Đây là tin vui cho những người thực hành tín ngưỡng đạo Mẫu nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Vậy “Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ” được thực hành như thế nào? và nghệ thuật hát văn, hầu đồng có vai trò ra sao trong tín ngưỡng thờ Mẫu?
Đạo Mẫu, từ bao đời nay là tín ngưỡng riêng của người Việt, có vai trò, vị trí đặc biệt, đáp ứng nhu cầu, khát vọng trong đời sống thường nhật của một dân tộc sinh ra và phát triển trong nền văn minh lúa nước. Đạo Mẫu, về nghi lễ là thờ các vị Thánh và Thánh Mẫu, được sinh ra từ ước vọng của nhân dân, mong cho mưa thuận, gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là cách con người tôn thờ và giao tiếp với thần linh, tổ tiên của mình thông qua việc nhập thể linh hồn trong trạng thái tâm linh. Quãng thời gian cùng các nghi thức dành riêng cho việc nhập thể linh hồn được gọi là nghi lễ Hầu Đồng.
Các cung Văn tại một buổi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
Dân gian truyền lại có 36 giá đồng, mỗi giá đồng thể hiện một nhân vật cụ thể, với tên tuổi và tính cách khác nhau. Như giá các Đức Ông thì phải oai phong, lẫm liệt, múa kiếm, bắn cung; giá các Cô Bé thì phải điệu đàng, duyên dáng; giá các Cậu thì nhí nhảnh, nghịch ngợm... Trong khi hầu đồng, người được nhập đồng múa các điệu theo tính cách của từng giá đồng, còn ở dưới văn tấu lên theo làn điệu chầu văn, lời ca mô tả nhân vật của giá đồng, tả quang cảnh nhân vật xuất hiện, kể sự tích và công đức của các Thánh. Giai điệu và tiếng hát chầu văn lảnh lót, mê đắm lòng người. Toàn bộ phần diễn xướng khiến người xem như lạc vào thế giới siêu nhiên của các vị Thánh.
Trang phục tương ứng với 36 giá đồng rất phong phú nhưng có quy định chặt chẽ. Căn cứ vào xuất xứ và tích truyện về mỗi vị mà trang phục có kiểu cách, màu sắc và phục sức khác nhau. Có vị xuất tích từ miền Nhạc phủ (rừng xanh) như Cô Bé Thượng Ngàn mặc trang phục của người dân tộc, trong khi Cô Đôi Cam Đường lại mặc trang phục áo tứ thân, đeo quang gánh của phụ nữ người Kinh. Trang phục của các giá Chầu Bà thường rất đẹp vì đó là hóa thân của các Mẫu. Trang phục của các giá Quan Lớn, Quan Hoàng lại vô cùng uy nghi, giống trang phục các vị quan trong triều đại phong kiến.
Ngoài trang phục thì trang sức và các vật dụng đi kèm như quạt, khăn đội đầu, mũ, hài cũng được gia công rất tinh xảo, được chế tác đẹp và cầu kỳ từ các chất liệu như bạc, đá mầu và ngọc… Trang phục, trang sức đẹp góp phần làm cho người thể nhập “bóng Thánh” những người tham dự nghi lễ phấn khích, hào hứng hơn. PGS-TS Từ Thị Loan, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng “Trang phục của nghi thức hầu đồng cho thấy sự đa dạng, phong phú, tính thẩm mỹ cao trong trang phục của người Việt”.
Khác với sự ai oán, trầm lắng trong Ca Trù, Chầu Văn luôn tạo ra một không khí tươi vui, háo hức. Người hầu đồng có "thăng, thoát" hay không phụ thuộc rất nhiều vào cung văn. Từ giọng mời thánh với tiết tấu nhanh, gấp gáp đến giọng Văn Hầu để ca ngợi công đức hay sự tích các Thánh, tiếp đến là hát Dọc với giọng dồn dập, tưng bừng để kích thích khả năng “thăng, thoát” của người hầu đồng. Khi người hầu đồng đã nhập vai các Thánh và “làm việc Thánh” thì chuyển Điệu Còn, là điệu thức cao hơn Dọc một cung bậc. Các nhạc cụ trong Chầu Văn mang đến âm thanh rộn rã thì nhịp điệu của hát Văn cũng rất độc đáo và vui tươi. Các điệu hát khi thì hào sảng với các chiến tích lẫy lừng của các Quan Lớn, Quan Hoàng, khi lại ríu rít, quấn quýt như tiếng chim rừng trong giá hàng Cô. Ông Lưu Hải Trường, một thanh đồng ở TP Nam Định, người đã tích cực đóng góp biểu diễn các giá đồng để làm hồ sơ trình UNESCO cho biết, “ Hầu đồng không phải là hình thức mê tín dị đoan mà thực chất nó như là một môn nghệ thuật, mang nét đẹp văn hóa tâm linh. Người nhập đồng cũng cần phải “phiêu” theo nhịp trống phách, nhịp điệu hát văn, và không khí cổ vũ của mọi người”
Ba mươi sáu giá đồng sẽ tương ứng với ba mươi sáu vũ điệu để diễn tả lại tính cách, cuộc đời của từng vị Thánh. Khi thì người hầu đồng hóa thân thành một vị quan lớn oai vệ uy nghiêm, khi lại hóa thân thành một cô gái tung tăng nhảy múa. Giá Quan Lớn thường có các điệu múa cờ, múa kiếm, long đao, kích… Giá của các Chầu Bà thì múa quạt, múa mồi,... Giá Ông Hoàng có múa khăn, múa tấu, múa cờ… đẹp mắt và được yêu thích nhất là giá các Cô với vẻ nhí nhảnh , duyên dáng, tuơi vui … Giá các Cậu lại rất được hưởng ứng, hân hoan vì sự tinh nghịch. Nghi lễ hầu đồng diễn ra theo thứ tự Thánh giáng, từ cao đến thấp, nên các điệu múa cũng đi từ sự uy nghi tới uyển chuyển, sang tươi vui, nhí nhảnh. Những người tham dự nghi lễ càng tham gia càng hào hứng, say mê. Ở đó họ tìm thấy sự thư thái, chan hòa trong những giá trị văn hóa, đạo đức và tinh thần.
Không bàn về thế giới hư vô sau khi chết, đạo Mẫu quan tâm đến đời sống hiện thực của con người là sức khỏe, tài lộc và may mắn, đó chính là sức hút của đạo Mẫu, làm cho đạo Mẫu khác với tất cả các tôn giáo khác. Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ Mẫu còn thể hiện ý thức nhân sinh, cội nguồn, dân tộc, đồng thời hướng tới lòng từ bi, bác ái, tinh thần cộng đồng, khuyến thiện của người Việt. Việc Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại. Tuy nhiên, để Tín ngưỡng thờ Mẫu được gìn giữ và phát huy đúng với giá trị văn hóa, để nó không bị pha tạp, không bị lợi dụng, rất cần có những giải pháp cụ thể, lấy vai trò cộng đồng làm chủ công nhưng cũng không thể thiếu sự can thiệp tích cực từ những chính sách và pháp luật.
Bài, ảnh: PHẠM TUYẾT