Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay được tổ chức trong hai ngày 28 và 29-4, tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Nhà nước cho phép nâng cấp Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ hội cấp Quốc gia, để xứng đáng với tầm vóc lịch sử và sự hy sinh to lớn của tiền nhân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu với bạn đọc những nét khái quát về lễ hội này và tiềm năng của Lý Sơn.
 |
Ông Phạm Toại Tuyền giới thiệu linh vị của Chánh đội Phạm Hữu Nhật đang được thờ tại nhà thờ thứ phái tộc Phạm Văn. |
Nguồn gốc và chức năng đội Hoàng Sa
Trong sử sách, quần đảo Hoàng Sa và đội Hoàng Sa được thể hiện trong nhiều nguồn tư liệu, đang được lưu giữ.
Lời chú Toàn tập Thiên Nam Tứ chí lộ đồ của Đỗ Bá (năm Chính Hòa thứ 7, tức năm 1686) ghi: "Bãi Cát Vàng phỏng dài 400 dặm, rộng 20 dặm, ở giữa biển khoảng từ cửa Đại Chiêm kéo đến cửa biển Quyết Mông (cửa Sa Kỳ ngày nay). Gió tây nam thuyền đi phía trong sẽ dạt lại đó. Gió đông bắc mà thuyền đi cũng bị mắc tại đây, đều bị chết đói, của cải phải bỏ lại. Mỗi năm đến tháng cuối đông (Chúa Nguyễn) đưa 18 chiếc thuyền đến đó nhặt vàng bạc".
Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn (lúc làm Hiệp trấn Thuận Hóa, 1776) ghi: "Trước Họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu tư mà ra biển, ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm rồi lĩnh bằng trở về".
 |
Bên mộ chiêu hồn Chánh đội Phạm Hữu Nhật. |
Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú cũng ghi: "Quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi, các vua đời trước đặt ra quân giữ Hoàng Sa gồm 70 người, thường là lấy người xã An Vĩnh. Hằng năm cứ đến tháng 3 nhận lệnh mang lương thực trong 6 tháng rồi dùng 5 chiếc thuyền ra khơi, đi trong 3 ngày 3 đêm thì đến đảo, đến nơi vừa canh giữ vừa đánh cá mà ăn. Vật báu ở đó rất nhiều, nên đội quân này vừa làm nhiệm vụ canh giữ vừa khai thác vật báu. Đến tháng 8 thì về cửa Eo (Thuận An) lên tâu nộp ở thành Phú Xuân". Các sách Đại Nam thực lục (tiền biên), quyển 10, Đại Nam nhất thống chí, quyển II, cũng ghi chép tương tự và còn ghi thêm rằng: "… lại đặt đội Bắc Hải, do đội Hoàng Sa kiêm quản, để đi lấy hải vật ở các đảo"...
Qua các tư liệu đã dẫn, có thể thấy, với ý thức về chủ quyền lãnh thổ, nên ngay từ khi vào trấn nhậm phương Nam, Chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa. Được thành lập chính xác vào năm nào chưa rõ, chỉ biết vào "hồi đầu bản triều", sớm nhất cũng phải vào cuối thế kỷ XVI hoặc đầu thế kỷ XVII. Và chấm dứt sứ mệnh lịch sử, có lẽ vào những năm thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta.
Các nguồn tư liệu trên cũng cho thấy, 70 suất đinh phiên chế hằng năm cho đội Hoàng Sa trước hết là của làng An Vĩnh, về sau có thêm người của làng An Hải. Hai làng An Vĩnh và An Hải nằm ở ven cửa biển Sa Kỳ, trước đây thuộc huyện Bình Sơn, đến năm Thành Thái thứ 2 (1890) một phần đất Bình Sơn được tách ra thành châu Sơn Tịnh, và đến năm 1899 mới có tên gọi là huyện Sơn Tịnh như ngày nay. Làng An Vĩnh và An Hải vào thời nhà Nguyễn bao gồm phần đất An Vĩnh, An Hải trong đất liền và An Vĩnh, An Hải ngoài đảo Cù Lao Ré (tức Lý Sơn).
Gia phả của các dòng họ và văn tế ở đình làng Lý Hải còn lưu lại cũng như những ghi chép trong sử sách, thì vào đầu thế kỷ XVI có 7 ngư dân ở làng An Vĩnh trong đất liền dùng thuyền ra đảo sinh cơ lập nghiệp gọi là thất tộc (Phạm Văn, Phạm Quang, Võ Xuân, Võ Văn, Lê, Nguyễn, Trần), lập nên phường An Vĩnh; 8 ngư dân từ làng An Hải ra chiếm phần đất phía đông lập nên phường An Hải, gọi là bát tộc (Nguyễn, Trương, Dương, Nguyễn, Nguyễn, Trần, Lê, Võ). Buổi đầu, An Vĩnh phường và An Hải phường ở Cù lao Ré trực thuộc An Vĩnh xã và An Hải xã trong vùng cửa biển Sa Kỳ. Đến ngày 11 - 2 năm Gia Long thứ 3 (1804) mới được tách ra thành 2 xã độc lập (theo đơn phường An Vĩnh xin tách ra khỏi xã An Vĩnh còn lưu tại nhà thờ họ Phạm Quang-Lý Vĩnh), và ngày 1-1-1993 hai xã này được tách riêng ra khỏi huyện Bình Sơn để thành huyện Lý Sơn.
Căn cứ vào các tư liệu trên, đội Hoàng Sa được thiết lập dưới thời chúa Nguyễn và sau này là triều Nguyễn, là người của làng An Vĩnh, An Hải trong đất liền, cả người làng An Vĩnh và An Hải ngoài Lý Sơn. Và đến đầu thế kỷ XIX trở về sau, đội Hoàng Sa chủ yếu là người An Vĩnh (nay là Lý Vĩnh) trên đảo Lý Sơn. Xác định được điều đó là nhờ một phần căn cứ vào việc vua Gia Long cử Phạm Quang Ảnh, thuộc họ dòng Phạm tại An Vĩnh - Lý Sơn, làm cai đội đội Hoàng Sa vào năm 1815. Và sau đó là Phạm Hữu Nhật, Võ Văn Khiết, Nguyễn Quang Tám...
Các tư liệu thu thập từ những nhà thờ các tộc họ: Pham Văn, Phạm Quang, Võ Văn, Mai, Nguyễn… cũng như nguồn thông tin của nhân dân trên đảo và nhân dân ở vùng cửa biển Sa Kỳ, 70 định suất đi Hoàng Sa (và sau này cả Trường Sa) được chia đều cho các tộc họ, không phân biệt tiền hiền hay hậu hiền, và theo nguyên tắc luân phiên nhau, người con trưởng phải ở nhà lo việc tế tự, người con thứ phải đăng lính. Vì thế hầu như toàn bộ các tộc họ thuộc làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn đều có người đi lính Hoàng Sa.
Đặng Trung Hội