây số thông báo tôi đã trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội). Khỏi phải nói, cả làng, cả xã đến nhà tôi chúc mừng và với tôi lúc ấy, “giấc mơ Pa Cô” là có thật.
 |
NSƯT Ploong Thiết biểu diễn trên trận địa canh trời ở Trung đoàn 218, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân). |
Bố mẹ phải bán cái xe đạp để lấy tiền cho Ploong Thiết khăn gói ra Thủ đô ăn học. Một tâm hồn “hoang sơ” từ núi rừng với diện mạo lem nhem, tiếng Việt nói chưa sõi, phải một thời gian khá dài Ploong Thiết mới hòa nhập với mọi người. “Phải nói thật, nếu không phải là môi trường quân đội có lẽ tôi vẫn gắn đời mình với nương rẫy. Năm học đầu tiên, nhiều lần tôi đòi về với bản làng, nhưng chính sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của đồng chí, đồng đội đã giúp tôi vượt qua sự tự ti, mặc cảm và những khó khăn trong cuộc sống”, NSƯT Ploong Thiết tâm sự.
Với khả năng đặc biệt, Ploong Thiết được lựa chọn tham gia nhiều cuộc thi âm nhạc uy tín. Sau giải nhì Sao Mai năm 2003, giải đặc biệt các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 2004, khán giả bắt đầu biết đến chàng trai người dân tộc Pa Cô luôn cháy hết mình trên sân khấu với những ca khúc về cao nguyên, núi rừng đậm chất rock nhưng cũng đầy tha thiết, đắm say.
Hơn 10 năm công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Ploong Thiết đã mang tiếng hát của mình đến với cán bộ, chiến sĩ và bà con trên mọi miền Tổ quốc. Nhớ nhất là lần đến biểu diễn ở đảo Song Tử Tây vào năm 2012, Ploong Thiết bị san hô cứa đứt chân, vết thương sâu, chân tập tễnh nhưng anh vẫn cố gắng để "cháy hết mình" cùng bộ đội và người dân trên đảo. Sau mỗi chuyến đi là những trải nghiệm thú vị, mang đến cho anh nhiều cảm hứng, niềm đam mê với sự nghiệp ca hát.
Dịp Tết Mậu Tuất vừa rồi, Ploong Thiết đưa cả gia đình về quê ăn Tết. Anh cùng vợ con đến từng nhà thăm hỏi bà con trong buôn làng và tặng bà con hai đĩa CD với những ca khúc anh hát về Tây Nguyên, về mẹ, rồi nhắn nhủ với mọi người động viên con em học hành cho tốt để cuộc sống không phụ thuộc vào nương rẫy. “Ở ngoài Hà Nội có nhiều đồng hương lắm, trong đó có con, sẽ là điểm tựa nếu các em được ra ngoài đó học tập”, Ploong Thiết nói vậy.
Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA