QĐND Online- Được biết đến là loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo, tuồng (tức hát bộ, còn gọi là hát bội hay luông tuồng) từng có một thời kỳ hoàng kim với những vở diễn được đông đảo khán giả đón xem. Tuy nhiên, cùng chung số phận với những loại hình nghệ thuật khác như: Ca trù, chèo, cải lương… tuồng đang đứng trước nguy cơ mai một khi khán giả ngày một “xa” rạp diễn…

Khó khăn trăm bề

Được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc, đến cuối thế kỷ XVIII, tuồng đã phát triển một cách hoàn chỉnh từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn, có vị trí quan trọng trong sinh hoạt văn nghệ ở cung đình, thậm chí trở thành quốc kịch dưới triều vua Tự Đức.

Tuy nhiên, sau khoảng thời gian phát triển mạnh mẽ, nghệ thuật tuồng dần dần bị mai một. Tại hội thảo khoa học “Nghệ thuật Tuồng trong đời sống văn hóa hiện nay” tổ chức hồi cuối tháng 7-2012, các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ gắn bó tâm huyết với nghệ thuật tuồng đã nêu ra những khó khăn của tuồng trong thời đại mới.

NSND Lê Đức Thọ cho biết, một trong những khó khăn trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng trong thời kỳ mới là công tác phục hồi các vở tuồng truyền thống cần sự đầu tư tốn kém.

Bên cạnh đó, do đặc thù ngôn ngữ nghệ thuật, kịch bản tuồng thường sáng tác theo lối văn biền ngẫu, cùng với khó khăn về kinh phí, hoạt động sáng tác kịch bản tuồng chưa thể phát triển được

Không những thế, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên tuồng ngày càng ít đi. Do không được đảm bảo về chế độ, nhiều nghệ sĩ, diễn viên tuồng dù yêu nghề vẫn phải ngậm ngùi dứt nghiệp để lo cuộc sống mưu sinh. Trong khi đó, đội ngũ nghệ sĩ trẻ lại chưa đáp ứng được nhiều yêu cầu khắt khe khi diễn những vở tuồng khó.

Ảnh minh họa: Internet.

Muốn có một vở tuồng hay, khâu đào tạo nghệ sĩ rõ ràng là vô cùng quan trọng. Ngày 3-12, tại Đà Nẵng, Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức khai giảng lớp tập huấn diễn viên, nhạc công tuồng chuyên nghiệp toàn quốc 2012 với mong muốn những tinh hoa của nghệ thuật tuồng truyền thống cộng với sức sáng tạo của tuổi trẻ sẽ được các diễn viên phát huy để đưa nghệ thuật tuồng đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Đây có thể coi là một bước tiến trong việc lưu giữ và phát triển nghệ thuật tuồng của dân tộc. Tuy nhiên, muốn xây dựng một đội ngũ nghệ sĩ tuồng có chất lượng, tâm huyết và yêu nghề thì không thể chỉ qua một lớp tập huấn là có thể giải quyết được bài toán khó này.

Khán giả trẻ không hiểu tuồng là gì?

Đó là một thực trạng đáng buồn đối với sân khấu tuồng ở Việt Nam. Hầu hết, các khán giả ở độ tuổi thanh niên đều không có chút kiến thức cơ bản nào về nghệ thuật tuồng dẫn đến không mặn mà với sân khấu tuồng. Có những đêm diễn tuồng, lượng khán giả ở các rạp chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “khủng hoảng” khán giả ở sân khấu tuồng bao gồm cả yếu tố chủ quan và khách quan.

Trong đó, yếu tố chủ quan nằm ở chính chất lượng của các vở tuồng. Nhiều vở tuồng mang tính cổ điển, khuôn mẫu của chế độ phong kiến đã không còn phù hợp với nhu cầu thẩm mĩ hiện nay của khán giả.

Còn nguyên nhân khách quan dễ nhận thấy là sự phát triển của nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí đa dạng, hấp dẫn đã khiến nhiều khán giả không quan tâm đến những loại hình nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, chèo, cải lương…

Không những thế, tuồng là một loại hình nghệ thuật đòi hỏi người xem phải trang bị những kiến thức nghệ thuật nhất định mới có được năng lực cảm nhận cái hay, cái đẹp. Phải hiểu ngôn ngữ tuồng, khán giả mới có thể hiểu hết được những sắc thái mà diễn viên tuồng biểu diễn cũng như nội dung của vở tuồng. Chính vì thế, nhiều khán giả dù có ý định tiếp cận với nghệ thuật tuồng cũng đành ngậm ngùi khi sau vài lần thưởng thức các vở diễn tuồng mà không thể hiểu được ý nghĩa của các vở diễn này.

Rõ ràng, để tìm hướng bảo tồn và phát huy những giá trị của nghệ thuật tuồng, những người làm công tác bảo tồn cũng như những nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật tuồng đang gặp khó từ trong ra ngoài.

Muốn khắc phục những cái khó ấy, không có cách nào khác ngoài việc làm tốt hơn nữa công tác đào tạo nghệ sĩ trẻ, đổi mới tuồng, và tìm cách quảng bá, giới thiệu nghệ thuật tuồng đến đại chúng, kéo khán giả đến gần hơn với sân khấu tuồng.

THU THỦY