Tỉnh Kon Tum có 7 cộng đồng DTTS tại chỗ, nhưng chỉ 6 cộng đồng có nhà rông là: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm (riêng người Hrê không có nhà rông). Từ xưa đến nay, nhà rông được đặt ở giữa buôn làng, là biểu hiện sức mạnh của cộng đồng, nơi giao hòa, gửi gắm niềm tin giữa con người với các vị thần linh. Nhà rông có lối kiến trúc độc đáo với hình dáng cao sừng sững, trụ gỗ to, mái tranh cao vút, bốn bề được kết bằng tre, nứa, lồ ô... Theo thời gian, nhiều nhà rông xuống cấp nhưng do các nguyên nhân khác nhau như thiếu nguyên vật liệu nên nhà rông dần được hiện đại hóa bằng những khối bê tông cốt thép.

leftcenterrightdel
Nhà rông lợp mái tôn ở thôn Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy.

Được xây dựng từ năm 2012, nhà rông của đồng bào Giẻ Triêng ở thôn Dục Lang (xã Đăk Long, huyện Đăk Glei) mang dáng dấp của một ngôi nhà rông lạc điệu, phần mái được lợp tôn toàn bộ. Năm 2023, UBND xã đã cấp kinh phí 80 triệu đồng để dựng lại nhà rông đúng theo nguyên mẫu. Tuy nhiên, để dựng lên một nhà rông theo nguyên mẫu thì thời gian tìm nguyên vật liệu cũng phải mất từ một đến hai năm. Để bảo đảm cột không bị mối mọt thì phải dùng thân gỗ to, tốt như gỗ trắc, gỗ hương... nhưng những loại gỗ này đều rất hiếm, giá thành cao, lại không thể vào rừng để chặt vì vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Việc dựng nhà rông đòi hỏi sự góp sức của toàn thể dân làng, mỗi nhà phải cử một người ra làm công và đóng góp 3-5 lá cỏ tranh được kết thành tấm để làm phần mái, nhưng loại cỏ này hiện cũng rất hiếm, phải đi sâu vào rừng mới có thể tìm thấy. “Nhiều gia đình không muốn góp sức, góp công cùng chung tay làm nhà rông nên đã quy ra tiền để đổi, nhưng số tiền đó lại không đủ để thuê người làm, chưa kể kinh phí được hỗ trợ cũng không đủ để hoàn thiện phần chân cột”, ông A Tủ, Trưởng thôn Dục Lang trăn trở.

Bà A Thủy, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc tại tỉnh Kon Tum cho biết thêm, muốn dựng một nhà rông nguyên mẫu thì bắt buộc phải có sự hướng dẫn của những nghệ nhân trong làng chứ không phải là kiến trúc sư. Không có bất kỳ kiến trúc sư nào có thể thiết kế đúng từng chi tiết của nhà rông. Kinh nghiệm quý báu ấy chỉ được truyền lại trong dòng tộc, bản làng nhằm thể hiện vai trò của cộng đồng. Việc truyền lại cách làm nhà rông cũng gặp nhiều khó khăn. Một nhà rông được xây dựng nguyên mẫu có thể giữ gìn từ 10 đến 20 năm, trong thời gian đó, chỉ cần tu bổ những phần bị hư hỏng nếu có. Như vậy, rất khó để dạy chi tiết quá trình dựng nhà rông cho thế hệ sau nếu không được “cầm tay chỉ việc”.

Tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, thời điểm năm 2017, khi sửa chữa, cả 5 nhà rông đều được làm mái tôn, nhưng đến nay, 3/5 nhà rông đã được phục dựng về nguyên mẫu, phấn đấu đến năm 2025 sẽ không còn nhà rông lợp mái tôn trên địa bàn xã. Đồng chí A Theng, Phó chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết: “Theo nguyện vọng của dân làng khi ấy đều mong muốn dựng nhà rông mái tôn để tránh nguy cơ cháy do thời tiết nắng nóng, chưa kể nếu lợp bằng cỏ tranh thì việc sửa chữa phải thực hiện hằng năm. Cùng với đó, do mỗi thôn chỉ được hỗ trợ 40 triệu đồng để sửa chữa nhà rông, số tiền này được thôn linh động sử dụng phù hợp theo nhu cầu, nguyện vọng của dân làng”.

Có thể thấy, vướng mắc về nguyên vật liệu như thiếu gỗ, cỏ tranh... là khó khăn lớn nhất trong việc phục dựng nhà rông truyền thống. Điều này dẫn đến hàng trăm nhà rông lạc điệu, thô kệch với những khối sắt, khối bê tông nặng nề nằm giữa buôn làng. Sự thay thế này đã đánh mất nét độc đáo của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên, gián tiếp làm mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Để khắc phục tình trạng này cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành với những phương án phù hợp, đáp ứng đầy đủ yếu tố cần thiết nhằm giữ gìn và bảo tồn nhà rông trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết: “Việc kiên cố hóa nhà rông bằng bê tông, mái tôn đã xảy ra từ rất lâu, nguyên nhân được cho là vấn đề quản lý lỏng lẻo, chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của nhà rông khi thành lập các làng định cư, định canh, tái định cư, làng quy hoạch mới. Việc này đã dẫn đến nhà rông truyền thống được thay thế bằng bê tông cốt thép, mái tôn hoặc pha trộn giữa truyền thống và hiện đại như hiện nay”.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, việc khai thác, sử dụng toàn phần hoặc một phần nguyên vật liệu truyền thống sẵn có trong tự nhiên để xây dựng, sửa chữa nhà rông cần có sự quản lý chặt chẽ của cấp chính quyền, ngành chức năng liên quan, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để khai thác lâm sản trái quy định. Trong trường hợp không có nguyên vật liệu tự nhiên thì cần nghiên cứu những nguyên liệu thay thế khác bảo đảm hài hòa, đúng kiến trúc và tính truyền thống.

Về việc giải quyết, tháo gỡ vấn đề vật liệu và nguồn kinh phí, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã rà soát, tính toán mức hỗ trợ để xây dựng, sửa chữa các nhà rông; tham mưu với UBND tỉnh ban hành chủ trương, giải pháp khai thác nguyên vật liệu tự nhiên (gỗ, cỏ tranh, lá cọ, cây nứa, cây lồ ô, dây mây...) phục vụ công tác làm mới, sửa chữa nhà rông bị xuống cấp, hư hỏng nhằm bảo đảm tính truyền thống. Đồng thời, Sở cũng hướng dẫn, giám sát trong quá trình khai thác nguyên vật liệu tự nhiên theo phương châm: Khai thác bảo đảm đúng, đủ và do chính cộng đồng các dân tộc triển khai thực hiện dưới sự quản lý của cấp chính quyền, ngành chức năng liên quan, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để khai thác lâm sản sai quy định.

Đồng chí Y Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết thêm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3113/KH-UBND về “Bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các DTTS tại chỗ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025”, với mục tiêu đề ra là bảo tồn và phát huy một cách đồng bộ giá trị văn hóa nhà rông truyền thống. Nguồn kinh phí thực hiện sẽ được trích từ ngân sách (bao gồm vốn đầu tư phát triển, nguồn chi thường xuyên) theo quy định của pháp luật hiện hành cùng với các chương trình, đề án có liên quan; nguồn đóng góp và tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.