Suy cho cùng, trong bản tính con người, ít nhiều ai cũng có tính tham. Tính tham không hoàn toàn xấu nếu đặt nó trong khuôn khổ/giới hạn đạo đức cho phép. Theo lý giải của các nhà tâm lý, tính tham-hiểu theo nghĩa tích cực-là một trong những động lực kích thích con người nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu nào đó mà người ta khát khao, mong đợi. Trên phương diện xã hội, tính tham cũng là động lực nguyên thủy thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Theo nhà kinh tế học người Mỹ Milton Friedman (1912-2006) từng đoạt giải Nobel và được đánh giá là một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất vào nửa sau thế kỷ 20, vấn đề của tổ chức xã hội không phải là tiêu diệt tính tham, mà là thiết lập một sự sắp xếp để tính tham ít gây hại nhất. Tính tham (vật chất, tiền tài, địa vị...) nếu không được kiểm soát, tiết chế sẽ trở thành sự tham lam. Tham lam không đến từ việc mong muốn những điều tốt đẹp, mà đến từ sự ích kỷ cá nhân và thường gây tổn hại cho người khác hoặc xã hội.

Thời nào, xã hội nào cũng có một bộ phận người tham lam, thậm chí tham lam đến mức mù quáng, bất chấp cả luân thường đạo lý, vượt qua mọi khuôn khổ kỷ cương, phép nước. Có đủ thứ tham: Tham ăn uống, tham tiền bạc, tham quyền lực, tham địa vị, danh vọng... Những người bị lòng tham thao túng không bao giờ dừng lại ở những điều đạt được, mà luôn có nhu cầu thèm khát, thỏa mãn những điều họ tưởng tượng.

Người trong cuộc cũng biết rằng lòng tham là đáng xấu hổ nên tìm mọi cách để “ngụy trang” nhân cách nhằm che giấu động cơ mờ ám của mình. Tuy nhiên, dù có cố gắng che đậy, trau chuốt nhân cách đến mấy thì những người mang nặng lòng tham không mấy khi được sống trong tâm lý thảnh thơi, thanh thản, mà tâm trạng có thể căng thẳng, lo âu vì nỗi sợ đến một lúc nào đó lòng tham như cái thùng không đáy của mình bị phơi bày ra ánh sáng.

Châm ngôn có câu “Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra” với hàm ý mọi sự dối trá, xấu xa dù được che đậy, bưng bít đến mấy thì cũng có ngày bại lộ. Lòng tham của con người cũng không nằm ngoài quy luật này. Sự tham lam dù anh có thể cố gắng giấu kỹ trong tâm tính hẹp hòi, nhỏ nhoi của mình, nhưng những hành vi mưu mô, xảo trá, quỷ quyệt của anh nhằm thu vén, giành giật lợi ích, tiền bạc, tài sản của người khác và của công thì không thể giấu mãi được, mà trước sau cũng sẽ bị lộ và bị lật tẩy, phơi bày bởi ánh sáng minh bạch, công tâm của dư luận xã hội, đạo đức và pháp luật.

Chuyện không ở đâu xa, mà ở nước ta những năm gần đây, có những quan chức một thời quyền uy lừng lẫy “đứng dưới mấy người, đứng trên ngàn người”, nhưng chỉ vì lòng tham vô đáy mà họ tự biến mình thành “quan tham” khó rửa sạch “vết nhơ” nhân cách!

Từ người ở vị trí chính khách “muôn dân biết mặt, cả nước biết tên” nhận hối lộ bảy chục tỷ đồng đến cả dàn lãnh đạo trong một tổ chức cùng dắt nhau ra tòa vì cùng tham ô, chia chác ngân sách nhà nước để mỗi người “ăn vội” cả chục tỷ đồng nhưng... "nuốt" không trôi. Từ những vị lãnh đạo tỉnh “ăn hối lộ” của doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng đến những người từng là anh hùng, chuyên gia, trí thức nức tiếng gần xa cũng được kẻ khác “lót tay” dăm bảy tỷ đồng để làm những chuyện mờ ám, phi pháp. Cho dù những đối tượng này có “của ăn của để” rất dư dả, thậm chí có thể sống cuộc đời sung sướng, nhưng có lẽ do bị “con ma tham lam” thôi miên, ám ảnh, thao túng nên họ đã mờ mắt rồi tự sụp đổ ngay dưới chân mình!

Cổ nhân có câu “Nhân tham tài nhi tử, điểu tham thực nhi vong” (Con người chết vì thói tham lam vật chất, con chim chết vì tham miếng ăn). Biết bao chuyện xưa tích cũ, biết bao minh chứng thời nay đã chứng minh, lòng tham vô đáy của con người không thể tránh khỏi sự trả giá đớn đau. Đó là bài học, là lời cảnh tỉnh cho những ai, nhất là cán bộ, công chức nào đó vẫn còn luẩn quẩn trong “cái thùng lòng tham”!

ANH DƯƠNG