Nhập ngũ tháng 8-1967, Vũ Bình Lục hành quân vào chiến trường Khu 5 với chức vụ Tiểu đội trưởng. Vũ Bình Lục được kết nạp Đảng ở Trường Sơn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, sau đó bổ sung vào Tiểu đoàn Đặc công 406, Quân khu 5. Gắn liền với địa bàn nổi tiếng ác liệt, gian nan, bằng lòng quả cảm, không ngại gian khổ, Vũ Bình Lục được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ ngay sau trận đánh đầu tiên của đời bộ đội.
Năm 1971, Vũ Bình Lục xuất ngũ, theo học nốt chương trình phổ thông. Năm 1973, Vũ Bình Lục vào học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I và là một trong số ít sinh viên ưu tú được chọn học lớp Hán Nôm nâng cao. Tốt nghiệp đại học, Vũ Bình Lục về quê làm “anh giáo” hơn 10 năm, rồi chuyển vào Tây Nguyên làm kinh tế và dạy học. Buông tay phấn, về hưu, lại miệt mài cầm bút, để rồi đến nay ông là tác giả của nhiều tập văn, thơ, sách khảo cứu có giá trị.
|
|
Nhà văn Vũ Bình Lục (thứ ba, từ phải sang) nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2023. Ảnh: PHƯƠNG LAN
|
Vốn sống chiến trường cộng với niềm say mê lý tưởng, sự thấu hiểu tận độ và thấu cảm sâu sắc những hy sinh cực kỳ bi tráng đã giúp ông viết nên những trang văn hồi ức “Đi qua chiến tranh” (2016). “Đám cưới một linh hồn”, một bài thơ rất mực cảm động có tứ thơ đặc sắc kể về hai người yêu nhau cùng vào chiến trường, chị hy sinh, anh là thương binh. Khi đã ngoại ngũ tuần, anh vào Trường Sơn “cưới” chị: Anh cưới em/ Anh cưới một linh hồn/ Bông huệ trắng thơm tím chiều hoang vắng/ Ly rượu buồn anh tưới đẫm hoàng hôn. Đoạt giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2003-2004), bài thơ đi vào lòng người qua một tình huống éo le, xót xa mà không bi, bởi làm toát lên một phẩm chất quý giá, hy sinh quên mình và chung thủy nghĩa ân của người lính.
Có vốn Hán Nôm sâu rộng, thêm cái nghiêm ngắn của nhà giáo, cái thẩm bình tinh tế của nhà thơ, với các thao tác nghiên cứu phù hợp của nhà nghiên cứu, Vũ Bình Lục chuyên về “Giải mã kho báu văn chương” (tên bộ sách 5 quyển dày 1.600 trang) của cha ông. Làm việc như quên tuổi tác, quên đi nỗi cô đơn, trống vắng (vợ ông mất mấy năm trước), có năng lực phân tích, tính hệ thống khái quát cao, đến nay, ông có một trước tác đồ sộ, dày tới 3.000 trang khảo cứu, dịch thuật.
“Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn” (Hội Nhà văn Hà Nội trao Giải thưởng thuộc thể loại lý luận, phê bình văn học năm 2023) là một trong những công trình tiêu biểu, kỳ công thu thập, bình giải thơ chữ Hán của nhà bác học nổi tiếng. Không chỉ Lê Quý Đôn, ông khảo cứu và dịch thơ chữ Hán của hầu hết tên tuổi lớn trong văn học trung đại. Những tinh hoa văn chương được “mã hóa” vào thơ chữ Hán, đến lượt ông làm công việc “giải mã”. Đã có nhiều học giả làm việc này, nhưng tiến hành một cách hệ thống, giới thiệu xuất xứ, bối cảnh không gian-thời gian cụ thể, cung cấp điển cố, đối chiếu kỳ khu thì Vũ Bình Lục vẫn có đóng góp riêng. Bám sát câu chữ bản phiên âm để lột tả thần thái tư tưởng về nội dung rồi được Việt hóa về hình thức (thường bằng cách chuyển sang thể lục bát) nên bản dịch thơ của ông uyển chuyển, dễ thuộc, dễ nhớ. Tiêu biểu ở chùm bài miêu tả hồ Động Đình (khi Lê Quý Đôn đi sứ) được dịch khá nhuần nhụy mà vẫn có cái khí vị của không gian cổ xưa: Sóng lấp lánh, khói sương mờ/ Bốn phương xanh biếc, cảnh thơ diệu kỳ/ “Nhà vàng hiên ngọc” ai ghi/ Nam Minh cõi ấy, phải chi ao trời.
“Vừa đi vừa nghĩ” (2024) dày 1.056 trang, là cuốn sách mới nhất tập hợp 143 tiểu luận suy ngẫm về những hiện tượng văn học, văn hóa cổ. Có những vấn đề được đặt ra, có thể mới ở dạng giả thuyết nhưng mang tính gợi mở cao, kích thích sự tìm hiểu, nghiên cứu, phản biện. Ví như ở bài “Ẩn số sau sách sử”, qua sự đối chiếu nhiều tài liệu, ông phát hiện có những cuốn sử (kể cả “Đại Việt sử ký toàn thư”) bị ghi sai ngày tháng, sự kiện, chi tiết. Theo cứ liệu và lập luận của mình, tác giả đề nghị cách hiểu mới. Vấn đề cần được thẩm định từ nhiều hướng, nhiều chuyên gia, đóng góp ở Vũ Bình Lục là sự lật lại vấn đề với một chính kiến khoa học đáng quý.
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.