Nghe tin nhạc sĩ, Đại tá Nguyễn Đức Toàn từ trần sáng sớm 7-10, nhạc sĩ, Đại tá Doãn Nho giọng nghèn nghẹn. Trong những ngày tháng cuối đời của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, ngoài gia đình, con cháu, có lẽ nhạc sĩ Doãn Nho là người bạn âm nhạc thường xuyên ghé qua để thăm bậc đàn anh, đồng thời là đồng nghiệp, đồng đội và với cái tình của lớp người già. Hai nhạc sĩ tên tuổi từng có thời gian dài gắn bó tại Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội). Nhạc sĩ Doãn Nho kể, từ hồi ông mới 8 tuổi, tham gia biểu diễn văn nghệ ở quê hương (làng Cót, Yên Hòa, Hà Nội) đã biết hát bài “Ca ngợi đời sống mới”-ca khúc đầu tiên của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, viết năm 1945 sau khi tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội. Nhạc sĩ Doãn Nho gọi nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn là thế hệ đàn anh, bởi hai người không chỉ có mối duyên đồng chí mà còn là đồng nghiệp trong âm nhạc. Khi nhạc sĩ Doãn Nho 17 tuổi, gia nhập Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị (năm 1950), đã đi biểu diễn bài hát “Quê em miền trung du”-được nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác trước đó và trở thành ca khúc nổi tiếng, vang lên khắp các mặt trận của cuộc kháng chiến chống Pháp.

leftcenterrightdel
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn (bên phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng vợ chồng nhạc sĩ Doãn Nho tại triển lãm mỹ thuật của ông tổ chức năm 2011. Ảnh: ĐÔNG HÀ 
Dọc suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sáng tác của Nguyễn Đức Toàn đã làm phong phú cho kho tàng âm nhạc cách mạng Việt Nam với các tác phẩm như: “Mời anh đến thăm quê tôi”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Noi gương Lý Tự Trọng”, “Bài ca Ngô Mây”, “Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi”, “Đào công sự”, “Bài ca người lái xe”, “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương”, “Khâu áo gửi người chiến sĩ”... Đặc biệt trong đó là ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” đã thể hiện rõ bút pháp nghệ thuật âm nhạc của Nguyễn Đức Toàn, chinh phục người nghe, để đến ngày nay, khi ai đến Côn Đảo, viếng mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu cũng hát lên những lời ca trào dâng xúc cảm: Người thiếu nữ ấy như mùa xuân/ Chị đã dâng cả cuộc đời/ Để chiến đấu với bao niềm tin/ Dù chết vẫn không lùi bước… So với những thế hệ nhạc sĩ lớn tuổi thời kỳ ấy, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn còn là người mở đầu cho dòng nhạc nhẹ với những ca khúc phong phú về ca từ, giai điệu: “Từ ngày hôm nay”, “Tình em biển cả”, “Chiều trên bến cảng”, “Hà Nội một trái tim hồng”… cho đến ngày nay vẫn luôn được những thế hệ ca sĩ thể hiện ở khắp các sân khấu âm nhạc, chương trình nghệ thuật lớn nhỏ.

Ngoài thành danh ở các ca khúc thanh nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn còn khẳng định tên tuổi với các tác phẩm khí nhạc được ông viết những năm 1968-1970, thời gian tu nghiệp ở Nhạc viện Ki-ép (Ucrai-na), với những tác phẩm: “Sonate viết cho violon” (dàn dựng và xuất bản ở Nga), “Tổ khúc giao hưởng Tổ quốc” (dàn nhạc Novosibirk)... Về nước, ông viết những ca khúc, hợp xướng nổi tiếng thời đó như: “Bài ca xây dựng”, “Tiếng hát buổi bình minh”, “Bài ca chiến thắng”...

Trong chương trình nghệ thuật của Báo Quân đội nhân dân tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội, tối 10-10 nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954/10-10-2016), rất ý nghĩa khi chủ đề của chương trình lại trùng tên với ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn “Hà Nội-Một trái tim hồng”. Bày tỏ niềm xúc cảm sau khi trực tiếp dự chương trình, đồng chí Ngô Văn Quý, Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội hoan nghênh Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức thành công chương trình, đồng thời bày tỏ sự cảm phục, niềm tiếc thương sâu sắc đối với người nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Đức Toàn, người đã sáng tác ca khúc “Hà Nội một trái tim hồng” mãi mãi ghi vào lòng nhiều thế hệ người Hà Nội cũng như khán giả yêu nhạc trong nước và quốc tế.

Sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn là mất mát lớn trong giới nhạc sĩ quân đội nói riêng, nhạc sĩ Việt Nam nói chung. Ông ra đi và sẽ mang theo những nỗi nhớ của biết bao thế hệ người yêu nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sinh ngày 10-3-1929 tại làng Mọc, Hà Nội. Ngoài những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng, ông còn biết đến là một họa sĩ từng học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với nhiều tác phẩm khẳng định tên tuổi trong làng hội họa. Với những đóng góp của mình cho âm nhạc nước nhà, năm 2000, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

VƯƠNG HÀ