“Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” là bản báo cáo của Tổng Bí thư Trường Chinh tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai ở Việt Bắc, tháng 7 năm 1948, và sau đó được giới nghiên cứu xem như một tác phẩm lí luận văn hoá. Ngót 60 năm qua, sách báo đã bàn nhiều về giá trị của tác phẩm này. Trong bài viết này xin không nhắc lại mà chỉ nêu lên một khía cạnh của truyền thống văn hoá dân tộc với khái niệm “quân sự học” và sự tôn vinh các danh nhân văn hoá quân sự của đồng chí Trường Chinh.
Để hiểu rõ, chúng ta hãy bắt đầu từ lịch sử của dân tộc. Có thể nói rằng, trên thế giới, không có xứ sở nào mà chiến tranh lại xảy ra liên miên như ở Việt Nam.
Trong điều kiện nền văn hóa dân tộc phát triển không bình thường vì chiến tranh như vậy, đặc biệt là chiến tranh chống xâm lược, thì rõ ràng việc hiểu biết về quân sự của nhân dân ta, mà tiêu biểu là các danh nhân quân sự, phải thật rõ ràng. Theo các nhà khoa học, từ xa xưa, ở Việt Nam đã có hai bộ môn khoa học được ít nhiều đúc kết về lí luận là y học và nhất là quân sự học. Y học được tổng kết vì nó gắn liền với sự sống còn của con người còn quân sự học được tổng kết vì nó gắn liền với sự sống còn của cả dân tộc.
Bây giờ quay trở lại với tác phẩm “Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam”, chúng ta thấy, sau khi phân tích kỹ mối quan hệ khăng khít giữa văn hoá và xã hội, nêu rõ lập trường văn hoá mác xít, tác giả đã dành phần lớn nội dung để trình bày về “Văn hoá Việt Nam xưa và nay”.
Ở phần trên, với một thái độ khách quan, theo phương châm “đề ra nhiệm vụ mà dũng cảm phụ trách”, tác giả nêu rõ: sau khi dân tộc ta bị người nước ngoài đặt ách thống trị lâu dài, trước sau tới hơn 1000 năm, đã làm cho nền văn hoá Việt Nam, đến lúc ấy, là “tinh hoa của dân tộc bị kìm hãm”, “chưa phát huy được đầy đủ bản sắc của mình”.
Tuy thế, trải qua bao thử thách nặng nề dưới xiềng xích, gông cùm nô lệ của ngoại bang, nhân dân ta “vẫn giữ được tính cách và tâm hồn Việt Nam, thể hiện ở tiếng nói cũng như lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần độc lập dân tộc, tính cần cù trong lao động sản xuất và dũng cảm trong chiến đấu vì tự do”.
Mặc dù “trình độ khoa học, kĩ thuật” của nền văn hoá nước nhà còn “thấp kém”, tác giả cũng chỉ ra 9 lĩnh vực khoa học như văn học, ngôn ngữ học, khoa học, triết học, toán học, sử học, y học, chính trị học và quân sự học, mà dân tộc ta đã có những đóng góp nhất định trong từng giai đoạn lịch sử, với 15 danh nhân tiêu biểu, được tác giả mệnh danh là những “thiên tài”, những “ngôi sao sáng” trên bầu trời văn hoá Việt Nam.
Tại sao ở đây, các danh nhân quân sự học lại đặt cạnh các danh nhân văn học, chính trị học, y học, triết học…, một bên là những người chuyên dùng bạo lực, và một bên là những người mà hoạt động của họ luôn luôn hướng tới những mục tiêu “chân, thiện, mĩ”?
Trước hết phải nói ngay rằng những người bình thường, mà những thành tựu có được, đã đưa họ tới những danh nhân, thậm chí tác giả đã đánh giá là những “thiên tài”, những “ngôi sao sáng” thì công sức đóng góp của họ không dừng lại ở lao động chân tay giản đơn mà đã là công sức của trí tuệ, của tư duy sáng tạo. Mà những thành tựu của trí tuệ, của tư duy đạt tới tuyệt đỉnh, có giá trị cao, mang tính nhân văn lớn thì mặc nhiên đã trở thành những sản phẩm văn hoá. Bên cạnh đó, cũng cần phải hiểu thêm là khi nói đến quân sự, người ta thường nghĩ ngay tới hành động bạo lực. Có thứ bạo lực phi nghĩa của chiến tranh xâm lược, cướp bóc, tước đoạt, nhất thiết phải chống lại. Còn bạo lực bắt buộc phải dùng tới để tiến hành chiến tranh yêu nước chính nghĩa nhằm bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc, đem lại độc lập cho đất nước, tự do hạnh phúc cho người dân thì cần phải ủng hộ. Điều “cần phải ủng hộ” đó đã được “gói gọn” trong nhân cách cao đẹp của từng danh nhân quân sự khoa học mà tác phẩm đã nêu ra.
Sau nữa là ở Việt Nam, việc đưa ra các lĩnh vực hoạt động văn hoá với những danh nhân tiêu biểu trong tác phẩm không phải là sự tuỳ tiện mà là tuân theo hai qui luật của lịch sử dân tộc “dựng nước phải đi đôi với giữ nước”, nghĩa là muốn xây dựng văn hoá, phải luôn luôn nghĩ tới việc bảo vệ văn hoá.
Trên đất nước ta, giữ nước là một sự nghiệp cực kì vĩ đại, một trách nhiệm hết sức nặng nề, to lớn cho tất cả các thế hệ, suốt hơn hai ngàn năm nay. Nó đã trở thành một truyền thống quý báu, một nếp sống văn hoá trước nhu cầu của đất nước, của thời đại rồi lâu năm hình thành thiết chế vũ trang bên cạnh thiết chế lao động sản xuất và thiết chế sinh hoạt vui chơi, điều mà không phải dân tộc nào cũng có. Đấu tranh vũ trang giữ nước là một quá trình chiến đấu thật gian lao, vất vả, đòi hỏi sự hi sinh, sự quên mình cho nghĩa cả nhưng người Việt Nam hầu như đã làm được trước mọi cuộc chiến tranh xâm lược với những thắng lợi rực rỡ, xuất sắc, so với các lĩnh vực văn hoá khác. Vì vậy ở các lĩnh vực đó, số danh nhân không nhiều như ở lĩnh vực quân sự học mà tác phẩm đã nêu là điều dễ hiểu. Chẳng hạn như trong 9 lĩnh vực khoa học với 15 danh nhân thì quân sự học đã có mặt 6/24 lượt danh nhân, chiếm 25%. Các lĩnh vực khoa học khác chỉ có 1/24 lượt danh nhân, chiếm 4,16%. Còn tính riêng về số danh nhân đã nêu lên thì thuộc lĩnh vực quân sự có 6/15, chiếm tới 40%. 6 danh nhân đó là Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ và Ngô Thì Nhậm.
Từ suy nghĩ hết mực, tác giả đã khái quát và lần đầu tiên đưa ra khái niệm quân sự học (ở thời điểm ấy-những năm mới bước vào kháng chiến - một thuật ngữ rất khác lạ) với những thiên tài giữ nước bằng đấu tranh vũ trang, là một phát hiện mới. Thú vị hơn nữa là phát hiện này lại đưa vào một tác phẩm bàn về văn hoá. Điều đó nói lên rằng quân sự học chống ngoại xâm thuộc phạm trù văn hoá, văn hóa quân sự như cách hiểu của chúng ta ngày nay. Và danh nhân quân sự học trong tác phẩm văn hoá này, chính là danh nhân văn hoá quân sự. Cùng với những nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về truyền thống dân tộc, đây cũng chính là đóng góp có tính lý luận- thực tiễn cao của đồng chí Trường Chinh, không chỉ xây dựng nên cách nhìn về truyền thống mà còn giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ta hiểu rõ và tin tưởng ở sức mạnh của chính mình.
DƯƠNG XUÂN ĐỐNG