Ngôi đền nằm trên đỉnh núi Pu Quái ở bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Đền Chín Gian có kết cấu của một nhà sàn truyền thống và các phòng là những gian thờ trời, các vị thần và những tù trưởng có công xây dựng bản mường.

Nhìn bề ngoài, ngôi đền cũng giống một ngôi nhà sàn của người Thái. Tuy nhiên, thay vì những phòng, buồng sinh hoạt, bên trong ngôi nhà là 9 gian thờ tượng trưng cho 9 mường người Thái ở các huyện Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp. Đặc biệt, trước đền là 9 con trâu được đúc bằng đá. Trâu từng là vật hiến tế của những mường người Thái cho thần linh vào ngày lễ hội.

 Những trò chơi dân gian trong phần hội đền Chín Gian.

Tương truyền, đền được dựng lên từ thế kỷ 14. Đền làm bằng gỗ nên qua thời gian bị hư hỏng nhiều, người Thái thường xuyên tu bổ lại đền. Năm 1927, ông Sầm Văn Lá, một vị quan phủ người Thái cai quản một vùng rộng lớn phía tây bắc Nghệ An đã góp công dựng lại đền. Qua gần trăm năm, ngôi đền có một số lần trùng tu nhưng vẫn giữ được kiến trúc xưa cũ.

Ngôi đền có diện tích 138m2, có một con đường với 164 bậc đá xanh dẫn lên đền. Trên đường đi từ bến nước Tắm Trâu dưới chân núi lên đền, còn có hai công trình nhỏ là am thổ thần và am nghỉ chân. Theo những người cao tuổi ở địa phương, sau năm 1945, có một thời gian dài đền bị bỏ hoang và xuống cấp trầm trọng. Đến năm 2005, đền được trùng tu dựa trên những kết cấu còn sót lại.

Lễ hội đền Chín Gian diễn ra từ ngày 14 đến 16-2 âm lịch. Sau một thời gian dài bị gián đoạn, lễ hội được khôi phục vào năm 2004 và từ năm 2006 được tổ chức hằng năm, trong đó sau 3 năm lại được tiến hành một cách quy mô theo thông lệ cổ xưa.

Theo những bậc cao niên kể lại thì trong truyền thống, Lễ hội đền Chín Gian cũng nằm trong một loạt lễ hội cầu mùa thường diễn ra trước, trong và sau vụ thu hoạch lúa rẫy. Sau 3 năm vào giữa tháng 8 âm lịch, các mường lại dẫn trâu đến hiến tế gọi là lễ lớn. Tuy nhiên, ngày nay, kể từ khi được phục dựng, Lễ hội đền Chín Gian đã ít nhiều mang màu sắc của các lễ hội Bắc Bộ như lễ khai quang, yết cáo, đại tế, lễ tạ... Dẫu vậy thì tục tắm trâu và hiến trâu vẫn được duy trì. Nghi thức này được thực hiện vào buổi sáng ngày chính lễ (15-2 âm lịch). Một con trâu trên mình khoác vải thổ cẩm được đoàn người rước từ sân xuống bến Tắm Trâu. Sau nghi thức tắm, trâu lại được rước lên và hiến tế để lấy thịt cúng thần. Thịt trâu sau khi cúng thần thì được bày mâm, biện cỗ mời khách dự hội.

Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội đền Chín Gian là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chính quyền huyện Quế Phong chỉ tổ chức phần lễ, còn phần hội đang tạm dừng.

Bài và ảnh: HỮU VI