Vậy mà, có một thời, những đứa trẻ sống ở vùng thôn quê chúng tôi chỉ mong đến ngày như vậy để được xuýt xoa trên tay những que kem bốc khói hơi nghi ngút. Mùa kem bắt đầu đến từ khoảnh khắc ấy...

Ngày ấy, ở cái thời cơm ăn còn chưa đủ no thì kem vẫn là thức quà xa xỉ với đám trẻ nhỏ thôn quê. Đứa nào được bố mẹ chiều lắm thì mới có sẵn mấy đồng lẻ để mua kem, còn phần đa chúng tôi phải lùng sục khắp các xó xỉnh tìm những đồ sắt, nhựa đã cũ, hỏng để đổi cho người bán kem. Thôi thì lỉnh kỉnh các đồ vật từ dép đứt quai, chai nhựa, vỏ hộp cho đến túi đinh cũ, mẩu sắt vụn... đều được chúng tôi nhặt nhạnh làm vật quy đổi.

leftcenterrightdel
Hàng kem xưa. Ảnh minh họa: Internet. 

Thế rồi, giữa trưa hè, ngõ quê chợt rộn lên hồi còi tựa như thanh âm của tiếng “Kem mút! Kem mút! Kem mút!”. Tôi cùng đám bạn hò nhau mang những đồ đã tích cóp được ra chờ sẵn ở đầu ngõ. Khi âm thanh rộn ràng hơn cũng là lúc thấp thoáng từ xa chiếc mũ cối của bác bán kem xuất hiện giữa con đường ngập rơm vàng. Bác đạp chiếc xe Thống Nhất cọc cạch đã gỉ sét với thùng kem phía sau. Thùng kem bên ngoài đóng một lớp gỗ thông đã cáu bụi thời gian, được chằng cẩn thận bằng dây chun đen, lót bên trong là một lớp xốp để giữ nhiệt. Thùng kem dù cũ, sơ sài vậy thôi nhưng đủ làm bừng sáng lên ánh mắt thèm thuồng, mơ tưởng của đám trẻ nhỏ.

Đám nhỏ vây quanh thùng kem, đợi bác bán kem ước lượng đồ quy đổi. Sau khi đã thỏa thuận xong, bác cẩn thận mở chiếc nắp thùng xốp, rồi đến lớp vải màn bên trên. Một làn khói lạnh tỏa ra từ thùng kem như mời gọi hấp dẫn. Bác lần lượt đưa những que kem cho từng đứa và không quên dặn dò: “Lần sau lại mang đồ ra, bác đổi kem cho nhé!”. Chúng tôi gật đầu vâng dạ, rồi vội vàng đón que kem từ tay bác. Khi bác bán kem còn chưa kịp rời đi, chúng tôi đã leo phắt lên bờ tường gạch dưới bóng cây nhãn. Đứa nào cũng xuýt xoa, ngắm nghía những cây kem trên tay, rồi chỉ dám ngậm ít một để cảm nhận vị kem mát lạnh tan chảy dần. 

Ở vùng quê, không khó để có thể điểm mặt, gọi tên những người bán kem. Thực ra tên gọi của những người bán kem là do chúng tôi tự đặt chứ chưa bao giờ hỏi tên thật của họ. Đầu tiên là bác “Mũ Cối” nhà ở phía bên kia sông. Bác thường đổi cho chúng tôi khá đắt nhưng bù lại, kem của bác có vị rất ngon, lại lâu chảy hơn. Người còn lại là anh “Thanh Niên” đang học cấp ba. Hằng ngày, anh chỉ tranh thủ bán từ trưa cho đến chiều tối. Điều đặc biệt là anh hay đổi cho tôi rẻ hơn đám bạn vì tôi có chị gái cùng tuổi với anh.

Có những trưa thẩn thơ buồn vì không được nghe tiếng còi kem. Đứa em họ lớn tuổi hơn tôi bày trò cắt ống lá đu đủ làm còi chơi. Nó lấy dao cắt một ống lá đu đủ rồi rọc hết phần lá. Trên thân ống, nó rạch một đường chạy dài dọc. Vết cắt vừa đủ mở một đường trên thân ống mà không làm thủng phía sau. Chúng tôi kéo nhau ra đầu ngõ để thử còi. Đứa em tôi đưa còi lên miệng thổi theo nhịp ngắt nghỉ của bác bán kem. Âm thanh quen thuộc vang lên khiến mấy đứa cười rộn ngõ quê. Chợt có bác gái từ ngõ ngoài tất tả đi đến, ngó nghiêng gọi lớn: “Kem ơi! Kem ơi!” khiến chúng tôi bỏ cả còi, ù té chạy.

Thời khó khăn ngày ấy đã qua lâu, giờ kem được bày bán khắp nơi với đủ các hình thức, mùi vị bắt mắt. Có người bạn tôi còn khoe, bây giờ kem phải ăn vào mùa đông mới cảm nhận được vị đặc biệt. Nhưng chẳng hiểu sao, tôi không thể nhận ra vị mới lạ ấy như người bạn mình. Có lẽ, mùa kem tuổi thơ với những khoảng trời lịm mát được mời gọi bởi âm thanh từ tiếng còi kem mới là vị đặc biệt mà tôi vẫn kiếm tìm. 

PHƯƠNG NGUYÊN