Quê tôi xưa vốn là vùng đất thuần nông. Người dân quê quanh năm tất bật với công việc đồng áng. Mọi người vui vẻ với những gì có được từ cây lúa, củ khoai. Lúa gặt về, thóc phơi trút hòm, rơm tẻ làm chất đốt, rơm nếp làm chổi. Không có thành phẩm nào của cây lúa là không được tận dụng cho đời sống sinh hoạt nơi thôn quê.
Ở làng, mẹ tôi vốn có tiếng là người khéo tay và biết lo toan. Bao giờ cũng vậy, cứ sau vụ mùa, mẹ tôi sắp lại những đai rơm nếp đã phơi khô, cất gọn gàng lên đầu hồi nhà ngang. Tôi thắc mắc, sao mẹ giữ nhiều rơm nếp đến vậy? Mẹ cười xòa, vì lo xa, nhỡ khi hàng xóm láng giềng thiếu rơm bện chổi, mẹ lại có sẵn để thảo thơm mà chia sẻ. Người dân quê, giúp nhau dù việc nhỏ nhặt cũng là niềm vui nơi nếp sống cộng đồng.
Chỗ rơm nếp đã cất đi ấy, đợi lúc nông nhàn, mẹ mới lấy xuống để bện chổi. Bó đai rơm nếp đượm nắng, qua thời gian vẫn óng mượt một màu. Mẹ sắp lại từng sợi rơm cho bằng đốt, kê lên chiếc thớt gỗ rồi dùng dao chặt bỏ. Từng đoạn rơm bị dao găm xuống, đứt ra, bật lên lả tả. Nhưng tất cả đã được mẹ tính sẵn, lúc chặt rơm, bao giờ mẹ cũng quay đầu đốt vào phía sát tường. Rơm cứ thế đập vào tường rồi rơi gọn xuống đất.
 |
Ảnh minh họa/Internet. |
Rơm sau khi chặt đốt có thể tuốt lấy lõi một cách dễ dàng. Công đoạn này, bao giờ mẹ cũng giao cho mấy chị em chúng tôi làm. Mẹ chỉ cho chúng tôi một tay cầm sợi rơm, một tay tuốt lõi sao cho điểm giữ lõi đầu sợi rơm vừa đúng đều nhau để không mất công sắp lại khi bện chổi. Đám nhỏ nhao nhao, đứa nào đứa nấy đều muốn tranh công là người tuốt lõi nhanh. Chúng tôi tập trung tranh đua đến nỗi không chú ý tới người xung quanh. Có khi, tay tuốt nhanh, kéo mạnh khiến đầu sợi rơm chọc cả vào má người bên cạnh. Rơm nếp mềm mà rặm ngứa, lại kêu la rộn góc sân nhà.
Cuối cùng, từng sắp lõi rơm cũng được chúng tôi tuốt để gọn gàng. Còn công đoạn bện chổi hoàn toàn thuộc về mẹ. Đôi mắt trẻ thơ to tròn nhìn bàn tay mẹ thoăn thoắt ghép từng sắp lõi rơm nhỏ với nhau. Sắp lõi này gối sắp lõi kia, rồi lại dùng chính phần thân lõi để bện thành sợi dây siết chặt dần lõi rơm từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài. Cứ như vậy, được hai hay ba vòng lại ghép thêm một sắp lõi khác. Áng chừng chiếc chổi rơm đã đầy đặn, chắc tay, mẹ thu khóa dần đầu chổi. Khi toàn bộ lõi rơm đã được khóa hết, mẹ tôi dùng đoạn tre đã vót nhọn để đóng vào giữa thân lõi nhằm làm cứng thân chổi cũng như cố định cho chắc chắn. Đóng cọc tre xong, mẹ xoắn thêm đoạn rơm thành sợi tròn làm dây treo chổi, rồi cắt đi những phần rơm thừa. Chiếc chổi rơm lúc này chính thức được hoàn thiện trong bàn tay mẹ. Xoay chiếc chổi trên tay, tôi thấy được cả sự bền chắc và thẩm mỹ. Nhìn lại mới thấy, khi bện, mẹ đã vặn xuống một lớp lõi rơm xòe quanh thân chổi, gọi là áo chổi nhưng trông như một lớp váy điệu đà.
Nắng chiều chênh chếch ngả màu khói bụi, chúng tôi cầm trên tay những chiếc chổi rơm mới thay cho những chiếc chổi đã cùn đang treo ngoài hiên. Những thanh âm rộn ràng khiến chú mèo mướp đang nằm phơi nắng trên sân vội choàng dậy, nhảy phốc lên bể nước mưa đăm đăm nhìn đám trẻ đang ra sức quét sân bằng chiếc chổi rơm mới. Sân nhà rộn lên niềm vui con trẻ.
Giờ đây, đồng ruộng quê tôi đã được chuyển đổi thành các khu công nghiệp, dịch vụ phát triển. Đã từ lâu lắm, gia đình tôi không còn dùng chổi rơm trong nhà, thay vào đó là những chiếc chổi chít mềm, chổi nhựa bền chắc, tiện dụng. Dẫu vậy, mỗi khi nhìn thấy chiếc chổi rơm, lòng tôi vẫn trào dâng bao kỷ niệm đẹp về tuổi thơ ngồi bện chổi với mẹ bên hiên nhà.
NGUYÊN ĐỨC