Chuyện không thể dứt và bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” lại vang lên nhưng sao vẫn nghẹn ngào. Cảm giác như thực, như mơ ngày ấy lại trỗi dậy. Chính chúng tôi-những người lính trẻ lại được sống trong giờ phút lịch sử kết thúc thời kỳ kháng chiến dài đằng đẵng 30 năm với mấy thế hệ đất nước cầm súng đó ư?...
Tiếng hát chưa dứt, chúng tôi dường như cùng nhớ đến chiếc khẩu trang vừa tạm tháo ra. Ngày chiến thắng giặc ngoại xâm năm nay vẫn là ngày cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Những ngày này, quanh chúng tôi, các bài hát của những năm tháng không thể quên ấy-những bài ca khải hoàn đang vang lên: “Như có Bác trong ngày đại thắng”, “Tiến về Sài Gòn”, “Đất nước trọn niềm vui”... cùng những bài ca về Trường Sơn, về “miền Đông gian lao mà anh dũng”, những bài ca “Nối vòng tay lớn”, “Mùa xuân đầu tiên”... đang đan xen với những bài hát mới của lòng người đang chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh-những “Việt Nam ơi”, “Ghen Cô Vy”, “Chiều nay nếu anh không về”, “Niềm tin”...
Mấy tháng qua, đã có không biết bao lần tôi được nghe những bậc cha chú và bạn bè đồng trang lứa của mình thốt lên: Sao giống cảnh thời chiến thế! Đúng là “chống dịch như chống giặc”! Rồi lớp trẻ hỏi: “Hồi chiến tranh cũng phải “cách ly” thế này ư? Các bác, các chú thuở ấy cũng không được ra đường? Thời chiến-thời bình khác nhau như thế nào?”.
Khác nhiều lắm, mà giống cũng nhiều lắm. Cái khác dễ thấy nhất là thiếu và đói. Thiếu đủ thứ từ những vật dụng thông thường nhất. Và đói thì triền miên, lúc nào cũng thèm cơm, thèm thịt, cá, thèm cả nước mắm, rau xanh. Cái khác thứ hai là thời chiến dài, dài qua đời ông, đời cha, qua chúng tôi và cả lớp đàn em mình. Và cái khác lớn hơn tất cả là đạn bom bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, từ Nam chí Bắc, là chia ly, máu đổ, hy sinh và chết chóc vô vàn.
Còn giống ư? Điều bao trùm mọi thế hệ người trong kháng chiến trước đây và chống "giặc" Covid-19 hiện nay là niềm tin chúng ta sẽ chiến thắng, Việt Nam tất thắng!
Niềm tin chiến thắng bắt đầu từ đâu? Từ khát khao cháy bỏng của lòng dân mà Bác Hồ đã nung nấu suốt cả cuộc đời và khẳng định trong mọi tình huống đất nước cam go, ngặt nghèo hay mỗi khi thắng lợi từng trận, từng giai đoạn: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, “Có độc lập, tự do là có tất cả”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một", "Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”... Niềm tin ấy thấm sâu trong con tim mỗi người dân, chiến sĩ để người người đồng lòng nhất tề thực hiện theo đường lối, mệnh lệnh chiến đấu, lao động của Đảng, của các cấp lãnh đạo, chỉ huy.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang diễn ra cũng khởi nguồn như thế từ sự nhận định, đánh giá chính xác về thứ "kẻ thù" vô hình mà cực kỳ nguy hiểm, cùng các biện pháp khoa học, quyết đoán của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chuyên môn. Diễn biến thực tế của công cuộc phòng, chống dịch ngay từ ngày đầu, ngay trong những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý cùng tình hình lây lan của dịch trên thế giới đã làm cho nhân dân ta càng sâu nặng niềm tin vào Đảng, Nhà nước, vào các bác sĩ, nhân viên y tế, bộ đội và công an trên tuyến đầu chống dịch. Và dân ta tin vào chính mình, vào sự đồng lòng, chung sức trên tư thế mỗi người dân là một chiến sĩ. Cuộc chiến trường kỳ “đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận” kẻ xâm lược dường như đã được thấy lại trong từng giai đoạn của cuộc chiến chống dịch.
Giờ đây, ở nhà cũng là chống dịch, giống như năm xưa, khi chúng tôi còn nhỏ được dặn rằng, nghe tiếng còi báo động máy bay địch sắp bay vào bầu trời Hà Nội thì lập tức phải xuống hầm ngay. Ngày ấy, người lớn, trẻ con ai cũng có chiếc mũ rơm đội đầu thì nay, trên gương mặt ai ai cũng có chiếc khẩu trang.
Ngày trước, sau bao năm quân dân miền Nam kiên trì bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời” để giữ làng, giữ đất, giữ thế trận toàn dân đánh giặc, để rồi Mùa Xuân toàn thắng 1975 ấy đã diễn ra cuộc tấn công thần tốc vũ bão mà chúng tôi may mắn được góp mặt. Ngày nay, trong thế trận toàn dân phòng, chống dịch bệnh lại đã có các “chiến thuật” tăng tốc của hệ thống chính trị và đội quân y tế ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất có thể. Thời đánh giặc, trong hành tiến tấn công vào Sài Gòn “thời gian là lực lượng”, nay chống dịch cũng vậy. Càng khẩn trương bao nhiêu càng kiểm soát, kiềm chế dịch bệnh nhanh và hiệu quả bấy nhiêu. Đồng tiền hỗ trợ người khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi các hoạt động kinh tế càng đến nhanh, đúng các địa chỉ càng giúp đất nước và người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, tiếp đà phát triển.
Thời chống giặc ngoại xâm, cả nước reo vui trước mỗi tin thắng trận ở tiền tuyến hay hậu phương thì nay, mọi người ở trong Nam, ngoài Bắc cũng lại được hòa cùng niềm hân hoan khi những ca bệnh đầu tiên được chữa khỏi tại Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) hay Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội)... Khi có tin người bệnh cuối cùng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận được chữa khỏi hoàn toàn, cả nhà tôi và các nhà hàng xóm đều xúm lại quanh chiếc ti vi. Nhìn cảnh các bác sĩ, điều dưỡng cùng reo lên “Về nhà rồi!” thì mọi gương mặt quanh tôi đều mừng vui, cảm động.
Nhà tôi ở gần khu Bệnh viện Bạch Mai. Ngày thường nơi đây tấp nập, đông đúc người vào ra các bệnh viện nên liên tục xảy ra cảnh ùn tắc. Vậy mà những ngày qua, tất cả các cổng trước, cổng sau của các bệnh viện đều đóng chặt, đường phố xung quanh im ắng, hiu quạnh. Dân phố âu lo, phải cách nhau, người có việc phải đi lo cho người ở nhà, người ở nhà thắc thỏm dõi mong người đi. Vậy nhưng ở mấy ô cửa sổ phía trước, phía sau nhà tôi kia, tiếng hát vẫn cất lên, tiếng reo của con trẻ được chơi với bố mẹ vẫn vang lên. Còn gì vui bằng mẹ ở nhà nấu cơm, bố làm ngựa “nhong nhong ngựa ông đã về”... Ở khu phố gần bên, người dân sở tại ngày ngày tiếp gạo, tiếp thực phẩm cho những người dân nằm viện ở trọ lâu dài để chạy thận. Cổng chính Bệnh viện Bạch Mai vẫn mở đón những tốp người trong bộ quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, mặt kín mít đến tặng quà là những vật dụng y tế và món tiền gom góp ủng hộ những người ở tuyến đầu. Phía này nữa, "cây gạo" từ thiện mọc lên trong khuôn viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Chẳng đi đâu xa được nhưng những hình ảnh người dân khắp nơi khắp chốn chung tay góp sức vẫn đến với những người nhiều tuổi chúng tôi qua các màn hình... Có bà cụ hơn trăm tuổi, có cả bà mẹ liệt sĩ cũng ủng hộ chút gạo, rau và chút tiền trợ cấp dành dụm... Rồi một ngày Bệnh viện Bạch Mai lên tiếng thông báo vật tư, dụng cụ bảo hộ ở bệnh viện đã đủ; mọi tổ chức, cá nhân hãy ủng hộ các bệnh viện khác. Rồi một ngày cơ quan vợ tôi báo về các phường ven đê sông Hồng, nơi có nhiều gia đình tạm cư bậc nhất Hà Nội chỉ xin nhận 60-70% số túi quà tặng người khó khăn, cảm ơn và xin các anh chị chuyển tặng các phường khác...
Thế trận chống "giặc" Covid-19 cũng là "thế trận lòng dân". Nếu chiến tranh là thử thách toàn diện nhất đối với mỗi quốc gia thì cuộc chiến phòng, chống dịch này đã chứng minh sự vững vàng của đất nước chúng ta trước nguy cơ, tai họa chưa từng có. Trên dưới một lòng là vậy, tương thân tương ái là vậy, cứ nhân lên để dân tộc mãi trường tồn.
Ngày ngày, dù đã biết thông tin về dịch bệnh, tôi vẫn cứ muốn đọc tờ báo của Quân đội ta, trên trang nhất in bảng biểu rõ ràng, cô đọng số ca nhiễm, số ca chữa khỏi ở thế giới và Việt Nam. Đặc biệt là con số “0” người tử vong. Con số “0” này có từ đâu nếu không phải có từ ngày Đảng ta, nhân dân ta có được đất nước trong tay mình, từ ngày Bác Hồ đọc "Tuyên ngôn Độc lập" mồng 2 tháng 9 năm 1945. Có độc lập, có tự do là có tất cả. Cái có ấy nhiều lên, bền vững lên theo năm tháng. Và những ngày tháng này đây, biết bao cái mới sinh sôi trên đất nước ta ngay trong đại dịch toàn cầu. Làm việc, học tập, giải trí trực tuyến, mua sắm qua mạng đâu còn xa lạ. Chính phủ điện tử, giải quyết công việc qua dịch vụ điện tử cấp độ 3, cấp độ 4, rồi mạng 5G đang triển khai. Rồi nữa, những bộ kit xét nghiệm, những máy hỗ trợ thở, những chú robot đã xuất hiện... Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang hiển hiện trong cuộc sống người dân.
Chưa có khúc khải hoàn ca, cuộc chiến chống "giặc" Covid-19 vẫn tiếp diễn nhưng chúng ta đã và sẽ chắc chắn đi ra khỏi đại dịch trong tư thế chiến thắng để phục hồi và đưa đất nước tiếp tục hành trình phát triển hòa bình, hạnh phúc. Chúng tôi, những chiến binh của ngày 30 tháng Tư năm ấy vững tin vào điều đó. Bây giờ chúng tôi đã lui về tuyến sau, song, những người trẻ đã tiếp bước, vững vàng nơi tuyến đầu, trên mọi mũi nhọn cuộc sống.
Tùy bút của MẠNH HÙNG