Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện nhà thơ Hữu Thỉnh để cùng ông ôn lại những kỷ niệm thời chiến nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Mang lý tưởng cao đẹp bước vào trận chiến
Phóng viên (PV): Thưa nhà thơ Hữu Thỉnh, nhìn lại chặng đường 50 năm kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, cảm xúc trong ông hiện tại là gì?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Không chỉ riêng tôi mà tất cả những người lính từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ đều có chung một tâm trạng: Lòng bồi hồi, xao xuyến với biết bao kỷ niệm ùa về trong những ngày này. Thế hệ chúng tôi là thế hệ đã đi trọn vẹn cả cuộc chiến từ những ngày đầu cho đến lúc đất nước hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi được chứng kiến tất cả những gì xảy ra trong đời sống chiến tranh, cũng trực tiếp tham gia vào những biến động lớn lao ấy với tư cách là người lính.
 |
Nhà thơ Hữu Thỉnh đượm buồn khi nhắc về những đồng đội.
|
Ấn tượng lớn nhất trong tôi là: Cuộc chiến đấu ấy vĩ đại quá. Trong lịch sử, dân tộc ta đã từng đương đầu với những thế lực xâm lược hùng mạnh. Nhưng với mùa Xuân Đại thắng năm 1975, thì đó là chiến thắng mà tôi tin rằng càng nhìn lại, càng thấy kỳ vĩ.
Bên cạnh niềm tự hào là nỗi nhớ đồng đội da diết, đặc biệt là những người đã ngã xuống. Càng tự hào về thắng lợi vĩ đại, tôi càng thấm thía sự mất mát, hy sinh. Trong đó có cả anh trai tôi - người đã vĩnh viễn nằm lại tại Phan Thiết.
PV: Rất nhiều người lính cùng thời với ông đã gác lại cây bút để cầm súng ra chiến trường. Đó có lẽ là hình tượng rất đẹp của cả một thế hệ, thưa ông?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Đó là một hình tượng vô cùng đẹp và lớn lao của cả thế hệ chúng tôi. Khi ấy, hầu hết những chàng sinh viên đều lần lượt vào chiến trường. Tôi cũng vậy, vừa tốt nghiệp phổ thông, cầm giấy báo thi đại học trong tay nhưng quyết định nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ với đất nước. Chính lý tưởng cao đẹp ấy đã tạo nên dấu ấn riêng không thể trộn lẫn của văn học thời kỳ này.
Tôi tin rằng, thế hệ trẻ hôm nay sống trong hoàn cảnh ấy cũng sẽ có những quyết định như vậy. Tinh thần yêu nước, vì Tổ quốc mà hy sinh không chỉ tồn tại ở một thời kỳ, mà đã thấm sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ người Việt.
PV: Những tháng ngày chiến đấu đã để lại dấu ấn như thế nào trong tâm hồn thi sĩ của ông?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Chúng tôi bước vào chiến trường nhưng vô cùng lạc quan. Tôi đã nhiều lần đi B (vào chiến trường miền Nam) và tham gia nhiều chiến dịch lớn như Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Chiến dịch Khe Sanh (Quảng Trị)... Trong đó, đặc biệt là Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, khi ấy tôi làm phóng viên, theo xe tăng vào tận trận địa rồi kẹt lại ở đó. B52 thả bom hàng ngày, sự sống và cái chết vô cùng mong manh.
Nhưng không ai buồn, không ai sợ cả, mà vẫn bước đi rất nhẹ nhàng, thanh thản, như một lẽ hiển nhiên của tuổi trẻ cống hiến. Quan trọng hơn nữa là niềm tin, một niềm tin chắc chắn vào thắng lợi cuối cùng. Dù chưa biết bao giờ chiến tranh kết thúc, chưa biết bao giờ đất nước thống nhất, kẻ thù thì đông và mạnh, nhưng trong thẳm sâu, chúng tôi vẫn tin: Nhất định dân tộc mình sẽ thắng. Dù mình có ngã xuống, thì đất nước sẽ trường tồn.
Nguồn cảm hứng bất tận để tri ân, sáng tạo
PV: Chiến tranh cách mạng, người lính đã trở thành chất liệu quý giá cho các nghệ sĩ thời đó sáng tạo nên những tác phẩm để đời. Ông có những kỷ niệm như thế nào để đưa vào tác phẩm của mình?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Trong kháng chiến, văn học nghệ thuật có vai trò đặc biệt, không chỉ phản ánh chiến tranh mà còn trực tiếp tiếp sức tinh thần cho người lính, cho nhân dân. Một bài thơ được đọc lên giữa trận địa thôi cũng đủ lan tỏa tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập, ý chí dân tộc.
 |
Nhà thơ Hữu Thỉnh thời trẻ ở chiến trường. Ảnh: NVCC |
Những gì trải qua nơi chiến trường, từ bữa rau rừng, những cuộc hành quân vượt núi, từng trận bom B52, cho đến những giờ phút chiến đấu bên đồng đội đều trở thành chất liệu sống và trở thành chất liệu thi ca. Không một chi tiết nào là thừa, là nhỏ. Những điều ấy, nếu không được sống đúng, viết đúng, thì thơ về chiến tranh sẽ không còn là chiến tranh nữa. Thi ca, trước hết, phải xuất phát từ hiện thực.
Cũng vì vậy mà tôi rất trân trọng từng câu chữ, từng tác phẩm của các nhà văn cùng thế hệ mình, bởi để có được những tác phẩm ấy, họ đã đánh cược cả cuộc đời. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống như Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý…
Sự hy sinh ấy là minh chứng cao cả nhất cho trách nhiệm và lý tưởng của một người cầm bút, một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.
PV: Trường ca “Đường tới thành phố” của ông được xem là một trong những tác phẩm nổi bật tái hiện hành trình giải phóng miền Nam. Cảm hứng và quá trình sáng tác tác phẩm này đến với ông trong hoàn cảnh như thế nào?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Tôi “thai nghén” “Đường tới thành phố” ngay sau Chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi còn ở chiến trường, tôi cũng đã viết những bài thơ ngắn. Nhưng tôi biết rằng cần một thể loại tầm vóc như trường ca để khắc họa toàn cảnh đất nước ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, dẫn đến chiến thắng vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cũng phải đến khi đất nước giải phóng, tôi mới đủ vốn sống, đủ tư liệu, đủ tầm nhìn để viết nên.
Trong đó, tôi viết nhiều về những người lính ngã xuống ngay sát giờ giải phóng. Chỉ còn vài chục phút nữa là đến Dinh Độc Lập, nhưng họ đã hy sinh. Những mất mát ấy là hiện thân cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Cuộc chiến không chỉ nằm ở mặt trận, mà còn ở những đau thương lặng lẽ nơi hậu phương, nơi có những hy sinh cao cả không kém. Hình ảnh người mẹ, người vợ trong đó đều có nguyên mẫu từ chính gia đình tôi. Người mẹ quê nhà là mẹ tôi, người vợ thủy chung đợi chồng chính là chị dâu tôi.
Anh trai tôi nhập ngũ khi đã 30 tuổi, để lại quê nhà vợ và ba con nhỏ, rồi mãi mãi nằm lại ở Phan Thiết. Những lần về phép, thấy chị nhiều lần vào buồng ngồi khóc, hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi mãi.
“Hai mươi năm mong trời chóng tối/ Hai mươi năm cơm phần để nguội/ Thôi tết đừng về nữa chị tôi buồn/ Thôi đừng ai mừng tuổi chị tôi”.
Từ câu chuyện gia đình, tôi nghĩ nhiều hơn đến những người vợ miền Nam chờ chồng đi tập kết. Giữa muôn vàn áp lực, họ vẫn giữ lòng thủy chung, không chỉ với chồng, mà còn với cách mạng.
“Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc”.
Đó cũng là số phận chung của những người vợ bộ đội trong chiến tranh.
 |
Nhạc sĩ Doãn Nho và nhà thơ Hữu Thỉnh (thứ 2 và 3 từ trái qua) gặp lại những người lính xe tăng số hiệu T160 trong bài hát nổi tiếng "Năm anh em trên một chiếc xe tăng". Ảnh: NVCC
|
PV: Nhìn lại chặng đường 50 năm văn học nghệ thuật sau ngày đất nước giải phóng, ông nhận thấy điều gì nổi bật?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Suốt nửa thế kỷ qua, văn học Việt Nam đã làm được hai việc lớn: Trả nợ quá khứ và nhập cuộc đổi mới. Đối với thế hệ sáng tác thời chống Mỹ, trách nhiệm viết về chiến tranh là món nợ thiêng liêng với đồng đội, với nhân dân và với những Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Việc khắc họa chân thực về cuộc kháng chiến chống Mỹ là trách nhiệm không thể chuyển giao, chỉ thế hệ từng trải qua mới có thể làm trọn vẹn. Nếu không viết về cuộc kháng chiến mình từng sống và chiến đấu, thì coi như không hoàn thành sứ mệnh với lịch sử.
Với văn học hôm nay, trong thời bình, trách nhiệm của người cầm bút vẫn không hề nhẹ hơn. Tôi mong các nhà văn thế hệ mới tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống của văn học cách mạng. Những vấn đề như biển, đảo, biên giới hôm nay là mặt trận mới. Dù đã im tiếng súng, nhưng cuộc chiến gìn giữ chủ quyền, bảo vệ biên cương, biển đảo vẫn đang tiếp diễn từng ngày.
Hãy viết thật hay cho thời bình như một cách tiếp nối sự hy sinh của những người đã ngã xuống.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
VƯƠNG HÀ - PHẠM THỨ (thực hiện)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.