Cột cờ Hưng Hóa là biểu tượng hùng thiêng của người dân địa phương và trở thành biểu tượng tinh thần quật cường chống thực dân Pháp của Nguyễn Quang Bích và nghĩa quân Cần Vương vùng Tây Bắc. Tại đây, trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Mặt trận Việt Minh đã cắm cờ đỏ sao vàng và tổ chức ra mắt chính quyền nhân dân đầu tiên của tỉnh Phú Thọ. Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (năm 1947), cùng với phong trào tiêu hủy kháng chiến, cột cờ Hưng Hóa bị tàn phá nặng nề, nhưng hình ảnh về biểu tượng uy nghiêm của cột cờ thì còn in mãi trong lòng quân và dân đất Tổ.
 |
Giới thiệu truyền thống cột cờ Hưng Hóa cho chiến sĩ trẻ mới về công tác tại Lữ đoàn Công binh 543. |
Với ý nghĩa, giá trị lịch sử của cột cờ Hưng Hóa, năm 2009, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Tam Nông (Phú Thọ) đã xây dựng, khôi phục lại cột cờ trên nền móng cũ. Cột cờ gồm 3 tầng, có hình bát giác, tổng chiều cao từ đế lên ngọn cột cờ là 23,84m. Tầng 1, còn gọi là đế lớn, có hình vuông, mỗi cạnh dài 17,52m, cao 2,4m; tầng 2 mỗi cạnh dài 11,4m, tầng 3 thon dần hình bát giác lên đến ngọn, cao 18,34m. Từ đế lên ngọn cột cờ có 55 bậc xoáy theo hình trôn ốc. Ở giữa có cột trụ, xung quanh có hệ thống cửa sổ. Đứng trên đỉnh kỳ đài có thể quan sát toàn bộ thị trấn Hưng Hóa và huyện Tam Nông. Cột cờ Hưng Hóa được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Đi trên Quốc lộ 32 mới từ cầu Hạc Trì đến cầu Phong Châu, xa xa đã thấy thấp thoáng lá cờ đỏ sao vàng tung bay dưới nền trời xanh biếc. Theo trục đường vào trung tâm thị trấn Hưng Hóa, chỉ khoảng mươi phút đi xe là đến chân kỳ đài. Đi qua cổng gác trang nghiêm của các chiến sĩ vệ binh là những hàng cây xanh mướt, bóng mát tỏa kín đường đi cùng những dãy nhà cổ kính, ngăn nắp gọn gàng. Đây cũng chính là doanh trại của Lữ đoàn Công binh 543 (Quân khu 2). Ngay dưới chân kỳ đài, Thượng tá Nguyễn Công Phương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy lữ đoàn đã giới thiệu về nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử của cột cờ Hưng Hóa cho một số chiến sĩ mới được điều chuyển về đơn vị công tác. Binh nhất Nguyễn Xuân Đăng, chiến sĩ Trung đội Vệ binh, nhà ở khu 3, xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) phấn khởi chia sẻ: "Được về công tác tại đơn vị có bề dày thành tích, lại đóng quân ngay trong khuôn viên thành Hưng Hóa, nơi in đậm dấu ấn lịch sử dân tộc, bên cạnh niềm vinh dự, tự hào, chúng tôi thấy mình phải cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác để tô thắm thêm truyền thống anh hùng của đơn vị. Là chiến sĩ vệ binh, ngoài nhiệm vụ tuần tra, canh gác, kiểm soát quân sự, bảo đảm an toàn cho đơn vị, chúng tôi rất vui vì thường xuyên được đón các đoàn khách đến tham quan cột cờ...".
Đã hơn 20 năm Lữ đoàn Công binh 543 về thành Hưng Hóa xây dựng doanh trại. Đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương hoặc được điều chuyển đi đơn vị khác. Hành trang họ mang theo ngoài truyền thống vẻ vang của lữ đoàn, tình cảm sâu nặng của người dân Hưng Hóa, còn có hình ảnh về một kỳ đài sừng sững trước thời gian.
Trải qua quá trình cải tạo, xây dựng, nâng cấp doanh trại, Lữ đoàn Công binh 543 ngày càng khang trang, sạch đẹp. Cột cờ Hưng Hóa nằm giữa khuôn viên đơn vị, phía trước có sân cỏ rộng dùng để tổ chức các sự kiện quan trọng, duyệt đội ngũ và chào cờ. Vào sáng thứ hai hằng tuần, cán bộ, chiến sĩ mang mặc trang phục chỉnh tề, cùng hát Quốc ca dưới lá cờ sao vàng tung bay trong gió.
“Tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ hiểu về truyền thống lịch sử của cột cờ Hưng Hóa là một nội dung giáo dục chính trị của đơn vị. Qua đó, giúp bộ đội hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của cột cờ, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc và quê hương đất Tổ”, Thượng tá Nguyễn Công Phương cho hay.
Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN