Ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều liền tổ chức triển lãm tranh cá nhân đầu tiên. Có vẻ như đó là lý do để cắt nghĩa triển lãm tranh quá đông người xem, dường như ai cũng tò mò xem tranh của một nhà thơ nổi tiếng như thế nào? Tâm trạng sau khi xem tranh thật khác nhau: Có người mê mẩn, có người băn khoăn khó hiểu... Song, rất nhiều người nhận ra thơ và tranh Nguyễn Quang Thiều có nhiều tương đồng.

Thơ ca và mỹ thuật có rất nhiều điểm chung, đều kiến tạo thế giới hình ảnh, một bên sử dụng ngôn từ, một bên sử dụng màu sắc. Chẳng thế mà nhiều trường phái văn hóa nghệ thuật đều xuất hiện trong thơ và họa như: Ấn tượng, tượng trưng, siêu thực, trừu tượng... Và chuyện một nghệ sĩ vừa viết thơ và vẽ tranh là chuyện hết sức bình thường. Thậm chí, có những bức tranh, Nguyễn Quang Thiều còn chép những câu thơ, những đoạn thơ và cả bài thơ. Tất nhiên không phải là để quảng bá thơ, mà chữ trở thành một phần bức tranh, thay thế một mảng màu, một khối, đường nét.

 Công chúng tham quan triển lãm tranh “Người thổi sáo”.Ảnh: NHẬT BẮC. 

Tranh của Nguyễn Quang Thiều cũng như thơ của ông, công chúng cần phải ít nhiều tìm hiểu về nghệ thuật nói chung, nhất là các trào lưu nghệ thuật hiện đại ra đời từ thế kỷ XX đến nay mới có thể cảm nhận được. Cần nhấn mạnh đến vấn đề “cảm nhận” chứ không phải là hiểu rõ. Thơ hay tranh theo lối hiện thực rõ mồn một, mô phỏng lại thế giới theo kiểu sao chụp, người xem có thể hiểu được ngay. Tranh của Nguyễn Quang Thiều không mô tả lại hiện thực rõ ràng, mà là những lát cắt của tâm trạng, ký ức thoáng qua vốn không đầy đủ và rõ nét. Đó là những dấu hiệu nhận biết của trường phái nghệ thuật tượng trưng và siêu thực. Thế nên khi xem tranh của Nguyễn Quang Thiều, người xem không nên cố tìm kiếm nhà thơ đang vẽ gì để hiểu, mà nên lặng ngắm hồi lâu, dùng trực giác để suy tưởng và cảm nhận.

Có lẽ nhận ra tranh của mình gây khó hiểu cho đại chúng nên trên trang facebook cá nhân, nhà thơ thỉnh thoảng lý giải về “nghĩa” của bức tranh. Chẳng hạn, giải đáp thắc mắc của một số người xem vì sao trong tranh của mình hay vẽ bình gốm? Ông lấy ví dụ một bức tranh vẽ một người và ba bình gốm phía sau. Ba bình gốm đó đựng nước, hạt giống và... đựng chữ. Theo ông, con người có ba thứ đó có thể dựng lên một con đường, một nền văn hóa và một thế giới. Khi nhà thơ lý giải, người xem mới hiểu được thâm ý của tác giả. Nhưng với công chúng quan tâm, hiểu biết về nghệ thuật, không nhất thiết cần phải hiểu rõ những bình gốm đó đựng gì. Chỉ cần cảm nhận ba chiếc bình gốm đó rất quan trọng với con người, chứa đựng những điều quan trọng và bí ẩn. Người xem hoàn toàn liên tưởng tự do, đồng sáng tạo với người vẽ, tự cấp nghĩa cho bình gốm đang chứa gì, như ký ức chẳng hạn!

Nguyễn Quang Thiều đến với hội họa một cách ngẫu nhiên, ông thử vẽ trên những bức toan một người bạn gửi nhờ. “Cuộc chơi” hội họa của Nguyễn Quang Thiều cũng như bao điều khác ông làm: Chơi đấy nhưng rất hết mình. Đó là phẩm chất của một nghệ sĩ sáng tạo, luôn cố gắng để lại cho đời những thành quả lao động nghệ thuật chân chính.

TRẦN HOÀNG HOÀNG