QĐND - Nhiều người nhận xét rằng, hiện nay quá thiếu vắng các tác phẩm viết về người lính, trong khi đội ngũ các nhà văn mặc áo lính đang tăng lên. Vậy do đâu? Để có thể giải đáp một phần câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá, nhà văn Bùi Thanh Minh, cán bộ phòng Văn hóa Văn nghệ, Tổng cục Chính trị-người đã gắn bó với mảng văn học quân đội trong nhiều năm.

 - Được biết, anh là nhà văn am hiểu mảng văn học trong quân đội?

 -Nhiệm vụ của tôi là nắm tình hình văn học và đội ngũ nhà văn quân đội để tham mưu cho Tổng cục Chính trị và cơ quan cấp trên có chủ trương, chính sách đúng đắn, thích hợp nhằm phát triển đội ngũ nhà văn quân đội và động viên họ sáng tác nhiều hơn nữa, đặc biệt là tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang với nội dung tư tưởng tốt, giá trị nghệ thuật cao. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội và nhân dân, đóng góp vào nền văn học cách mạng.

- Hiện nay, theo anh, những nhà văn mặc áo lính có viết về người lính? Và họ viết ra sao?

-Hiện nay, nhà văn mặc áo lính, hoặc đã từng mặc áo lính đang viết nhiều và hay về người lính. Bằng chứng là Giải thưởng văn học 5 năm một lần của Bộ Quốc phòng (1999-2004) chúng ta nhận được 178 tác phẩm tiểu thuyết, trường ca, tập truyện, tập thơ… viết về đề tài người lính. 5 năm sau ( 2005-2009) chúng ta nhận được 200 tác phẩm của 200 tác giả viết về đề tài người lính gửi đến tham gia giải thưởng. Trong số những tác phẩm trên có những tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn, Giải thưởng Asean, Giải thưởng Mê-kông và các giải thưởng khác. Những tác phẩm trên hầu hết là viết về các cuộc kháng chiến vừa qua của dân tộc.

Bìa một tác phẩm của nhà văn Bùi Thanh Minh. Ảnh: Hải Đăng

Tuy vậy, vẫn cần nhiều hơn nữa những tác phẩm viết về người lính hôm nay. Những nhà văn trưởng thành từ người lính-Trước hết họ là người lính cầm súng lăn lộn trên chiến trường, thao trường rồi mới thành nhà văn. Vì thế, dù viết gì thì tác phẩm của họ vẫn nóng hổi hơi thở người chiến sĩ.

- Anh nhận thấy đội ngũ nhà văn trong quân đội có lợi thế gì? Họ đã khai thác lợi thế đó như thế nào? 

-Thứ nhất, họ hưởng lương quân hàm như những sĩ quan khác để yên tâm viết văn. Thứ hai, đó là điều quan trọng vì họ là lực lượng nhà văn có lợi thế viết hay, viết sâu về đề tài người lính. Trong chiến tranh và những năm sau chiến tranh, Tạp chí Văn nghệ Quân đội được bạn đọc yêu thích chính là ở chỗ này. Nó là một tạp chí văn nghệ không lẫn với bất cứ tạp chí văn nghệ nào...

Còn về câu: “Họ đã khai thác lợi thế đó như thế nào?” thì phải nói như thế này: Nhà văn đã từng qua trận mạc, dù họ đã về hưu, hay chuyển ngành hoặc đang tại ngũ họ vẫn cần mẫn cày xới trên cánh đồng mà họ đã đổ máu để giành chiến thắng. Nhưng những nhà văn quân đội thế hệ trẻ sau này trưởng thành trong thời kỳ đổi mới thì họ ít viết về người lính cùng thế hệ, nhất là những nhà văn không trưởng thành từ người chiến sĩ thì hầu như họ chưa viết được gì đáng kể về đề tài này. Đây là một nguy cơ “bạc áo lính” trong cơ quan, đơn vị văn học nghệ thuật, mà chúng ta cần khắc phục.

-  Để có thể khắc phục những vấn đề anh vừa nhận định, chúng ta cần quan tâm điều gì hơn cả?

- Tổng cục Chính trị đã thấy được nguyên nhân của sự thiếu vắng những tác phẩm văn học viết về người chiến sĩ hôm nay là do thiếu hụt đội ngũ nhà văn trẻ trưởng thành từ người chiến sĩ. Do vậy, từ năm 1998, Quân đội đã tổ chức các Trại bồi dưỡng sáng tác cho các cây bút có năng khiếu văn học trong quân đội. Từ những trại bồi dưỡng trên lại tuyển lựa những cây bút có nhiều triển vọng gửi đi Trường Bồi dưỡng viết văn. Và gần đây nhất, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã thu nạp một số cây bút trưởng thành từ những trại Bồi dưỡng về học Khoa Sáng tác Lý luận Phê bình Văn học hệ đại học, nhằm bổ sung kiến thức tổng hợp cho họ. Đây là một đội ngũ viết văn tương lai hùng hậu, lực lượng chủ yếu sẽ viết về người lính hôm nay. Nhưng để giữ được đội ngũ trên, biến họ từ người viết nghiệp dư thành viết chuyên nghiệp, cần phải có một cơ chế để quản lý, nâng đỡ và sử dụng những mầm non; các cơ quan, đơn vị văn học nghệ thuật cần tăng cường lực lượng này... Tôi nói ví dụ, hiện nay những cây bút đang được bồi dưỡng tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, sau khi ra trường nên được bố trí ở các cơ quan văn học nghệ thuật, báo chí để họ phát huy khả năng và trở thành cây bút chuyên nghiệp để họ viết về người lính hôm nay. Nếu trả về đơn vị để làm cán bộ quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật… thì họ khó có thể trở thành cây viết chuyên nghiệp. Chúng ta có thể đào tạo được sĩ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật…, nhưng chúng ta không thể đào tạo ra được nhà văn, nếu họ không có tư chất và một môi trường chuyên nghiệp.

- Xin cảm anh

Quỳnh Linh