QĐND Online – Đêm nhạc tưởng nhớ 14 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa “cõi tạm” diễn ra vào 20 giờ ngày 4-4, do Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam và Công ty Cổ phần giới thiệu văn hóa nghệ thuật Đông Đô tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Đêm nhạc có sự tham gia của các ca sĩ: Cẩm Vân, Đức Tuấn và nghệ sĩ chơi ghi ta một tay Thế Vinh. Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia của nhóm Phương Nam, Thời gian và vũ đoàn Hy vọng.
 |
Ca sĩ Cẩm Vân biểu diễn trong chương trình ca nhạc tưởng nhớ 14 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa "cõi tạm" |
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về với cát bụi vào ngày 1-4-2001, nhưng gia tài âm nhạc đồ sộ của ông để lại cho công chúng vẫn mãi vang vọng. Những bài hát của nhạc sĩ họ Trịnh vẫn luôn được công chúng đón nhận, yêu mến và trân trọng.
Nhạc Trịnh trong mát và tự nhiên như suối nguồn, ngấm vào mỗi trái tim người yêu nhạc. Những bài hát ngợi ca quê hương, tình yêu và thân phận con người dường như là “cứu cánh” giúp cho người nghe có thêm niềm tin yêu cuộc sống và cảm thấy được an ủi, vỗ về và sẻ chia. Từng lời ca, giai điệu trong mỗi ca khúc ông viết ra đều chứa đựng những niềm vui, nỗi buồn và cả những đớn đau, mất mát…Có lẽ vì thế mà âm nhạc của ông sẽ sống mãi với nhân gian.
Nói về nhạc Trịnh trong chương trình, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng, âm nhạc của Trịnh Công Sơn rất dầy và luôn có những tâm sự trong đó. Mỗi ca khúc của ông như là lời tự sự chạm đến trái tim người nghe.
 |
Liên khúc trong chương trình |
Nhớ lại ngày đầu hát nhạc Trịnh, ca sĩ Cẩm Vân chia sẻ: “Hồi còn nhỏ, lúc đó khoảng 11 tuổi, tôi đạp xe đi học, trên đường đi cứ nghêu ngao hát bài Nối vòng tay lớn. Lúc đó, mình tự nhủ là đã biết hát nhạc Trịnh. Khoảng năm 1984, lần đầu tôi hát bài Diễm xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thời gian có thay đổi và giọng hát thì cũng thay đổi theo nhưng cách hát thì tôi vẫn giữ nguyên và tôi chung thủy với nhạc Trịnh bởi âm nhạc của ông đã thấm vào trái tim tôi”.
Cách đây 14 năm, ca sĩ Cẩm Vân được dự sinh nhật của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong buổi sinh nhật đó, nhạc sĩ họ Trịnh đề nghị Cẩm Vân hát ca khúc Sóng về đâu. Mặc dù không có nhạc đệm nhưng Cẩm Vân vẫn thể hiện ca khúc này để gửi tặng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chị không ngờ rằng, sau đó một tháng thì người nhạc sĩ mà chị yêu mến đã không còn nữa và đó cũng chính là buổi sinh nhật cuối cùng của nhạc sĩ họ Trịnh. Hôm nay, Sóng về đâu lại được thể hiện trên sân khấu của Hà Nội và nữ ca sĩ Cẩm Vân coi đây như là một nén tâm nhang để tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Với khả năng chơi ghi ta một tay, nghệ sĩ Thế Vinh chinh phục khán giả bằng giai điệu của hai bài hát Diễm xưa và Tuổi đá buồn. Vượt lên những khó khăn của một người bị tật nguyền, nghệ sĩ Thế Vinh đã tìm đến âm nhạc và chính những nốt nhạc của Trịnh Công Sơn đã giúp anh xóa nhòa nỗi đau về thể xác. Những giọt đàn da diết của nhạc sĩ Thế Vinh trong chương trình như rơi vào cõi lắng sâu và chạm tới trái tim của những người yêu nhạc.
 |
Nghệ sĩ Thế Vinh chơi ghi ta một tay |
“Mưa hồng, “Níu tay nghìn trùng”, Cát bụi, Liên khúc thiếu nhi… qua sự thể hiện của giọng ca nam trong sáng của Đức Tuấn đã làm cho “bữa tiệc” nhạc Trịnh trở nên sống động, đầy màu sắc.
Có thể nhận định rằng, những bài hát của Trịnh Công Sơn thấm đẫm tính triết học và giáo lý của đạo phật. Thuyết luân hồi hay tứ diệu đế trong nhạc Trịnh được ông sử dụng rất nhiều trong các sáng tác. Vì lý do đó mà nghe nhạc Trịnh có cảm giác như được nghe cầu kinh. Có lẽ ai cũng tìm thấy mình trong nhạc Trịnh nên vì thế mà nhạc Trịnh có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng.
Nhiều năm qua, trên sân khấu Thủ đô luôn có những chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề âm nhạc Trịnh Công Sơn để tri ân người nhạc sĩ tài hoa và khán giả yêu nhạc Trịnh, đêm nhạc này cũng nằm trong số những chương trình đó. Tuy nhiên, với 16 tiết mục trong chương trình, dường như vẫn chưa thỏa lòng công chúng bởi lẽ tình yêu của khán giả đối với âm nhạc của Trịnh Công Sơn quá lớn và trở thành vĩnh cửu cũng như vẻ đẹp của âm nhạc Trịnh là vĩnh hằng.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN