Ông chủ tịch hội đồng hương của một tỉnh miền Trung tại TP Hồ Chí Minh bức xúc, cầm bút gạch ngay tên mấy ca sĩ “ngôi sao” mà anh thư ký đề xuất, dự tính mời đến biểu diễn tại buổi họp mặt đồng hương đầu Xuân Quý Mão 2023. Lý do ông phản đối là đến cái tên mẹ đẻ mà còn phải vay mượn ngôn ngữ nước ngoài thì không thể chấp nhận được. Có người thì nói, ông cổ hủ, lạc hậu, nhưng đại đa số thành viên trong ban chấp hành hội đồng hương tỉnh thì nhất trí với quan điểm của ông.

Câu chuyện trên là một dẫn chứng về thái độ ứng xử trước tình trạng tiếng mẹ đẻ của người Việt đang bị pha trộn, pha tạp, lai căng vô tội vạ hiện nay. Phổ biến nhất là trong giới giải trí. Việc đặt nghệ danh theo tiếng Anh hoặc ghép tiếng Anh vào tiếng Việt được một bộ phận không nhỏ người trẻ coi là trào lưu. Nhiều người nhờ công nghệ lăng xê, vừa nổi danh một chút đã lập tức đổi nghệ danh. Họ ghép tiếng Anh vào tên mẹ đẻ, cho ra đời những cái tên lạ hoắc. Nhiều người cho rằng làm như thế mới sang, mới hiện đại mà không tự biết, sự vay mượn, gán ghép ngôn ngữ ấy là biểu hiện lai căng văn hóa. Trong nhiều trường hợp, nó làm cho ngôn ngữ trở nên rối rắm, vô nghĩa, đánh đố người đọc, người nghe...

Trào lưu sính ngoại này gây nên những hệ lụy nặng nề cho môi trường văn hóa và tiến trình xây dựng, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đời sống xã hội, nhiều cặp vợ chồng trẻ cũng bắt chước, đặt tên cho con theo kiểu nửa tây nửa ta. Văn hóa sính ngoại hiện diện khắp nơi. Hàng loạt công trình kiến trúc hiện đại, hàng loạt trung tâm thương mại, siêu thị, khu du lịch, hàng loạt bảng hiệu, thậm chí là cả những khu đô thị, khu dân cư hiện đại... cũng được (đúng hơn là bị) vay mượn ngôn ngữ nước ngoài để đặt tên. Ngôn ngữ giao tiếp, nhất là trong giới trẻ cũng bị pha trộn, pha tạp vô tội vạ.

Sính ngoại là một thứ “bệnh” trong văn hóa của một bộ phận người Việt, đã xuất hiện và tồn tại từ xa xưa. 80 năm trước, trong “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943, Đảng ta đã nhận rõ mối nguy hại của xu hướng lai căng, pha tạp, pha loãng văn hóa dân tộc nên đã nhấn mạnh những nguyên tắc cốt lõi trong cuộc vận động xây dựng văn hóa, đó là: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Đảng ta nhấn mạnh việc tranh đấu về tiếng nói, chữ viết; yêu cầu chống mọi ảnh hưởng nô dịch, chống làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng, xa rời quần chúng, trái khoa học, phản tiến bộ... 80 năm trôi qua, soi rọi trong môi trường hội nhập quốc tế hiện nay, tư tưởng tranh đấu tiến bộ để bảo vệ, bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa dân tộc nêu trên vẫn vẹn nguyên tính thời sự.

Trong thời kỳ đất nước đổi mới, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tất yếu phải có sự giao thoa, tiếp thu văn hóa thế giới, đặc biệt là việc sử dụng tiếng Anh. Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ nước ngoài chỉ là công cụ, phương tiện, hình thức để thúc đẩy giao lưu, hội nhập. Nó hoàn toàn không phải và không thể là mục tiêu thay thế tiếng mẹ đẻ dưới bất cứ phương thức nào.

Ngôn ngữ là linh hồn của văn hóa!

Việc sính ngoại thái quá, sử dụng ngôn ngữ lai căng vô tội vạ chính là kiểu “bạo hành” ngôn ngữ, phương hại bản sắc văn hóa dân tộc.

Thực trạng này xảy ra từ lâu. Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, tổ chức nhiều hội nghị quan trọng bàn về xây dựng, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng sự chuyển biến thực chất trong đời sống xã hội vẫn còn rất nhiều việc, rất nhiều lĩnh vực đáng lưu tâm.

Bản chất của những trào lưu trong đời sống xã hội là rất khó kiểm soát, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Lấy xây để chống, lấy văn hóa để khắc chế phản văn hóa, lấy sự trong sáng của tiếng Việt để nói không với kiểu sính ngoại thái quá... là cách vũ trang cho môi trường văn hóa chống lại thói hư, tật xấu.

Tiếng Việt của chúng ta rất giàu và đẹp. Những thứ gì nhà không thiếu, không cần thì sao lại phải đi vay mượn của người khác?

PHAN TÙNG SƠN