Ở thời điểm hiện tại, những câu thơ trên vẫn còn nguyên tính thời sự và... tình hình dường như diễn ra theo hướng bi quan hơn. Thậm chí, có nhiều bạn trẻ chưa hề đọc bất kỳ một tác phẩm thơ nào khác ngoài những tác phẩm thơ trong sách giáo khoa ngữ văn phổ thông.  

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Về khách quan, nhịp sống gấp gáp thời hiện đại khiến con người trở nên bận rộn hơn, từ đó không có nhiều thời gian cho văn học nói chung, thơ ca nói riêng. Mặt khác, như một số thống kê do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố thì người Việt Nam không phải thuộc diện đọc sách nhiều. Văn hóa đọc hiện nay chịu sự lấn át bởi các loại hình nghệ thuật giải trí, phần đông các bạn trẻ ưa chuộng hơn so với việc đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi cái hay trong một câu thơ, bài thơ.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa / Vietnam+ 

Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân khách quan kể trên, việc các bạn trẻ ngại đọc thơ, không thích đọc thơ còn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chủ quan khác. Đầu tiên, vấn đề giảng dạy, hướng dẫn học sinh biết cách thưởng thức, cảm thụ thơ ca hiện nay chưa đạt được như mong muốn, là giúp học sinh-một bộ phận đông đảo của giới trẻ có khả năng "nhận biết và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học dựa vào đặc điểm phong cách văn học; có trí tưởng tượng phong phú, biết thưởng thức, tiếp nhận và đánh giá văn học” như mục tiêu chương trình ngữ văn mới (2018) đề ra.

Mục tiêu của chương trình ngữ văn mới rất đúng và trúng, nhưng trên thực tế có quá nhiều điều cản trở việc biến mục tiêu này thành hiện thực. Môn ngữ văn theo chương trình mới hiện phải đối mặt với các khó khăn như khối lượng kiến thức nhiều, phân bố tiết học ít, sĩ số lớp đông, trình độ, năng lực của giáo viên không đồng đều, sự thờ ơ của học sinh... Những điều này ảnh hưởng lớn đến công tác dạy-học, khiến học sinh khó có thể hình thành nên các kỹ năng cơ bản của việc tiếp nhận văn học để biết “đánh giá các văn bản văn học nói riêng, các sản phẩm giao tiếp và các giá trị thẩm mỹ nói chung”. Việc không biết, không am hiểu các vấn đề về thơ tất yếu sẽ dẫn đến không thích, không quan tâm và không đọc thơ của học sinh.

Thứ nữa, đa phần các tập thơ thường được quảng bá theo mấy cách gồm ra mắt sách, điểm sách trên báo hay đăng trên các trang mạng cá nhân của tác giả... Đây đều là cách làm mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ, rời rạc mà thiếu một chiến lược quảng bá hiệu quả. Chúng tôi chưa bắt gặp một tác phẩm văn học nào được quảng bá một cách có chiến lược, bài bản bởi những công ty tổ chức sự kiện chuyên nghiệp (điều mà những tác phẩm điện ảnh, âm nhạc-vốn thu hút đông đảo giới trẻ-lại làm một cách thường xuyên).

Trong một thế giới phẳng, hầu như mọi hàng hóa đều phải/cần quảng cáo như hiện nay mà công đoạn PR cho thơ vẫn còn mang tính chất nghiệp dư như vậy thì việc không thu hút được bạn đọc cũng là điều dễ hiểu. Mặt khác, thơ hiện đại giờ thiên về phản ánh “mảnh trời riêng” của tác giả, ít chạm đến những “mẫu số chung” của thế hệ, cộng đồng, do đó chưa có được sự đồng cảm của đông đảo bạn đọc, trong đó có bạn đọc trẻ.

Chỉ khi nào khắc phục được những vấn đề trên thì chúng ta mới có hy vọng về sự chuyển biến trong văn hóa đọc nói chung, việc đọc sách văn học và thơ nói riêng của bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ.

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.