Trong những ngày đầu năm 2017, một trong những việc làm thiết thực của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo được cảm hứng cho đội ngũ học sinh, sinh viên và giáo viên cả nước, đó là định hướng nhà trường các cấp triển khai xây dựng và sử dụng khẩu hiệu phù hợp trong khuôn viên trường học, góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường. Mỗi cấp học đều có những câu khẩu hiệu phù hợp với lứa tuổi, nhận thức, tâm lý học sinh; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của nhà trường cũng như trách nhiệm của giáo viên đối với học sinh.

Cấp học mầm non có những câu khẩu hiệu như: “Ngôi trường là nhà, cô giáo là mẹ, các cháu là con”; “Trường mầm non-Ngôi nhà ấm áp của bé”, “Bé vui khoẻ-Cô hạnh phúc”; “Hãy dành những điều tốt nhất cho trẻ”...

Cấp tiểu học có những câu khẩu hiệu như: “Thầy mẫu mực-Trò chăm ngoan-Trường khang trang-Lớp thân thiện”; “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”; “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Thi đua dạy tốt-học tốt”…

leftcenterrightdel
Lớp học sạch đẹp của các em học sinh Trường Tiểu học và THCS xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Minh Anh. 
Cấp trung học cơ sở có những câu khẩu hiệu như: “Thầy mẫu mực-Trò chăm ngoan”; “Xây dựng trường khang trang-Mọi người thân thiện”; “Học, học nữa, học mãi”; “Tri thức là chìa khóa mở cửa tương lai”…

Cấp trung học phổ thông có những câu khẩu hiệu như: “Nghĩ tích cực-Học chăm ngoan-Làm việc tốt-Sống có ích”; “Hôm nay em tự hào về nhà trường, ngày mai nhà trường tự hào về em”; “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”...

Đối với trường phổ thông dân tộc nội trú có thêm khẩu hiệu: “Trường là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em”.

Đối với đại học (quốc gia, vùng), học viện, trường đại học, cao đẳng, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm có những câu khẩu hiệu như: “Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình, học để cùng chung sống”; “Rèn đức, luyện tài, vững bước tương lai”; “Học để sẵn sàng khởi nghiệp”; “Luôn vươn tới những đỉnh cao của tri thức và khoa học”; “Có tài mà không có đức là người vô dụng-Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”...

Có thể nhận thấy, những câu khẩu hiệu trên đều là những thông điệp giàu ý nghĩa giáo dục, văn hóa, thẩm mỹ; lời lẽ ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi lòng người và chuyển tải tới các đối tượng học sinh về mục đích phấn đấu học tập, rèn luyện, tu dưỡng để hướng tới hoàn thiện các giá trị chân-thiện-mỹ, đồng thời hướng tới mục tiêu là dạy người, dạy chữ, dạy nghề.

Cái hay của các câu khẩu hiệu này là từ ngữ gần gũi, thân thuộc, phù hợp với suy nghĩ, tình cảm, tâm lý của từng đối tượng học sinh, giáo viên, từng bậc học và góp phần mang đến nhiều niềm tin cho các bậc phụ huynh. Ví như ở bậc học mầm non, có lẽ bất cứ cô giáo nào mỗi khi bước chân đến trường mà nhìn thấy câu khẩu hiệu “Ngôi trường là nhà, cô giáo là mẹ, các cháu là con”, hay câu “Bé vui khỏe- Cô hạnh phúc” cũng cảm thấy yêu thương, quý mến hơn con trẻ, từ đó tăng thêm trách nhiệm để nuôi dưỡng những mầm non cho đất nước. Còn các bậc cha mẹ đưa con đến trường cũng cảm thấy yên lòng hơn khi nhìn thấy câu khẩu hiệu “Trường mầm non-Ngôi nhà ấm áp của bé”. Đối với các thầy trò ở các trường tiểu học sẽ tăng thêm tình cảm gắn kết, đùm bọc, thương yêu lẫn nhau khi nghĩ đến câu khẩu hiệu “Thầy mẫu mực-Trò chăm ngoan-Trường khang trang-Lớp thân thiện”. Đối với học sinh trung học cơ sở-lứa tuổi đang có sự phát triển mạnh về thể chất, tâm sinh lý và ý thức, các em sẽ có thêm động lực phấn đấu khi mỗi ngày nhìn thấy câu khẩu hiệu “Tri thức là chìa khóa mở cửa tương lai”. Đối với câu khẩu hiệu “Hôm nay em tự hào về nhà trường, ngày mai nhà trường tự hào về em” dành cho học sinh trung học phổ thông như một “chất men” kích thích các em học tập miệt mài, hăng say hơn để hướng về một ngày mai tươi sáng. Đối với sinh viên các trường đại học, cao đẳng-những tri thức trẻ tương lai cũng sẽ tự tin phấn đấu tốt hơn khi đồng tâm thực hiện 4 nguyên tắc giáo dục trụ cột mà UNESCO đã đề ra, đó là “Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình, học để cùng chung sống”...

Được chắt lọc, kết tinh từ cuộc sống, trải nghiệm của các thầy cô giáo, các chuyên gia giáo dục và từ thực tiễn môi trường giáo dục Việt Nam, đồng thời kết hợp cả những câu danh ngôn của lãnh tụ như câu “Có tài mà không có đức là người vô dụng-Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” (Bác Hồ), những khẩu hiệu ở các trường học, cấp học sẽ góp phần tác động tích cực đến suy nghĩ, tình cảm, trách nhiệm và niềm tin của thầy trò và nhà trường các cấp, qua đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng lành mạnh.

Tất nhiên, phải nhấn mạnh thêm rằng, khẩu hiệu vẫn chỉ dừng lại ở những lời hiệu triệu, hô hào “suông” nếu như mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi thầy cô giáo, mỗi nhà trường không nỗ lực bền bỉ thực hiện các giải pháp đồng bộ khác để biến nhà trường thực sự là môi trường nhân văn mẫu mực, nơi học sinh cảm nhận là “ngôi nhà ấm áp”, nơi ươm trồng những giá trị tốt đẹp cho thế hệ chủ nhân tương lai của nước nhà. Bởi vì, suy cho cùng, sứ mệnh giáo dục có thành công hay không trước hết và bao giờ cũng phải bắt đầu từ các thầy cô giáo-nhân tố gốc rễ của sự nghiệp “trồng người”. Do đó, đội ngũ giáo viên hãy luôn thấm nhuần và thực hiện thật tốt câu khẩu hiệu “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” để tạo sức lôi cuốn, hấp dẫn các em học sinh, sinh viên học tập, noi theo.

ANH THẢO