QĐND - II. Thử nhìn lại mức độ chân thực của các tác phẩm viết về chiến tranh và quân đội
Hai cuộc kháng chiến, đặc biệt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thuộc loại ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh loài người từng biết.
Sự ác liệt thể hiện trên nhiều mặt:
- Tính chất và trình độ của xung đột. Đằng sau mâu thuẫn quốc gia và dân tộc là mâu thuẫn thời đại, quốc tế giữa hai hệ thống chính trị trên thế giới.
- Mật độ bom đạn cao nhất trong lịch sử chiến tranh.
- Tính chất hiện đại của các trang bị vũ khí được sử dụng.
- Thời gian đặc biệt dài: 30 năm liên tục, nhiều thế hệ tham gia.
Mặt khác, chiến tranh, dù là chiến tranh cách mạng cũng là một phương thức bắt buộc phải chấp nhận. Bởi vì, mục tiêu cơ bản của mọi cuộc chiến tranh không phải là sáng tạo ra những thành quả vật chất mới mà chỉ là bảo vệ và giành lại những giá trị đã có. Trong khi mục đích cơ bản của cách mạng là xây dựng một xã hội mới, trong đó, con người được bảo đảm hạnh phúc và điều kiện phát triển.
Vì thế, chiến tranh với người cách mạng có giá trị hai mặt: Giá trị tích cực là để giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lý tưởng, bảo vệ sự sống con người. Đồng thời trong chiến tranh, bao nhiêu tài nguyên, nhân lực bị tiêu phí, việc thực hiện lý tưởng phải bị kéo xa và con người bị kìm hãm sự phát triển toàn diện.
Trong chiến tranh, chúng ta bằng mọi cách, khẳng định phần tích cực của nó. Bởi vì, không có thắng lợi thì sẽ không còn Tổ quốc, lý tưởng, con người tự do. Văn học trong chiến tranh đã góp phần cổ vũ nhiệt tình ấy. Đó là một việc làm tất nhiên. Chúng ta tự hào được sự lãnh đạo của Đảng, trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, văn học đã có mặt với tư cách là một vũ khí sắc bén động viên tinh thần yêu nước, ý chí quyết thắng và khẳng định lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Ánh sáng và sức nóng của nguồn sáng ấy mãi mãi còn có sức động viên và cổ vũ đối với người viết.
Tuy nhiên, khi nhìn lại toàn bộ thành tựu văn học, với tư cách một tấm gương phản ánh hiện thực đất nước, chúng ta thấy lộ ra một mặt hạn chế là chưa phản ánh đầy đủ hiện thực chiến tranh và cách mạng của đất nước.
 |
Thanh niên miền Bắc hăng hái lên đường vào chiến trường miền Nam. Nguồn: qdnd.vn |
Đây không phải là một nhận định mới nhưng khi giải thích cụ thể, người ta nghĩ về những nội dung khác nhau. Thông thường, người ta cho rằng, văn học ta viết về chiến tranh còn ít nói đến phần mất mát, hy sinh, cái giá phải trả cho thắng lợi, văn học ta viết về chiến đấu và chiến thắng nhìn chung còn dễ dàng, thuận lợi. Phần viết về kẻ địch chưa thật sắc sảo và chưa nêu hết sự tàn bạo có ý thức của chúng. Phạm vi bao quát từng tác phẩm còn hẹp, còn thiếu bóng dáng những sự kiện lịch sử quan trọng trong văn học v.v...
Nói chung, đó là những nhận định dễ chấp nhận vì nó đúng. Nhưng trên một bình diện chung, đó vẫn là cách nhìn từ phía khái quát, từ bình diện lịch sử sự kiện. Trong văn học, có lẽ phải chú ý nhiều hơn đến bình diện quan hệ của cuộc chiến tranh đó với con người. Con người trong chiến tranh, con người với chiến tranh phải là bình diện chính của sự khảo sát văn học về chiến tranh.
Chúng ta thấy, phần văn học về chiến tranh đã đề cập tới nhiều sự kiện lịch sử, các thời kỳ quan trọng. Nhưng số phận nhân vật chưa được chú ý đúng mức. Không nên ngộ nhận ý kiến cho rằng, thời đại chúng ta, nhất là trong chiến tranh, do quan hệ thường tập trung theo hướng đồng đại, theo công tác, tiểu thuyết sự kiện phải được thay cho loại tiểu thuyết kết cấu theo quan hệ gia đình, dòng họ, số phận cá nhân. Tiểu thuyết số phận và số phận nhân vật trong tiểu thuyết là hai khái niệm khác nhau. Không ít người viết tiểu thuyết sự kiện đã đánh mất tính chất văn học của tiểu thuyết. Bởi đã coi nhẹ việc thể hiện số phận nhân vật. Ở đây, nguy cơ của tính phiến diện, đơn giản, máy móc tính cách nhân vật và của tác phẩm luôn rình chờ người viết.
Nhân danh bám sát sự thật trong đời sống mà chỉ chạy theo sự kiện, coi thường con người trong sự kiện, là chiều hướng biến tiểu thuyết thành loại ký ghi sự kiện mà chúng ta thường gặp. Và ở tầng sự kiện, đôi khi sự thật đã bị giản đơn rất nhiều.
Vậy thì, trong văn học viết về chiến tranh, những gì thuộc về tính chân thực? Có thể có hai vấn đề chính mà văn học ta chưa tập trung thể hiện sâu sắc và sáng tạo, đó là trách nhiệm của từng người chiến sĩ đối với số phận của đất nước, xã hội và trách nhiệm của xã hội đối với số phận mỗi cá nhân.
Ở cấp độ chung, trong chiến tranh, sinh mạng của con người luôn bị đe dọa chấm dứt bất ngờ. Thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ tới. Thắng lợi từng trận đánh cũng có thể có bảo đảm. Nhưng sự sống của từng người thì không thể, vì không một ai dám bảo đảm. Chính từ cái đặc tính bi thảm và hào hùng này nảy sinh những cuộc đối thoại thường xuyên (tự đối thoại, đối thoại với đồng đội, đồng chí, đối thoại với kẻ thù).
Mọi vấn đề thuộc về phẩm chất, nhân cách và tư tưởng, tình cảm, hành động nhân vật phụ thuộc kết quả cuộc đối thoại liên tục và dai dẳng này.
Anh là người chiến sĩ sẵn sàng hy sinh để tiêu diệt kẻ thù hay coi mình chỉ là vật hy sinh? Ở trường hợp trên là một hành động thể hiện trình độ đạo đức cao cả, trên cơ sở nhận thức đúng và xử lý đúng quan hệ cá nhân với xã hội. Còn cũng là hy sinh mà tự coi mình là bị bắt buộc làm vật hy sinh là một điều vô đạo đức. Trong những người ra trận, có rất nhiều người trở về trong ngày toàn thắng và nhờ có họ mà có thắng lợi. Nhưng cũng có biết bao chiến sĩ ngã xuống không trở về và cũng nhờ sự hy sinh của họ, hay nói đúng hơn, nhờ họ không sợ hy sinh mà có chiến thắng. Nhà văn chọn ai làm nhân vật chính trong tác phẩm của mình? Sự quan tâm thể hiện chính, làm nên nỗi niềm thôi thúc cây bút là những người có mặt hay vắng mặt trong ngày toàn thắng, những người anh hùng vô danh đã lấy cả cuộc đời với những ước mơ và tình cảm cao rộng của mình làm một chiếc đinh nhỏ trên chiếc cầu dân tộc bước tới bờ thắng lợi?
Điều đó còn được quy định bởi lý tưởng sống của nhân vật.
Người có lý tưởng "thà chết đứng hơn sống quỳ", "không có gì quý hơn độc lập, tự do"... xác định đúng trách nhiệm xã hội, đặt Tổ quốc, nhân dân, quyền lợi chung lên trên cá nhân, không chỉ sẵn sàng cầm súng, sẵn sàng ra trận và sẵn sàng hy sinh mà còn sẵn sàng đối đầu với khó khăn, ác liệt.
Vẻ đẹp của họ chính là luôn luôn thắp sáng trong mọi hoàn cảnh ánh lửa của lý tưởng chiến đấu, không bị uy vũ, giàu sang, khó khăn làm đổi hướng lụi tàn; chính điều này xác định lối nhìn, lối viết về chiến tranh.
Phải nói, trong chiến tranh, để động viên, cổ vũ, ca ngợi, việc nhấn mạnh mặt anh hùng, phần thắng lợi là cần thiết. Nhưng như ý kiến nhà nghiên cứu Xô-viết Ba-tsa-rốp: "Mô tả chiến tranh mà chỉ giữ lại cái anh hùng, vứt bỏ tất cả những cái khác có nghĩa là bỏ rơi mất nhiều bài học của chiến tranh, một hiện tượng cực kỳ phức tạp... Không mô tả những chi tiết nặng nề bi thảm của chiến tranh là xuyên tạc bộ mặt của chiến tranh trong ý thức loài người" (Con người và chiến tranh, NXB Xô-viết Mát-xcơ-va-1975, bản dịch của Hoàng Ngọc Hiến, trang 147).
Chúng ta nhận thức rõ sức mạnh nghệ thuật hiện thực là năng lực tái hiện chân thực cuộc sống trong sự phức tạp của nó. Không nên nghĩ rằng, viết sự thật về chiến tranh sẽ làm cho người tham gia chiến tranh sợ sệt. Đã là không tránh khỏi thì tốt nhất là giáo dục cho người ta-ở đây là thế hệ trẻ-nhìn thẳng vào sự thực. Đã không thể tránh cho người lính khỏi đối mặt với sự thực khắc nghiệt, tại sao không giáo dục cho họ chấp nhận nó, sẵn sàng đối phó với nó? Kẻ nào mới gặp ác liệt trong trang sách mà đã thoái lui, sợ sệt thì cũng không đủ dũng khí thắng những cái đó trong cuộc đời. Xin được trích ở đây lời nhà văn cộng sản Xi-mô-rốp, tác giả lớn viết về chiến tranh của Liên Xô (trước đây) khi nhận định đặc điểm nổi bật nhất của văn học Xô-viết về chiến tranh: "Nói sự thật, sự thật và sự thật. Nói dối trong bất kỳ tác phẩm nào cũng là vô đạo đức, nói dối trong tác phẩm về chiến tranh là hai lần vô đạo đức. Mà dù không nói dối nhưng nói sai, bỏ qua không nói, tô hồng cũng là không thể chấp nhận được. Chiến tranh là đổ máu, là khắc nghiệt và viết về chiến tranh cũng phải khắc nghiệt".
Trong việc thoái lui của một số thanh niên trước khó khăn, tôi nghĩ có trách nhiệm ở những cuốn sách tầm thường, thiếu lý tưởng, động viên người đọc bằng một thứ triết lý sống tầm thường kiểu ở hiền gặp lành, trời nào phụ kẻ có nhân.
Lý tưởng sống và nguyên tắc phân phối xã hội là hai thứ khác nhau. Người cách mạng chiến đấu cho một nguyên tắc phân phối xã hội công bằng chứ không phải cho mình được hưởng trước hết những nguyên tắc đó. Vấn đề đặt ra là: Biết chắc không gặp lành anh có ở hiền không? Biết chắc sẽ bị thiệt thòi, bất hạnh, hy sinh, anh có dám chiến đấu cho công bằng, chân lý, lẽ phải không? Hàng triệu đảng viên, chiến sĩ cách mạng, chiến sĩ quân đội chúng ta đã trả lời dứt khoát câu hỏi đó khi tham gia cách mạng và nhờ thế, chiến tranh và cách mạng đã toàn thắng. Và đó là thước đo người chiến sĩ cách mạng với những ai sống và tận hưởng những nguyên tắc phân phối xã hội, đòi hỏi thực hiện những nguyên tắc đó trước hết là áp dụng cho mình.
(Còn nữa)
Nhà phê bình văn học NGÔ THẢO
Nhìn lại các tác phẩm viết về chiến tranh và quân đội