QĐND -  Đó là lời nhắn nhủ của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong lễ kỷ niệm 90 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi (1925-2015) và ra mắt 1925 ấn bản đặc biệt tác phẩm “Đất rừng phương Nam”. Đây là dịp những người yêu văn chương ôn lại thân thế, sự nghiệp của nhà văn có biệt tài viết cho thiếu nhi và viết về Nam Bộ. Nhưng 26 năm trôi qua kể từ ngày nhà văn Đoàn Giỏi đi xa, dường như văn học thiếu nhi Việt Nam vẫn chưa có nhiều tác phẩm có thể “đánh thức trí tưởng tượng” của các em như tác giả “Đất rừng phương Nam” đã làm.

Nhà văn Đoàn Giỏi sinh ngày 17-5-1925 tại thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, trong một gia đình khá giả. Những năm kháng chiến chống Pháp, vốn có một tài năng thiên phú nhiều mặt, ông đã vẽ tranh, viết kịch, làm thơ, viết văn để phục vụ cách mạng. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc và chuyển hẳn sang sáng tác và biên tập sách báo.

Ấn bản đặc biệt “Đất rừng phương Nam” được xuất bản nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi.

Tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp cầm bút của Đoàn Giỏi là “Đất rừng phương Nam”. Tháng 2-1957, nhà văn Đoàn Giỏi nhận được lời đặt hàng của Hội Văn nghệ Việt Nam viết một tác phẩm về thiếu nhi Nam Bộ, thời gian viết trong 4 tháng. Do bận rộn nhiều công việc nên ông vẫn chưa động bút, cho đến tháng 5-1957, khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (lúc đó đang phụ trách việc chuẩn bị thành lập NXB Kim Đồng) gặp ông và bày tỏ mong muốn có một tác phẩm viết về miền Nam cho thiếu nhi, đồng thời nhấn mạnh thời điểm ra đời của NXB Kim Đồng vào tháng 6-1957, thì Đoàn Giỏi mới bắt đầu chấp bút. Chỉ trong một tháng, ông đã kịp hoàn tất và tác phẩm được xuất bản ngay thời điểm ra đời của NXB Kim Đồng đã thành công vượt mức mong đợi. “Đất rừng phương Nam” được đông đảo bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Để đáp ứng nhu cầu của độc giả, tác phẩm đã được tái bản rất nhiều lần, mỗi lần tái bản, nhà văn Đoàn Giỏi đều có bổ sung sửa chữa và lần hoàn chỉnh cuối cùng là bản in năm 1982, đó cũng là bản “Đất rừng phương Nam” hay nhất được in đi in lại cho đến ngày nay.

Câu chuyện ra đời của “Đất rừng phương Nam” rất đáng lưu ý, đó là Đoàn Giỏi viết kiệt tác của mình theo yêu cầu đặt hàng và thời gian hoàn thành tác phẩm rất ngắn. Rõ ràng, nhà văn Đoàn Giỏi chỉ có thể viết nhanh và hay được như vậy khi ông viết về những điều mình quen thuộc và có cảm hứng mãnh liệt. Ai từng đọc “Đất rừng phương Nam” đều biết, tác phẩm xoay quanh cuộc đời chìm nổi của cậu bé An bị lưu lạc trong chiến tranh, được người dân cưu mang, trải qua một cuộc đời chìm nổi ở vùng sông nước Nam Bộ. Nam Bộ là quê hương của tác giả, ông am tường vùng đất này, thêm vào đó là nỗi nhớ quê hương da diết, ông đã đưa vào cuốn sách những chi tiết lạ của văn hóa, thiên nhiên của vùng đất được khai phá sau cùng của người Việt. Điều này đã khiến Nam Bộ trong “Đất rừng phương Nam” trở thành một thế giới mang tính huyền thoại, phiêu lưu để bạn đọc nhí thỏa sức khám phá trong sự tưởng tượng. Và tất nhiên, không thể quên, Đoàn Giỏi cũng như bất cứ nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi thành công nào khác cũng phải thực sự hiểu thấu suy nghĩ, tâm hồn của con trẻ mới có thể diễn đạt những hành động, lời nói đồng cảm với độc giả nhỏ tuổi.

Chính sự khai mở trí tưởng tượng, tính nhân văn sâu sắc của tình người miền sông nước đậm đặc đã đưa “Đất rừng phương Nam” trở thành một trong những cuốn sách hay nhất viết về thiếu nhi của nước ta, được dịch ra nhiều thứ tiếng như: Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha… Bộ phim truyền hình “Đất phương Nam” được chuyển thể từ cuốn sách cũng được khán giả vô cùng yêu mến. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: “Đất rừng phương Nam” là một tác phẩm viết cho thiếu nhi mà lại làm say lòng cả người lớn. Và Đoàn Giỏi là một trong những nhà văn để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng các thế hệ bạn đọc ở nước ta. Ông là ví dụ đẹp đẽ cho câu nói: “Ai yêu tuổi thơ, người đó có cả thế giới”.

Hiện nay, có lẽ, chỉ có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mới có thể tạo ra những “cơn sốt” tác phẩm như “Đất rừng phương Nam”. Hiển nhiên, hoàn cảnh và môi trường sáng tạo của hai nhà văn này khác xa nhau, nhưng họ có điểm chung là say mê đề tài tuổi thơ, có tâm hồn đồng điệu với các em nhỏ và đặc biệt đều rất thích dựng lên trong tác phẩm của mình những cốt truyện phiêu lưu để kích thích trí tưởng tượng của trẻ em. “Chuyện xứ Lang Biang”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”... của Nguyễn Nhật Ánh là những tác phẩm kế thừa xuất sắc di sản “Đất rừng phương Nam” đã để lại.

Nguyễn Nhật Ánh năm nay đã tròn 60 tuổi. Nhưng sau ông, vẫn chưa thấy xuất hiện cây bút nào chung thủy với đề tài thiếu nhi. Đó là điều đáng quan ngại bởi thiếu những cuốn sách cũng giống như thiếu những “hạt giống” tốt đẹp gieo vào tâm hồn con trẻ, giúp các em trưởng thành. Những cây bút trẻ nào yêu tuổi thơ, muốn có cả thế giới, hãy cầm bút lên để văn học Việt Nam và độc giả thiếu nhi nước nhà có thêm những tác phẩm “suốt đời đi vẫn nhớ” như “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi.

Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG HOÀNG