Ngày vui nhận giải thưởng sắp đến, nhưng vợ ông-NSƯT Thanh Hương rơm rớm nước mắt bảo rằng, giá như anh Thuận Yến còn sống lên bục sân khấu nhận giải thưởng thì vinh dự cho cả cuộc đời miệt mài sáng tác, chứ tôi hay Thanh Lam, Trí Minh  lên nhận hộ, tự hào nhưng cũng buồn tủi lắm!

Kể từ ngày nhạc sĩ Thuận Yến tạm biệt cõi trần, NSƯT Thanh Hương vẫn sống trong ngôi nhà ăm ắp kỷ niệm ở khu nhà binh cuối một con ngõ đường Đê La Thành, căn nhà được Bộ Quốc phòng cấp từ hơn 10 năm trước. Ngôi nhà rợp bóng cây và hoa lá do nghệ sĩ Thanh Hương tự tay trồng, với ý nghĩa tạo nên không gian yên bình cho tâm hồn người nhạc sĩ quá cố vốn có cuộc sống giản dị. Nghệ sĩ Thanh Hương kể, con gái Thanh Lam nhiều lần khẩn khoản mẹ chuyển lên trung tâm thành phố ở cùng cho đỡ hiu quạnh, rồi con trai-nhạc sĩ Trí Minh muốn đưa mẹ sang Đan Mạch để tiện chăm nom (do anh đang sinh sống và làm việc ở đó), nhưng bà đều từ chối, chỉ muốn sống ở trong ngôi nhà đã từng có sự hiện diện của  người chồng nhạc sĩ những năm cuối đời, để hằng ngày hương khói cho ông.

leftcenterrightdel
Vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến-Thanh Hương hồi còn trẻ. 

Một ngày đầu thu, đến thăm nghệ sĩ Thanh Hương, bà khoe vừa chuyển ban thờ của ông Thuận Yến xuống tầng 1 cho tiện hương khói, chứ nay bà đã sang tuổi 75, leo lên bước xuống tầng 3 để mà thắp hương cho ông Yến thì cũng mỏi lắm. Ông Yến dù mất, nhưng vẫn như người bạn tâm giao, im lặng nghe bà kể chuyện hằng ngày về đời sống âm nhạc, thơ phú, có hôm là chuyện cháu nội ở Đan Mạch gọi về, có lúc là chuyện cháu gái đầu (con gái của Thanh Lam) gọi từ Úc về tâm sự chuyện nuôi con mong Tết nhanh đến để được về thắp hương cho ông ngoại…

Nhắc đến tên ông, mà bà vẫn quen gọi là anh, nghệ sĩ đàn tam thập lục có tiếng một thời không khỏi xúc động. 5 năm nhạc sĩ Thuận Yến không may mắc bệnh quên trí nhớ, cả nhà tận tình cứu chữa, mà ông lúc nào cũng nhớ nhớ quên quên, có hôm vừa đưa ông đi ăn phở sáng, về đến nhà ông lại đòi đi ăn; cứ sáng sớm ra, ông đứng trước cửa, đưa cho bà Thanh Hương 500 đồng bảo bà đi chợ, mua cái gì ngon ngon cho các con ăn, chứ chúng nó cả ngày học đàn ở trường, vất vả lắm… Nhớ hồi ông còn làm Trưởng ban Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam, thèm cốc bia mà ông cũng không dám uống, đi làm có bao nhiêu lương, thù lao sáng tác được bài hát nào ông đều mang về đưa cho vợ để vun vén chăm lo gia đình, lo cho các con theo đuổi nghệ thuật. Sau này, khi Thanh Lam hát kiếm được nhiều tiền, mua các loại bia ngon, nhập ngoại mang đến biếu mà ông đâu còn sức để uống được. Nghệ sĩ Thanh Hương khóc kể, bởi tính ông vốn là người tiết kiệm, chẳng bao giờ phung phí tiêu gì cho riêng mình. “Thật sự từ ngày đầu biết đến nhạc sĩ Thuận Yến, cho đến khi yêu nhau và lấy nhau, đức tính giản dị, tiết kiệm và luôn lo lắng cho người khác của Thuận Yến khiến tôi càng yêu, trân trọng và quý anh ấy hơn”, NSƯT Thanh Hương bày tỏ.

Tình yêu của người nhạc sĩ tài hoa dành cho nghệ sĩ Thanh Hương đã để lại nhiều dấu ấn trong những ca khúc nổi tiếng, mà hầu hết trong đó, bà đã góp công rất nhiều, bởi trong những giai đoạn sáng tác sung sức nhất của Thuận Yến, nghệ sĩ Thanh Hương còn là nghệ sĩ ngâm thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Những bài thơ hay bà thường mang về để đọc cho Thuận Yến nghe, gợi ý ông viết nhạc và thường là người đầu tiên nghe, thẩm định ca khúc. Ví như hôm ngâm thơ ở Đài Tiếng nói Việt Nam về, có bài thơ rất hay của nhà thơ Dương Soái, về đọc lại cho ông Yến nghe, thế là mấy hôm sau ông Yến gọi bà Hương ngồi nghe ông hát “Gửi em ở cuối sông Hồng”; rồi ca khúc “Chia tay hoàng hôn” từ bài thơ “Hoàng hôn lặng lẽ” của tác giả Hoài Vũ thấm đẫm nước mắt, nghẹn ngào, hoàn cảnh người vào chiến trường, người ở hậu phương của vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến-Thanh Hương…Nhiều ca khúc của Thuận Yến phổ nhạc từ các bài thơ đã góp phần tạo tên tuổi cho các tác giả.

Nghệ sĩ Thanh Hương mỉm cười nhẹ nhàng nói: Tình yêu của chúng tôi thực sự cũng rất lãng mạn, hồi đó ở trong rừng ban ngày đi diễn cho bộ đội xem, đêm xuống chúng tôi chui vào hầm trú ẩn và thỉnh thoảng thì chúng tôi cũng tự lẻn ra ngoài, ngồi dưới những tán cây xanh mướt và không khí thì trong lành mát lạnh ngồi nắm tay nhau cùng trò chuyện. Vì vậy, nên nhạc sĩ Thuận Yến mới có cái tứ: Xa hàng cây đêm hò hẹn ta ngồi… như nhắc lại những kỷ niệm khó phai trong những ngày tháng gian khổ của cả dân tộc trong ca khúc trữ tình “Chia tay hoàng hôn”...

Có điều đặc biệt trong những sáng tác của nhạc sĩ Thuận Yến, đó là những ca khúc viết về Bác Hồ. Hầu hết những ca khúc về Bác đều do nhạc sĩ viết lời và phổ nhạc, lời bài hát thường gắn với những kỷ niệm mà Thuận Yến trải qua. Như trong ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la” có câu Bác yêu đàn cháu nhỏ trung thu gửi cho quà… lấy tứ từ một lần, hồi đó năm 1967, Thuận Yến cùng các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn văn công quân giải phóng Trị Thiên Huế vào biểu diễn phục vụ Bác. Khi mang đĩa bánh kẹo ra phát cho các nghệ sĩ sau các tiết mục biểu diễn, Thuận Yến là người đầu tiên được Bác gọi tên mà tặng cho 2 chiếc kẹo. Hai chiếc kẹo đó Thuận Yến không ăn mà gói cẩn thận để dành trong túi cho đến khi chảy cả nước mới lấy ra ăn… Những dấu ấn vô vùng giản dị nhưng cũng rất đỗi sâu sắc nằm lòng Thuận Yến, để rồi sau này ông viết nên những ca khúc để gửi tới đông đảo người yêu nhạc, có sức sống lan tỏa bền vững cho đến ngày hôm nay.

“Điều đặc biệt nữa, anh Thuận Yến chưa bao giờ giấu tôi điều gì, kể cả chuyện dở, chuyện tốt ở cơ quan, ở bạn bè, ở những sáng tác… Anh ấy là người ham chia sẻ. Nên từ ngày anh Yến ra đi, tôi hụt hẫng rất nhiều vì không có người chia sẻ”, NSƯT Thanh Hương nghẹn ngào nói.

Với số lượng ca khúc đồ sộ, dường như tình yêu lớn nhất của nhạc sĩ Thuận Yến là âm nhạc. Đồng hành với tình yêu đó là người vợ-nghệ sĩ Thanh Hương cùng sự thành công trên con đường nghệ thuật của hai con: NSƯT Thanh Lam và nhạc sĩ Trí Minh. Không thể không nhắc đến, đó là đông đảo những người yêu nhạc, sự mến mộ, khâm phục của những đồng đội, đồng nghiệp với những sáng tác để đời của ông.

CHÂU SA