Người Churu có dân số khoảng hai vạn, sinh sống tập trung chủ yếu ở thung lũng sông Đa Nhim (Lâm Đồng) và một số tại các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận. Cũng như nhiều dân tộc Tây Nguyên, người Churu theo chế độ mẫu hệ. Các cô gái đến tuổi lập gia đình sẽ thực hiện lễ “bắt chồng”. Khi “ưng cái bụng” một chàng trai nào đó, cô gái sẽ mua một cặp nhẫn bạc rồi trao cho chàng trai một chiếc. Đó chính là lời tỏ tình rằng “em đã yêu anh”. Ngày cưới, đồ sính lễ nhà gái mang tới nhà trai cũng không thể thiếu nhẫn bạc. Nhà giàu thì hàng chục, hàng trăm, nhà nghèo chỉ vài chiếc nhưng dẫu có giàu nghèo thế nào thì cũng không thể thiếu nhẫn bởi nó là của hồi môn bắt buộc, là tín vật tượng trưng cho lời thề nguyện son sắt, thủy chung.  

Trong tình yêu và hôn nhân, nhẫn bạc Churu quan trọng là thế, nhưng trong cộng đồng người Churu hiện nay chỉ duy nhất có một gia đình biết cách làm ra nó, đó là gia đình nghệ nhân Ja Tuất ở thôn Hawai. Do tính chất độc đáo và giá trị đặc biệt của nghề mà làng Hawai được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là "Làng nghề truyền thống".

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Ma Wel với những chiếc khuôn và nhẫn bạc Churu. 
Trong căn nhà nhỏ chứa đầy khuôn đúc nhẫn tựa trang sức của người tiền sử, nghệ nhân Ja Tuất kể: “Nghề này mình học được từ cụ ngoại. Cụ mất cách đây mấy chục năm rồi. Khi mình còn nhỏ, cụ ngoại nói với mẹ mình rằng: “Cả buôn này, ta thấy thằng Ja Tuất thông minh, sáng dạ nhất. Con bảo nó sang đây để ta truyền nghề làm nhẫn bạc cho”. Thế là mình theo ông cụ học nghề”. Theo nghệ nhân Ja Tuất, nhẫn bạc Churu có hai loại gồm nhẫn “mái” và nhẫn “trống”. Nhẫn “mái” dành cho nữ, nhẫn “trống” dành cho nam. Có 12 kiểu với các loại hoa văn vô cùng độc đáo như: Mắt sâu, cây mía, trống da, bông lúa, cây nấm, bông hoa, mặt trời… ứng với các tên gọi như: Srí Mơ Ta H’Lát, Srí Bàng Lá, Srí Chawrr, Srí Tú Rơ Bâu, Srí Rơ Kan Gô, Srí Bơ Mau Đa, Srí Sơ Gơ…

Để làm nhẫn bạc, nguyên liệu đầu tiên không thể thiếu đó là sáp ong rừng. Chọn loại sáp dẻo, tinh khiết nhất, nấu cho nóng chảy, sau đó đổ vào các ống lồ ô, để khô thành các ống sáp ong vàng óng. Chọn gỗ rừng tốt, đẽo rồi mài thành các đoạn hình trụ tròn, cỡ bằng ngón tay, dài khoảng 30cm. Đút đoạn gỗ vào ống sáp ong, cắt một khúc sáp vừa bằng chiếc nhẫn, sau đó dùng ngón tay và vải mài cho bề mặt chiếc nhẫn sáp ong trở nên bóng mịn, tiếp đó dùng sáp ong tạo hoa văn trên mặt chiếc nhẫn sáp. Đây là công đoạn rất cầu kỳ, đòi hỏi óc thẩm mỹ, sự tinh tế cũng như tay nghề điêu luyện của nghệ nhân. Ví như để tạo thành hoa văn bông lúa trên một chiếc nhẫn, người thợ phải xe sáp ong thành hai sợi mảnh như sợi chỉ, sau đó bện vào nhau rồi đặt vòng quanh mặt nhẫn sáp. Nếu làm không khéo, sáp ong sẽ bị gãy vụn hoặc chảy nhão ra, khi đúc sẽ không đẹp.

Sau khi những chiếc nhẫn bằng sáp hoàn thành, nghệ nhân liên kết từ 2 đến 3 chiếc nhẫn rồi gắn vào một chiếc phễu nhỏ làm bằng lá dứa rừng, đem nhúng vào hỗn hợp gồm đất sét, phân trâu và nước đã nhào kỹ. “Phải là phân con trâu đực chừng 3-4 tuổi. Đất sét thì lấy một chỗ bí mật trong rừng. Loại đất này trắng mịn như bột. Sau khi nhúng thì đem phơi. Khô rồi lại nhúng tiếp, lại phơi, cứ thế nhiều lần dưới nắng mới đạt yêu cầu”, bà Ma Wel, vợ của Ja Tuất bật mí.

Sau khi có khuôn, nghệ nhân sẽ nổi lửa để nấu bạc, đúc nhẫn. Đây là thời khắc quan trọng và thiêng liêng, thường diễn ra lúc nửa đêm. Trước khi nổi lửa, Ma Wel và chồng bao giờ cũng thực hiện nghi lễ “tẩy uế”, đồng thời khấn xin Yàng và các vị thần linh phù hộ cho mẻ đúc diễn ra suôn sẻ. Khi chờ bạc nóng chảy, Ma Wel nhẹ nhàng tháo chiếc phễu lá dừa, hơ khuôn trên than để toàn bộ sáp trong khuôn chảy ra. Lúc này trên tay Ma Wel là một chiếc khuôn âm bản. Tiếp đó, bằng thao tác nhanh nhẹn và chính xác, Ma Wel lấy cặp sắt dài, gắp nồi bạc đang nóng chảy đổ vào khuôn rồi đặt vào bát nước lạnh, khuôn tan ra, để lộ những chiếc nhẫn bạc sáng lấp lánh.

Nhưng đó vẫn chưa phải là công đoạn cuối cùng, sau khi đúc, những chiếc nhẫn phải được ngâm vào nồi nước bồ kết rừng, rồi chà rửa cho sáng mịn. Tiếp đó, dùng đá quý hoặc hạt cây ca-nia cẩn vào mặt nhẫn. Lúc này những chiếc nhẫn mới chính thức hoàn thành, sẵn sàng hiện diện trên ngón tay các chàng trai, cô gái. Thời gian từ khi nấu sáp ong đến khi hoàn thiện sản phẩm thường phải mất một tuần.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ và sự rộng mở của thị trường, những chiếc nhẫn bạc "ngoại lai" được chế tác cầu kỳ, tinh xảo, giá rẻ bày bán đầy rẫy trong các tiệm kim hoàn nhưng người Churu, Cơ-ho, Chăm trong vùng vẫn dành tình yêu đặc biệt với những chiếc nhẫn bạc của gia đình Ja Tuất, bởi với họ, chỉ có nhẫn bạc Churu mới đủ sức mạnh và sự nhiệm màu để họ tìm thấy nhau và gắn bó cùng nhau trọn kiếp.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG