Trung tá Nguyễn Đức Cương, Phó trưởng Ban Thanh niên Quân đội:
Đẩy mạnh tuyên truyền để thanh niên nhận thức đúng về hình xăm
 |
Trung tá Nguyễn Đức Cương. |
Trong quân đội chúng ta không hoan nghênh, khuyến khích nhưng cũng không kỳ thị với hình xăm. Để giải quyết vấn đề hình xăm trong chiến sĩ, trước hết chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần lập thân lập nghiệp, bảo vệ Tổ quốc trong giới trẻ; giúp các em ý thức được sự tự hào, vinh dự, trách nhiệm được nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc; cần giáo dục cho thanh niên ngay từ lứa tuổi học sinh hiểu được và nhận thức đúng về vấn đề hình xăm; đẩy mạnh tuyên truyền lối sống lành mạnh trong thanh niên, ngăn chặn các ảnh hưởng mang tính tiêu cực của mạng xã hội; các ban, bộ, ngành, các cấp cần phải có sự chung tay giáo dục cho thanh niên về lối sống văn hóa. Đối với các đơn vị, khi tuyển quân cần phải phối hợp với địa phương làm tốt công tác tuyên truyền trong thanh niên để tránh việc có hình xăm trước khi nhập ngũ...
Đại tá NGUYỄN VÂN GIANG, Phó cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần:
Quy định cụ thể về hình xăm trong tuyển quân
Về vấn đề hình xăm, xã hội của chúng ta cũng có nhiều quan điểm. Bản thân hình xăm trong thanh niên cũng có mục đích khác nhau. Về khía cạnh nào đó thì hình xăm với công dân là nhân quyền, nhưng đối với cán bộ trong lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng đặc thù thì phải có những quy định riêng. Về vấn đề này, năm 2010, Bộ Quốc phòng có Thông tư số 167 quy định không tuyển dụng công dân nhập ngũ khi có bất kỳ hình xăm nào.
 |
Đại tá Nguyễn Vân Giang. |
Tuy nhiên, đến năm 2018 đã có sự thay đổi, thực hiện tuyển gọi công dân nhập ngũ theo Thông tư số 148. Thông tư này quy định khá rõ về hình xăm, hình xăm nào vẫn được nhập ngũ, hình xăm nào không tuyển. Những thanh niên có hình xăm không được tuyển, như: Hình xăm có yếu tố nước ngoài, hình xăm ủy mị, hình xăm không thể xóa... Đồng thời, năm 2019, Bộ Quốc phòng cũng đã có văn bản hướng dẫn hội đồng nghĩa vụ quân sự địa phương cụ thể trong tuyển chọn công dân nhập ngũ, trong đó có nói về vấn đề hình xăm. Cục Quân y cũng có những quan điểm về vấn đề này theo các quy định của Bộ Quốc phòng. Ngoài những tiêu chuẩn rõ ràng thì không nên đánh giá hình xăm nhiều về hình thức có thẩm mỹ hay không, mà đánh giá xem thái độ, định hướng chính trị của công dân như thế nào khi xăm hình. Từ đó, Cục Quân y cũng có những hướng dẫn cụ thể về khám sức khỏe, trong đó có cả vấn đề hình xăm.
Cô giáo NGUYỄN KIM ANH, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội):
Định hướng giáo dục ngay trong nhà trường
 |
Cô giáo Nguyễn Kim Anh. |
Chúng tôi cũng phải thừa nhận rằng, vấn đề hình xăm trong thanh niên chưa được các nhà trường quan tâm, định hướng, giáo dục đúng mức. Hình xăm ở học trò là có. Tuy nhiên, học trò thường xăm chỗ kín để giấu thầy cô giáo và cha mẹ. Các hình xăm thường là tên người yêu, các khẩu hiệu về yêu thương, hình trái tim, năm sinh... Cũng có cả tâm lý xăm hình để thể hiện cá tính và sự mạnh mẽ ở học sinh nam. Việc xăm hình đa số chỉ là hành động bột phát, nhất thời. Chính vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền trên báo chí thì công tác giáo dục thanh niên nhận thức đúng về hình xăm, sự ảnh hưởng của hình xăm đến tương lai, đến hạnh phúc gia đình cần được chính những nhà giáo như chúng tôi và các nhà trường quan tâm hơn nữa.
PGS, TS TRỊNH HÒA BÌNH, nguyên Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam):
Có thái độ, cách nhìn đúng
 |
PGS TS Trịnh Hòa Bình. |
Quân đội nhân dân Việt Nam quy định sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng (phục vụ quân đội lâu dài) không được xăm hình hoặc mang trên cơ thể hình xăm; nhưng với chiến sĩ nhập ngũ, những hình xăm có kích thước nhỏ, không gây phản cảm, không ảnh hưởng đến hình ảnh, lễ tiết tác phong của người quân nhân cách mạng thì vẫn được chấp nhận. Đây là định hướng đúng đắn, chuẩn xác trong quản lý của Quân đội ta. Tuy nhiên, ở một thực tế về vai trò cũng như sự phát triển của hình xăm thì nên chăng cũng cần có thêm những quy định cụ thể, chi tiết? Chúng ta cũng cần chú trọng bàn luận việc các hình xăm đó ảnh hưởng đến đâu, mức độ như thế nào để từ đó đi đến một thái độ, một cách nhìn, mức độ chấp nhận hình xăm trên cơ thể ở chiến sĩ cũng như những giới hạn, hạn chế, cảnh báo.
Đại úy Cao Đức Trí, Chính trị viên Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4:
Quản lý nghiêm để không lây lan
 |
Đại úy Cao Đức Trí. |
Qua nắm bắt, tìm hiểu tình hình ở đơn vị, chúng tôi thấy phần lớn những đồng chí có hình xăm đều có nhận thức tốt, một số viết đơn tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự, vào trong quân đội đều tự giác, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, vẫn có một số ít có tư tưởng, thái độ không tốt, hay gây gổ mất đoàn kết nội bộ, thích thể hiện bản thân, chấp hành các chế độ nền nếp không nghiêm nếu thiếu vắng cán bộ hay thiếu sự quản lý. Chính vì thế, đơn vị đã thống nhất trong chỉ huy, quản lý chặt chẽ bộ đội không để xảy ra hiện tượng lôi kéo nhau để xăm mình; có các chủ trương, giải pháp hiệu quả trong quản lý, ngăn ngừa những biểu hiện này và đặt ra yêu cầu cao hơn trong xây dựng nét đẹp văn hóa quân nhân; phải đoàn kết, thống nhất, chính quy, mẫu mực và đúng điều lệnh. Về vấn đề này, chúng tôi cũng kiến nghị, chúng ta nên xây dựng các quy định để phối hợp với địa phương giáo dục thanh niên nhận thức hình xăm, chữ xăm; các địa phương cần quản lý chặt chẽ thanh niên không để họ nhận thức lệch lạc, lợi dụng việc xăm mình trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Hoa hậu Ngọc Hân:
Sẽ là rào cản trong quá trình học tập, công tác
 |
Hoa hậu Ngọc Hân. |
Bản thân Ngọc Hân cảm thấy rất đáng tiếc khi nhiều bạn thí sinh thi hoa hậu rất đẹp, tư chất tốt nhưng lại bị loại vì có hình xăm. Theo Ngọc Hân, có những sai lầm có thể sửa được, tuy nhiên, có những sai lầm không thể khắc phục. Việc có hình xăm đối với những cô gái đẹp cũng vậy. Ngọc Hân không đánh giá việc xăm hình là xấu. Tuy nhiên có những cuộc thi sắc đẹp hay những tổ chức khó có thể chấp nhận những người có hình xăm. Thậm chí đó sẽ là những rào cản trong quá trình học tập, công tác sau này. Ngọc Hân cũng cảm thấy buồn khi không ít thanh niên, thiếu niên có những nhận thức không đúng về hình xăm, có những ứng xử không phù hợp. Điều đó sẽ cản trở nhiều bước thăng tiến trong công việc và cuộc sống của các bạn ấy.
Thượng tá Đỗ Ngọc Anh, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 312, Quân đoàn 1:
Chủ động phối hợp với địa phương giao quân
 |
Thượng tá Đỗ Ngọc Anh. |
Ở Sư đoàn 312, trong 3 năm trở lại đây, cũng có tình trạng chiến sĩ mới có hình xăm trên cơ thể. Số quân nhân có trình độ cao, đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, hay tốt nghiệp THPT thì tỷ lệ xăm mình thấp, số các đồng chí chưa tốt nghiệp THPT có hình xăm trên cơ thể chiếm đến 60% trong tổng số chiến sĩ có hình xăm. Từ thực tế đó có thể nhận định, hình xăm chính là hệ quả của sự ảnh hưởng từ nhận thức và phông văn hóa của thanh niên. Qua quá trình rà soát, các năm cũng đã có loại ngũ những chiến sĩ khi có các hình xăm phản cảm. Tuy nhiên, có một thực tế là nếu loại ngũ nhiều thì năm sau số hình xăm lại dễ tăng lên. Vì vậy, hiện nay, đơn vị đã chủ động phối hợp với địa phương, cử các tổ công tác thâm nhập thực tế tuyên truyền trong thanh niên nhận thức và ứng xử đúng với những hệ lụy từ hình xăm, không để hình xăm ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân.
Binh nhất VŨ VIỆT TÙNG, chiến sĩ Cơ quan Tổng cục Chính trị:
Chiến sĩ xăm hình là không đẹp
 |
Binh nhất Vũ Việt Tùng. |
Chúng tôi xác định rõ ràng, vị trí của mình là chiến sĩ trong một đơn vị trực thuộc Tổng cục Chính trị, là cơ quan văn hóa, vì vậy cần phải gương mẫu, xây dựng văn hóa, văn minh của người quân nhân cách mạng. Do đó, tôi nhận thấy việc có hình xăm là không phù hợp. Quân đội ta là thống nhất, chính quy. Khi đã vào môi trường quân đội, việc có hình xăm sẽ trở nên lạc lõng, không được sự nhất trí của các đồng đội. Cá nhân tôi cho rằng, việc chiến sĩ có xăm hình trên cơ thể là không đẹp và không nên có hình xăm.
Luật sư TRẦN VĂN TOÀN, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:
Bổ sung các quy phạm pháp luật phù hợp
 |
Luật sư Trần Văn Toàn. |
Để bảo đảm công bằng xã hội, không để lọt một số trường hợp lợi dụng quy định về hình xăm, chữ xăm nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì hội đồng nghĩa vụ quân sự, hội đồng khám sức khỏe địa phương cần có sự đánh giá chính xác tính chất, mức độ hình xăm để xem xét quyết định về tiêu chuẩn nhập ngũ. Đồng thời, để bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự, tránh hiện tượng lợi dụng hình xăm để trốn tránh nghĩa vụ quân sự, chúng ta cần bổ sung các quy phạm pháp luật gắn với chế tài xử phạt. Hơn nữa, để có cơ sở xử lý hành vi “xăm hình, xăm chữ phản cảm nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự”, Bộ Quốc phòng cần đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120/2013/NĐ-CP và cần đề nghị Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 332, Bộ luật Hình sự về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự cho phù hợp.
Binh nhất NGUYỄN ĐỨC HẬU, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 144, Bộ Tổng Tham mưu:
Chúng tôi đều không xăm hình
 |
Binh nhất Nguyễn Đức Hậu. |
Tôi nhận thức rằng, hình xăm của chiến sĩ là không phù hợp và không được phép có trên cơ thể. Quân đội đẹp ở sự thống nhất, chính quy. Thông qua việc chấp hành các quy định, đặc biệt là các quy định không có hình xăm, tất cả đồng chí, đồng đội trong đơn vị của tôi đều không có hình xăm. Bản thân chúng tôi đều ý thức được là quân nhân trong quân đội không nên có hình xăm để giữ gìn hình ảnh và phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ.
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền phong:
Thể hiện phông văn hóa, trình độ thẩm mỹ
 |
Nhà báo Lê Xuân Sơn. |
Với quan điểm của chúng tôi thì một hoa hậu không thể có hình xăm. Bởi không tương thích với các tiêu chí của cuộc thi. Ở một số dân tộc, phong tục xăm hình có từ trong lịch sử. Tuy nhiên, thực tế trong xã hội những năm 1960 đến 1970 ở phía Nam nước ta, giới bụi đời, sống quần tụ thành từng nhóm thường có hình xăm. Vì thế xã hội đã mặc nhiên đánh giá cho rằng người có hình xăm là chậm tiến. Tất nhiên, hiện nay chúng ta không thể đánh giá hình xăm theo hướng một chiều. Hình xăm sẽ thể hiện tính cách, phông văn hóa của người sở hữu. Tuy nhiên có thực tế là những người lớn tuổi, những người thành đạt và có địa vị trong xã hội thường ít sử dụng hình xăm. Và đa số những người có hình xăm đều sẽ cảm thấy phiền phức.
Đại tá Vũ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia, Học viện Quân y:
Việc xóa hình xăm là rất khó và tốn kém
 |
Đại tá Vũ Quang Vinh. |
Để trả lời cho câu hỏi xăm hình có xóa được không thì trước hết phải căn cứ vào kích thước hình xăm, công nghệ xăm hình. Với việc xăm thủ công những năm 1970 về trước thì việc xóa bằng laser là hoàn toàn có thể. Song hiện nay, việc xăm bằng máy thì đường xăm sâu, việc xóa khó hơn rất nhiều. Máy hiện đại nhất cũng chỉ đạt được ở một mức độ nào đó, còn lớp xăm sâu thì không thể xóa hết. Đa số xăm với các công nghệ hiện tại là không thể xóa nổi. Vì vậy, buộc phải xóa bằng cách ghép da, tuy nhiên, sẽ để lại sẹo. Bên cạnh đó, nhiều thanh niên tự xóa bằng cách sử dụng axit, sử dụng que nung nóng sẽ rất nguy hiểm và để lại sẹo lớn. Vì thế, chúng ta cần thống nhất đưa ra một nhận thức chung để thanh niên hiểu là không thể xóa triệt để được hình xăm.
PGS, TS ĐINH HỒNG HẢI, Đại học Quốc gia Hà Nội:
Những vết sẹo từ hình xăm sẽ theo suốt cuộc đời
 |
PGS TS Đinh Hồng Hải. |
Một điều dễ nhận thấy đối với tất cả chúng ta, đó là quan niệm về hình xăm thì có thể thay đổi nhưng không thể xóa bỏ hết vết tích hình xăm. Cho dù nhiều người đã tìm cách đốt điện hay đốt axit, thậm chí phẫu thuật thay da nhưng những vết sẹo từ hình xăm vẫn theo họ suốt cuộc đời. Xăm mình hay không xăm mình là quyền của mỗi con người đối với cơ thể của chính họ. Tác phẩm hình xăm mang trên cơ thể của mỗi người chính là "tấm bằng" hay “dấu triện” chứng nhận trình độ thẩm mỹ và văn hóa của bản thân. Xăm mình là một nghệ thuật hay một sự thể hiện cá tính? Loại “y phục” này có “xứng kỳ đức” của bản thân hay không? Vẻ đẹp của nó có đáng để người sở hữu chấp nhận những hệ lụy mà nó gây ra hay không? Câu trả lời xin dành cho những ai đang có ý định thực hiện một tác phẩm xăm mình hay xăm hình cho riêng mình.
Thượng úy LẠI VĂN TIÊN, Trung đội trưởng Trung đội 8, Đại đội 2, Lữ đoàn 144, Bộ Tổng Tham mưu:
Đơn vị nói không với hình xăm
 |
Thượng úy Lại Văn Tiên. |
Là cán bộ quản lý huấn luyện ở Lữ đoàn 144, đơn vị trọng yếu trong công tác duy trì lễ tiết tác phong, qua thực tế công tác tuyển quân có những yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn của chiến sĩ nhập ngũ, đơn vị tôi không tiếp nhận chiến sĩ có hình xăm trên cơ thể. Chính vì vậy, nhiều thanh niên có hình xăm phản cảm đã không được tuyển lựa vào đơn vị. Qua công tác giáo dục các cấp, đơn vị luôn quan tâm nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng về vấn đề hình xăm trên cơ thể. Theo tôi, nói không với hình xăm là việc làm cần thiết của các đơn vị trong toàn quân để giữ gìn phẩm chất, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.
Đồng chí PHẠM HOÀI NAM, Phó chủ tịch UBND phường Phúc Lợi (quận Long Biên, TP Hà Nội):
Không tạo ra "kẽ hở"
 |
Đồng chí Phạm Hoài Nam. |
Việc xác định chất lượng chính trị, đạo đức, tiêu chuẩn của thanh niên nhập ngũ đã có các quy định cụ thể. Tuy nhiên, với vấn đề hình xăm, xác định vị trí, kích thước và đánh giá các hình xăm là rất khó. Trong khi đó hiện nay, xăm hình lại là một xu thế khá phổ biến không chỉ với nam thanh niên mà ở cả nữ giới. Vì vậy, việc xác định thế nào là hình xăm mang tính kỳ dị, kỳ quái, kích động, phản cảm cũng làm những người thực hiện công tác tuyển quân ở địa phương như chúng tôi rất khó xác định và khó xử lý, đặc biệt với nhiều trường hợp gia đình công dân có nguyện vọng nhập ngũ phục vụ trong quân đội mà thanh niên đó lại có hình xăm. Ngoài ra, vấn đề hình xăm cũng dễ trở thành "kẽ hở" để một số trường hợp lợi dụng quy định về hình xăm, chữ xăm nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chúng tôi cho rằng, thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của mọi công dân, trừ trường hợp hạn chế về sức khỏe. Vì vậy, vấn đề hình xăm trên cơ thể cần được xem xét cẩn trọng, có hướng xử lý để không tạo "kẽ hở" cho một số thanh niên lợi dụng trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Bạn đọc-Cộng tác viên, Báo Quân đội nhân dân:
Giải pháp phù hợp với hình xăm trong chiến sĩ
Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tiến hành khảo sát thực tế ở một số đơn vị về việc chiến sĩ có hình xăm và ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này. Trước hết cần khẳng định, tại nhiều cơ quan, đơn vị quân đội, 100% số chiến sĩ mới không có hình xăm, ví dụ các trường sĩ quan đào tạo học viên, hay ở nhiều đơn vị như Lữ đoàn 144, Đoàn Nghi lễ quân đội… Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chiến sĩ có hình xăm.
 |
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn. |
Ngay khi chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2019 và bước vào huấn luyện từ tháng 3-2019, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã khảo sát ở các đơn vị, gồm: Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1); Sư đoàn 365 (Quân chủng Phòng không-Không quân); Lữ đoàn Thông tin 139 (Binh chủng Thông tin liên lạc). Đây là các đơn vị được giao nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới cho các quân chủng, binh chủng.
Tại các đơn vị trên, nơi cao nhất có hơn 10% số chiến sĩ mới trong tổng số chiến sĩ mới được khảo sát có hình xăm trên cơ thể. Đây là những chiến sĩ đủ điều kiện nhập ngũ theo các tiêu chuẩn quy định trong khám tuyển nghĩa vụ quân sự, trong đó có một số quy định liên quan đến hình xăm. Hình xăm của chiến sĩ đã nhập ngũ đa dạng. Từ những hình xăm dạng chữ, tên người (chủ yếu tên người yêu, tên bạn gái, tên người thân), đến các hình xăm khác như ngôi sao, con vật (voi, cá chép, chim), bông hoa, biểu tượng như tòa tháp, thanh gươm... Tuy nhiên, những hình xăm này thường là nhỏ, ở những ví trí khuất như cẳng chân, đùi, lưng, ngực, bắp tay... Diện tích hình xăm chiếm đa số vào khoảng 3-5cm2, cũng có hình 10-15cm2, cá biệt có trường hợp diện tích hình xăm chiếm tới khoảng 5% diện tích cơ thể. Thông thường khi mặc quần áo kín thì bị che khuất nhưng khi mặc quần áo chơi thể thao, tăng gia sản xuất thì lộ hình xăm.
Về mục đích của chiến sĩ khi thực hiện hình xăm: Đa số chiến sĩ cho biết, đã xăm từ lúc học THPT, xăm sau khi bỏ học phổ thông, xăm khi đi làm ở ngoài… Việc xăm của chiến sĩ do sở thích vì cho là đẹp, do muốn lưu lại một kỷ niệm nào đó, do có chuyện buồn, xăm do phong trào, có trường hợp là do trước đó nhóm bạn chơi với nhau cùng xăm một hình giống nhau. Tức là xăm theo nhóm, tốp, ở cùng vị trí trên cơ thể.
Về kiến nghị, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đều cho rằng: Hình xăm là vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét một cách thấu đáo trong khám tuyển công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự. Bởi không thể lấy những công dân có hình xăm phản cảm, hay hình xăm với mục đích không tốt vào quân đội. Tuy nhiên, việc này nếu không có giải pháp phù hợp sẽ xuất hiện những công dân lợi dụng hình xăm để trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Binh nhất Đinh Quốc Doanh, chiến sĩ Tiểu đội 4, Trung đội 2, Đại đội công binh 17, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312:
Bất tiện trong sinh hoạt, rèn luyện khi có hình xăm
 |
Binh nhất Đinh Quốc Doanh. |
Khi còn là thanh niên chưa nhập ngũ, theo sự hiếu kỳ của tuổi trẻ nên tôi đã có xăm hình ở bả vai. Vào đơn vị, biết tôi có hình xăm, các đồng chí, đồng đội cũng không có sự kỳ thị nào. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy mình có một sự khác biệt. Và tâm lý đó cũng gây khó khăn cho tôi trong quá trình sinh hoạt, học tập và rèn luyện. Giá như trước đó tôi có thể nhận thức đúng thì đã không xăm mình.