Phóng viên (PV): Thưa ông, theo số liệu thống kê, mỗi ngày có 20 triệu người Việt Nam sử dụng MXH và 3/4 người dùng MXH tại Việt Nam nằm trong độ tuổi từ 18 đến 34. Ông suy nghĩ như thế nào về những con số này?

PGS, TS Trịnh Hòa Bình: Đây có thể là con số thống kê chưa đầy đủ nhưng không thể phủ nhận MXH là rất nhiều tiện ích. Đó là cơ may cho “thần dân thời đại mới” có cơ hội để tạo ra mối kết giao xã hội, những mối liên kết dựa trên nền tảng, thế mạnh của công nghệ thông tin. Mặt khác, con số nêu trên vẫn khẳng định sức mạnh, tính tiện ích cao, năng lực của MXH-thứ cuốn hút người trẻ tuổi rất mạnh mẽ. Trong số những người sử dụng MXH thì tỷ lệ thuộc về giới trẻ nhiều hơn. Tuy nhiên, không chỉ giới trẻ mà thực tế tất cả người sử dụng MXH đều sẽ có cơ hội biểu đạt tình cảm, quan điểm, chính kiến, tư tưởng theo nhiều chiều hướng khác nhau, có thể từ chia sẻ, đồng cảm, thậm chí đến phản ứng quá khích.

 PV: Một người trẻ không sử dụng MXH liệu có được coi là “thanh niên thời đại mới”, một “công dân toàn cầu” hay không, thưa ông?

PGS, TS Trịnh Hòa Bình: Rõ ràng nếu đứng trên bình diện xã hội đang hội nhập, giao tiếp liên cá nhân ngày một mạnh mẽ thì xem ra những người không nhập “cuộc chơi” sẽ bị thụt lùi chăng? Nhưng nói như vậy không có nghĩa rằng những người đó có lỗi vì MXH không phải là chuẩn mực duy nhất để nói rằng bạn có đồng hành cùng nhịp sống của thời đại mới hay không. Thế nhưng, tôi dám chắc rằng cùng với thời gian, những người ngại sử dụng hoặc ngại mất thời gian vào MXH cũng sẽ dần phải làm quen, phải hội nhập với MXH. Trong tương lai, MXH sẽ không là điều xa lạ với bất kỳ ai.

 Một số thanh, thiếu niên vẫn "đốt" thời gian để vào mạng xã hội (ảnh chụp lúc 22 giờ ngày 20-3, tại một quán internet ở quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: THỦY SƠN.

PV: Theo ông, mặt tích cực và mặt tiêu cực của MXH là gì?

PGS, TS Trịnh Hòa Bình: Người ta đang đam mê MXH cũng dễ hiểu vì nó có nhiều tiện ích thông minh, giúp trao đổi thông tin, biểu đạt tình cảm, quan điểm, hình ảnh, giọng nói... vượt qua giới hạn của không gian thông thường, tạo ra một không gian giao tiếp mới rất phong phú.

Nhờ sự xuất hiện của MXH mà chưa bao giờ con người trở nên tự do, cởi mở và dễ dàng trong giao tiếp đến thế. Trong chừng mực nào đó thì chúng ta thấy rằng sự tự do này song hành với sự dân chủ trong xã hội.

Tuy nhiên, mặt hạn chế là thông qua MXH, những cái tôi trái khoáy, cái tôi vị kỷ, cái tôi chơi trội, rồi những cách hành xử quá khích, vô nguyên tắc, tình trạng bất ổn của tâm lý đám đông, thậm chí tình trạng vô chính phủ... có điều kiện lây lan nhanh ra ngoài xã hội.

PV: Trong những tác động tiêu cực của MXH, điều gì khiến ông cảm thấy lo ngại nhất?

PGS, TS Trịnh Hòa Bình: Chúng ta đang sống trong một xã hội có những xung đột giữa giá trị mới và giá trị cũ. Vì thế, có rất nhiều trạng thái tâm trạng phức tạp, bất ổn. Có những nhóm xã hội lợi dụng, thông qua MXH để thực hiện những ý đồ riêng, không nhằm mục đích phát triển xã hội. Họ liên kết với nhau để dậy sóng những phong trào, tạo ra những hiện tượng tiêu cực, không lành mạnh để phủ định trật tự xã hội hiện tồn. Điều này, nếu không kịp thời theo dõi, lý giải và điều chỉnh thì sẽ gây ra những tác hại khó lường.

Tôi đặc biệt chú ý đến việc thời gian qua đã xuất hiện một số vụ thảm sát thương tâm mà thủ phạm là các sát nhân trẻ tuổi. Đây là hậu quả từ sự rối loạn, bị méo mó về các giá trị sống trong một bộ phận giới trẻ. Rất có thể, họ bị lẫn lộn giữa các giá trị thật và giá trị ảo trên MXH.

PV: Theo ông cần làm gì để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của MXH tới giới trẻ?

PGS, TS Trịnh Hòa Bình: Rõ ràng khi sử dụng MXH mọi người đều tự do, dường như không ai cản trở, giám sát việc bấm like (thích), comment (bình luận), share (chia sẻ) hay add friend (kết bạn). Thế nên hơn bao giờ hết, cần thận trọng khi đưa ra những hành xử trên MXH, bởi những động tác đó có thể diễn ra trong tích tắc nhưng có thể đưa lại các kết quả ngoài ý muốn.

Nút like đôi khi cũng đưa đến những chi tiết rất bi hài. Ví dụ, tôi quan tâm đến đám tang nhà bạn, nhưng nếu bấm like thì chẳng khác nào muốn nói: “Tôi thích đám tang nhà bạn”, như thế không ổn chút nào. Cho nên những nút bấm đó trở nên rất nhạy cảm, cho thấy được khuynh hướng thái độ, tình cảm, sự chia sẻ hay sự chống đối. Có thể, chỉ cần nhìn vào cách bấm nút like về từng vấn đề mà ta có thể cảm nhận được một con người. Nói vậy để người trẻ phải sử dụng MXH một cách thông minh. Có người ví mỗi trang cá nhân trên MXH như một bộ hồ sơ về một con người. Vì thế, chúng ta cần phải có ý thức tạo ra bộ hồ sơ tốt cho chính bản thân mình, đừng tạo ra bộ hồ sơ xấu.

PV: Phải chăng cần có định hướng trong sử dụng MXH, thưa ông?

PGS, TS Trịnh Hòa Bình: Đúng là sử dụng MXH thì cần phải có định hướng. Tuy nhiên, đừng chỉ nghĩ sự định hướng này là sự kiềm tỏa của cơ quan quản lý nhà nước, vì thực ra không dễ để kiểm soát được thiên hạ. Quan trọng là chúng ta phải tạo ra được sức đề kháng trong mỗi người dùng MXH. Chúng ta định hướng cho người trẻ nhưng không phải để tạo ra tâm lý họ bị ràng buộc tự do trên MXH. Mà định hướng ở đây là để hướng tư tưởng, tình cảm, hành động của người trẻ theo những giá trị của chân-thiện-mỹ.

PV: Xin cảm ơn ông!

HỒ THỦY TIÊN (thực hiện)