QĐND Online - Ngày 28-7, tại Hà Nội, Hội Kiều học Việt Nam và Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều”. Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015). Các nhà nghiên cứu đã trình bày 30 tham luận, tập trung khẳng định lại những giá trị nội dung và hình thức nghệ thuật bất hủ của "Truyện Kiều". Nhiều tham luận còn đề tập những yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của thời đại và các địa phương nhất là Thăng Long-Hà Nội đã có ảnh hưởng đến con người sáng tạo của Nguyễn Du cũng như kiệt tác "Truyện Kiều".
Đại thi hào Nguyễn Du quê ở Hà Tĩnh nhưng ông sinh ra, lớn lên và hấp thụ nền văn hiến Thăng Long. Với nhiều động lịch sử cuối thời vua Lê-chúa Trịnh cho đến khi qua đời, Nguyễn Du phải phiêu bạt nhiều phương trời khác nhau. Trong tâm tưởng được thể hiện trong thi ca, kinh thành Thăng Long vẫn mãi là niềm đất với những hoài niệm đẹp của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Cha và các anh cùng cha khác mẹ của Nguyễn Du đều làm đại quan triều đình, cho nên từ trong “trứng nước” Nguyễn Du đã có một cuộc sống giàu sang phú quý. Thế rồi, chiến tranh giữa các phe phái liên miên khiến Nguyễn Du phải ẩn cư ở quê vợ Thái Bình và nhiều nơi khác suốt một thời gian dài. Vì thế, theo PGS Trần Thị Bằng Thanh: “Tâm trạng Nguyễn Du nhớ Thăng Long là điều có thể giải thích dễ dàng là nỗi nhớ hoài niệm quá khứ tươi đẹp đã ra đi không bao giờ trở lại”.
 |
Không gian trưng bày về cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Du tại Bảo tàng Văn học Việt Nam |
Mỗi khi nhớ Thăng Long, Nguyễn Du chỉ gọi bằng cái cái tên tượng trưng Tràng An, chứ không nhắc đến những con người và sự việc cụ thể. Lần đầu tiên Nguyễn Du nhắc đến cái tên Tràng An là trong bài “Sơn cư mạn hứng” với những câu thơ u buồn:
"Trường An vạn dặm thẳng về Nam
Có kẻ ẩn cư giữa núi ngàn
Ngày đến cửa im mây kín lối
Xuân về vườn lạnh trúc thưa hàng
Vầng trăng gợi nhớ lòng quê thắt
Tiếng nhạn khơi buồn ngấn lệ loang
Tin tức cố hương thư chẳng đến
Các em giờ biết có bình an”
(Nguyễn Tam dịch)
Ngay từ bài thơ đầu tiên nhắc đến Tràng An-Thăng Long đã mang ý vị hoài niệm, đất kinh sư như đã là dĩ vãng, trước muôn việc bộn bề. Tiếp trong khoảng thời gian 10 năm gió bụi (1786-1795), Nguyễn Du tiếp tục hoài nhớ Thắng Long xưa, như trong bài thơ “Bát muộn”:
"Thềm ngọc mười năm bụi cát mờ,
Trăm năm thành phủ nửa tiêu sơ.
Chim sâu nhỏ bé bay cao hết,
Huyết chiến qua rồi sông núi dơ.
Binh lửa quê nhà nghìn dặm lệ,
Thân bằng dưới nến mấy hàng thư.
Cá rồng lặng lẽ đêm thu vắng,
Trăm mối u hoài khó dẹp chưa!”
(Nguyễn Thạch Giang dịch)
Dù đã đi xa, không liên lạc nhưng Nguyễn Du vẫn nuối tiếc trong hình dung một Thăng Long bị tàn phá hủy hoại, nhân tài tan tác, trời đất nhớp nhơ mà nhà nhà thơ chỉ có thể vương vấn khôn nguôi.
Trong một số bài thơ khác như “Giang đình hữu cảm” và “Ký giang bắc huyền hư tử”, thêm lần nữa, Nguyễn Du khẳng định sự thay đổi đến đau lòng của Thăng long: “Cận nhật Tràng An đại sĩ phi” (Gần đây Tràng An đã khác hẳn trước rồi).
Mãi đến năm 1813, Nguyễn Du làm chánh sứ đoàn đi sứ nhà Thanh, lần này ông được đặt chân trở lại Thăng Long. Trong bài “Thăng Long II”, Nguyễn Du viết:
"Thành mới trăng xưa bóng tỏ mờ
Thăng Long nghìn trước chốn kinh đô
Dấu xưa khuất lấp đường xe ngựa
Ðiệu mới xô bồ nhịp trúc tơ
Danh lợi mồi ngon đua cướp giựt
Bạn bằng lớp trước sống lơ thơ
Nổi chìm thế sự đừng than nữa
Mái tóc mình đây cũng bạc phơ”
(Quách Tấn dịch)
Tâm trạng Nguyễn Du trong lần trở lại khá phức tạp, có mừng vì được gặp lại người và cảnh trước đây. Một Thăng Long phồn hoa ở thế kỷ XVIII nổi tiếng ngoài khu vực đã không được gìn giữ, bồi đắp cho thịnh vượng đi mà đã trở nên tàn tạ khi kinh đô chuyển về Phú Xuân (Huế). Dinh thự hoa lệ tồn tại bao nhiêu đời người đã bị san bằng, một dải thành không xứng tầm được dựng nên. Là nhân chứng cho thời kỳ thịnh vượng lẫn điêu tàn của Thăng Long buổi giao thời, Nguyễn Du còn chứng kiến sự thay đổi đời sống người dân ở đây, nhất là những thân phận người yếu đuổi mỏng manh như người con hát họ Nguyễn trong “Long Thành cầm giả ca” nổi tiếng. Điều vĩ đại của Nguyễn Du là ông không nhìn con người khốn khổ dưới con mắt của một vị quan, bề trên mà hòa mình vào nhân quần, cùng cảm thương cho sự mất mát, sự suy vong của Thăng Long với một tư tưởng nhân đạo sâu sắc.
Cũng như Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương-những nhà thơ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, Nguyễn Du đã có rất nhiều bài thơ và câu thơ hay về Thăng Long. Ngoài những con phố, ngôi trường có tên Nguyễn Du, và không gian trưng bày về cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Du tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (275 Âu Cơ, Hà Nội), theo TS Phan Tử Phùng (Hội Kiều học Việt Nam): “Hiện nay, rất nhiều cá nhân và tổ chức đề nghị các cơ quan chức năng TP Hà Nội nên có nơi thờ tự Nguyễn Du ngay tại Hà Nội hôm nay, để nhân dân hiểu được tình cảm của Nguyễn Du với Thăng Long xưa đã trở thành bất tử. Hy vọng ước mong chính đáng này sớm trở thành hiện thực”.
Bài và ảnh: LẠI TRANG-NGUYỄN UYÊN