Thông qua những tác phẩm được vinh danh, độc giả có quyền hy vọng về những đổi thay, những bước phát triển của văn học nước nhà trong tương lai. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam về đời sống văn học trẻ hiện nay.

PV: Có ý kiến cho rằng, giới trẻ hiện nay không còn mặn mà với văn chương, xét trên cả phương diện sáng tạo và thưởng thức. Quan sát đời sống văn học trẻ, xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Sự biến đổi của đời sống xã hội ở thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thực sự quá nhanh, quá mới. Nó mở ra cho giới trẻ nhiều con đường để lập thân, lập nghiệp; tạo ra vô vàn cá tính, lối sống; nhiều hình thức để vui chơi, giải trí... Những năm 1980, 1990, trong đời sống văn hóa, sách báo nói chung được giới trẻ tìm đọc rất nhiều, trong đó sách văn chương có sức ảnh hưởng lớn. Nhà văn nổi tiếng chẳng khác nào “ngôi sao” như ca sĩ, diễn viên. Giới trẻ đua nhau chép thơ vào sổ tay, nhật ký như lưu giữ tuổi trẻ, tâm hồn của mình thật nên thơ và sang trọng. Nhưng dần dà, giới trẻ tìm đến ca nhạc, điện ảnh, báo điện tử, mạng xã hội... từ đó có phần xao nhãng văn chương. Đó là sự thay đổi quá lớn nhưng tất yếu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất. Ảnh: TRẦN HẠNH LÊ 

Song văn chương gắn bó với con người đã hàng ngàn năm với tư cách là loại hình nghệ thuật ngôn từ, có sức mạnh, ma lực khó cưỡng. Những hình thức giải trí dựa vào công nghệ không thể so sánh với văn chương ở độ sâu sắc, thâm thúy. Vậy nên, khi con người dù ở lứa tuổi nào đi nữa vẫn vẹn nguyên khao khát làm giàu có ngôn ngữ, khám phá bản thể người, hóa thân vào thế giới tưởng tượng, thì văn chương vẫn còn được ưa chuộng.

Đúng là chúng ta không có những con số khảo sát để biết giới trẻ Việt Nam hiện nay quan tâm đến văn học ra sao? Nhưng cứ nhìn việc sách văn học trong và ngoài nước vẫn in đều, vẫn bán chạy, các nhà văn trẻ vẫn công bố tác phẩm mới; rõ ràng, văn chương có thể không ở vị trí trung tâm đời sống văn hóa nhưng sức hút của văn chương với giới trẻ không đến mức phải buông lời bi quan.

PV: Lực lượng sáng tác văn học trẻ hiện có đặc trưng nào đáng chú ý, thưa ông?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Theo dõi nhiều chương trình giải trí, tôi luôn sửng sốt vì sao lại có nhiều bạn trẻ tài năng ở lĩnh vực ca nhạc, điện ảnh, có khả năng tính nhẩm hơn máy tính... Còn trong văn chương, tài năng trẻ quả là ít hơn. Nhưng khả năng sáng tạo, trình độ học vấn của các cây bút văn chương trẻ hiện nay tôi đánh giá cao. Lấy ví dụ, cây bút trẻ, dịch giả trẻ Nguyễn Bình (sinh năm 2001, con trai nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Hòa) học lớp 4 đã viết tiểu thuyết trường thiên.

Vừa rồi mới dịch toàn bộ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du sang tiếng Anh, được các nhà thơ nước ngoài đánh giá cao, được vinh danh Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất ở hạng mục văn học dịch. Không dễ để xuất hiện một người trẻ giỏi ngoại ngữ, giỏi tiếng Việt, có nền tảng văn hóa vững chắc như vậy, cần phải xem đó là một tài năng đích thực. Cá nhân tôi học ở Nga, biết tiếng Nga nhưng để làm công việc dịch văn chương như ở độ tuổi Nguyễn Bình thì tôi không làm nổi.

Nếu tác giả trẻ theo quy ước của Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra là dưới 35 tuổi, tôi e sẽ không kể hết các cây bút triển vọng. Đặc trưng của nhà văn trẻ thời nay, tôi cho rằng, họ có những nền tảng, nhiều yếu tố để có thể đi xa hơn các bậc tiền bối nếu dấn thân đến cùng với văn chương.

PV: Không hiếm nhà văn trẻ sớm nở tối tàn như đóa phù dung! Một trong những nguyên nhân đó là nhà văn ở nước ta vẫn chưa thể sống được bằng ngòi bút. Chuyện “cơm áo không đùa với khách thơ” có vẻ vẫn chưa buông tha văn sĩ trẻ phải không, thưa ông?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Định nghĩa nhà văn chuyên nghiệp là phải sống được bằng tác phẩm. Nhà văn vốn không có lương tháng nên bắt buộc phải có tài, viết tác phẩm chất lượng bán chạy; phải sống được bằng nhuận bút, từ tác quyền và các giải thưởng. Hình mẫu nhà văn chuyên nghiệp như vậy ở nước ngoài không hiếm. Ở nước ta hiện nay tôi thấy chỉ có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là xứng đáng được gọi là nhà văn chuyên nghiệp.

Môi trường văn chương hiện nay đúng là rất khó để nhà văn trẻ đam mê văn chương sống được bằng nghề. Có khi vài ba năm mới viết xong tác phẩm, nhuận bút 10% giá bìa, mà mỗi lần in khoảng 1.000-2.000 bản sách, phải dùng từ là quá “bèo bọt” để mô tả. Tôi nhớ ngày xưa, tác phẩm “Góc sân và khoảng trời” của tôi in nhiều lần, mỗi lần 50.000 bản, 100.000 bản. Rồi “Chân dung và đối thoại” tái bản mấy chục lần cũng được xem là hiện tượng xuất bản một thời. Rõ ràng, nếu tác phẩm không in số lượng lớn, chi trả nhuận bút cao, bảo vệ bản quyền nghiêm ngặt... thì rất khó để nhà văn sống được bằng nghề. Người viết văn chân chính không đặt mục tiêu tiền bạc, danh vọng làm đầu nhưng nếu có thể sống được với nghề, rồi chuyên tâm sáng tạo dẫu sao vẫn tốt hơn.

PV: Câu chuyện sau cùng của văn chương vẫn phải bàn về tác phẩm. Đọc văn trẻ hiện nay, cảm xúc của ông như thế nào?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đọc một số tác phẩm của nhà văn trẻ tôi thấy tràn ngập sự mới mẻ, trên tất cả các phương diện: Nội dung, hình thức, giọng điệu... Đã có một sự khác biệt với thế hệ đi trước, tách ra khỏi “vòng ảnh hưởng” của các bậc cha chú. Nhưng vấn đề của văn trẻ hiện nay là phong cách của các cây bút rất giống nhau, lẫn vào nhau mà ít có những gương mặt nổi trội. Văn chương phải khác nhau mới gọi là thành công. Đó là điều tôi chưa được “sướng” lắm khi đọc văn trẻ hiện nay. Cảm giác này rất khác khi tôi đọc văn chương thời chống Mỹ. Thời điểm đó, văn chương thoạt nhìn tưởng là một “dàn đồng ca” nhưng nếu đọc kỹ sẽ thấy Xuân Quỳnh khác Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn; Bằng Việt khác Lưu Quang Vũ; Phạm Tiến Duật khác Hoàng Nhuận Cầm... Văn học những năm đất nước bắt đầu đổi mới cũng vậy. Những nhà văn nổi bật và đến bây giờ đã được công nhận tài năng sau hơn 30 năm đều có phong cách riêng biệt...

PV: Có nhà phê bình nhận xét là nhà văn trẻ thường rơi vào “cái bẫy” của đề tài, chất liệu. Có đợt nổi lên đề tài đồng tính, đợt thì viết tự truyện, nhưng sau chưa đến chục năm lại ít tác phẩm đọng lại trong lòng người đọc. Ông có ý kiến gì về vấn đề này? 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Văn chương muôn đời có quy luật là không phải viết về đề tài nào, quan trọng là viết ra làm sao để cho hay. Câu chuyện này không liên quan đến tuổi tác của nhà văn. Quan trọng nhà văn phải thể hiện cá tính sáng tạo của bản thân mình. Nam Cao khi mới xuất hiện vẫn là ông cho đến khi hy sinh. Phạm Tiến Duật xuất hiện với giọng điệu độc đáo, kéo dài suốt sự nghiệp. Nó độc đáo đến mức nếu che tên tác giả đi người đọc vẫn nhận ra thơ Phạm Tiến Duật; giống như có lần ông so sánh giọng thơ với chiếc mũi khoằm mỏ quạ... rất xấu của mình, đi đâu ai cũng nhận ra. Bản thân tôi làm thơ khi còn là đứa trẻ đến bây giờ vẫn thế.

PV: Ông có lời khuyên nào với cây bút trẻ mới bước chân vào “trường văn trận bút”?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi không có lời khuyên nào cả và tôi nghĩ các bạn nhà văn trẻ không cần lời khuyên gì từ một... lão già như tôi. Còn nói để chia sẻ kinh nghiệm thì qua mấy chục năm cầm bút tôi nghĩ người viết trẻ cần chọn cho mình một lối đi khôn ngoan đó là đứng trên vai những người “khổng lồ” trong văn chương, từ đấy mà đi lên. Tôi thấy các nhà văn lớn ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều là những bác học, mà chủ yếu là tự học. Có nhiều cách học, đọc tác phẩm, đi thực tế cùng nhà văn đi trước, các đồng nghiệp cùng thời. Thời bây giờ, các nhà văn trẻ nhất thiết nên nắm chắc một ngoại ngữ để tự dịch tác phẩm, để hội nhập văn chương thế giới.

PV: Trân trọng cảm ơn nhà thơ!

TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)