“Đôi mắt” cũng đã được in trong tuyển tập kịch Việt Nam (tập III, năm 2000), được coi là tác phẩm sân khấu lưu giữ trong kho tàng văn học Việt Nam. Bên cạnh đó, Vũ Dũng Minh còn là tác giả của nhiều vở kịch khác được dựng trên sân khấu và phát trên màn ảnh nhỏ. Cả cuộc đời ông chỉ có một tâm nguyện, đó là sáng tác về người lính, coi người lính là trung tâm cho những tác phẩm nghệ thuật của mình.

Năm 2019, Nhà hát Kịch Hà Nội đã dựng lại “Đôi mắt” của nhà viết kịch Vũ Dũng Minh để tham dự Liên hoan sân khấu quốc tế tại Hàn Quốc. Với thời lượng 120 phút, vở kịch đưa người xem đến với nhiều cảm xúc, đó là tình người, tình đồng chí, đồng đội của những người lính ở nơi bom rơi đạn lạc. Đó là tình yêu đẹp của những người lính vẫn nảy nở giữa núi rừng Trường Sơn trong những thời khắc khốc liệt của chiến tranh, tất cả đều đầy lòng nhân ái, vị tha và trên tất cả là đức hy sinh cùng tính nhân văn và cao cả của con người Việt Nam.

leftcenterrightdel
Nhà viết kịch Vũ Dũng Minh trong chuyến đi thực tế tại Trường Sơn năm 1971. 

“Đôi mắt” đã đề cao tính nhân văn, cao thượng của con người Việt Nam trong chiến tranh vẫn không bao giờ cũ với công chúng Việt Nam và quốc tế. Vở kịch do đạo diễn Tuấn Hải dàn dựng với sự tham gia của các diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội: Tiến Lộc, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh, Dương Đức Quang, Thanh Tùng, Việt Dũng, Thùy Anh, Mạnh Dương, Thùy Dương, Thiện Tùng...

“Đôi mắt” được Vũ Dũng Minh viết kết hợp từ lĩnh vực chuyên môn quen thuộc của ông là y học cùng với những kiến thức thực tế ông thu lượm được trong chuyến vào Trường Sơn năm 1966 cùng các nhà thơ Chế Lan Viên, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn... Trở về ông đã chọn viết về một đề tài quen thuộc với mình từ những trải nghiệm mới ở chiến trường nóng bỏng.

Vở kịch “Đôi mắt” đã đoạt giải nhất Cuộc thi kịch bản sân khấu về đề tài thương binh liệt sĩ do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với một số cơ quan tổ chức năm 1971. Từ “Đôi mắt”, nhiều diễn viên đóng vai chính đã được đông đảo công chúng biết đến như: Mạnh Linh, Trọng Khôi, Quang Thái, Nguyệt Ánh, Thế Anh… 25 năm sau, năm 1997, chính Đoàn kịch nói Trung ương lại dựng lại "Đôi mắt" với dàn diễn viên thế hệ mới Trần Thạch, Minh Quốc, Trung Anh, Lan Hương, Quốc Khánh, Ngân Hoa, Kim Thúy... Chủ đề của “Đôi mắt” sau nhiều năm vẫn tỏa sáng và vẫn là những vấn đề của cuộc sống hôm nay.

“Đôi mắt” không phải tác phẩm sân khấu đầu tiên Vũ Dũng Minh viết có cảm hứng từ đề tài ngành y của ông. Năm 1967, khi đang công tác tại Bệnh viện 354, ông đã viết một vở kịch để đơn vị tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng Tổng cục Hậu cần. Vở kịch có tên “Một ngày chủ nhật”, là câu chuyện ở một viện quân y, nữ y tá Vân chuẩn bị đi thăm người yêu và ra mắt mẹ chồng tương lai nhưng cô đã hoãn lại trực thay cho người kế tiếp là Tâm vì cô này có chồng từ Tây Bắc về, hai người lấy nhau đã 5 năm mà chưa có con. Vì lỡ cuộc hẹn quan trọng, người yêu Vân đến tìm với thái độ bực dọc, đúng lúc đó máy bay Mỹ bắn phá, có thương binh chuyển vào viện phải truyền máu cấp cứu mà chỉ có y tá Vân cùng nhóm máu, cô đã hiến máu cứu người bệnh. Cuối cùng mọi chuyện đã được hóa giải. Sau đó là vở chèo ngắn “Ra viện” ca ngợi anh thương binh có mong muốn được ra viện sớm để về đơn vị chiến đấu. Nhưng phải đến “Đôi mắt” thì ông mới “ghi” được điểm trong giới chuyên môn và được công chúng biết đến rộng rãi.

leftcenterrightdel
Nhà hát kịch Hà Nội dựng lại vở 'Đôi mắt' năm 2019.  

Vũ Dũng Minh thuộc thế hệ các nghệ sĩ có nhiều trải nghiệm qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông sinh năm 1928 tại Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam. Nhập ngũ năm 1948, vốn là y tá Đại đội ở Đại đoàn 308 Quân Tiên phong, ông đã đi qua những năm tháng gian khó của 9 năm kháng chiến chống Pháp. Để rồi cũng đúng 9 năm sau, vợ chồng ông mới sinh đứa con thứ hai, cách con gái đầu lòng 9 tuổi.

Cả đời đi theo cách mạng, sống và chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc, trên bước đường binh nghiệp, ông đã tìm thấy niềm đam mê trong lĩnh vực sáng tác và đã sống hết mình với đam mê đó, góp phần xây dựng hình tượng đẹp về người lính, góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

NGUYỄN XUÂN THỦY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.