Các khán giả nhí đã vô cùng hào hứng khi gặp lại nhiều nhân vật thân quen trong truyện dân gian, cổ tích... với hình hài và màu sắc rất mới mẻ.

Qua đó để thấy rằng, dù ngày nay, các phương tiện giải trí rất đa dạng, phong phú và hiện đại nhưng khán giả nhí chưa bao giờ quay lưng với sân khấu. Điều quan trọng là đội ngũ sáng tạo đủ hiểu trẻ em muốn gì, đủ tài năng để sáng tạo ra những điều trẻ muốn và đủ để tạo nên vở diễn hấp dẫn cho trẻ em hay chưa.

Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Cao Ngọc Ánh, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Lâu nay, vấn đề kịch bản cho thiếu nhi tương đối khó vì ít tác giả viết cho trẻ em. Gần đây, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã phát động cuộc thi sáng tác kịch bản cho trẻ em và đã giúp Nhà hát tìm được một số kịch bản phù hợp, thậm chí chúng tôi đã kịp thời đưa vào kế hoạch dàn dựng năm 2024.

leftcenterrightdel
NSƯT Cao Ngọc Ánh. Ảnh do nhân vật cung cấp

Bên cạnh đó, chúng tôi xây dựng mô hình “Sân khấu hóa các tác phẩm văn học” dành riêng cho thanh thiếu niên, nhi đồng tại Nhà hát. Thông qua hoạt động này, các em được giao lưu, trao đổi trực tiếp với các nhà chuyên môn, nghệ sĩ yêu thích; đồng thời giúp học sinh vận dụng các kiến thức văn học vào thực tế, đưa văn học tới gần hơn với đời sống, giúp nâng cao hiệu quả giáo dục sáng tạo, phát triển năng lực tư duy.

Đan xen trong buổi thưởng thức nghệ thuật là chương trình talkshow thú vị trao đổi với các chuyên gia khách mời về phương pháp phân tích nhân vật, nội dung vở diễn liên hệ thực tiễn với các bài giảng trên học đường của nhà trường. Sự cộng hưởng giữa diễn xuất của diễn viên và cảm xúc của các em trong vai trò vừa là khán giả, vừa là đối tượng tương tác với nghệ sĩ diễn xuất cùng những yếu tố hỗ trợ khác của sân khấu hình thành không khí sân khấu học đường-sân khấu hóa các tác phẩm văn học tiêu biểu, một món ăn tinh thần mới cho các em nhằm thu hút thêm các khán giả trẻ. 

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Trung Hiếu. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội: Thời gian qua, các tác phẩm sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng chú trọng quá nhiều đến tính giải trí. Những bài học lồng ghép trong tác phẩm còn gượng ép và chưa thiết thực, dẫn đến việc chưa phát huy được hết tác dụng và vai trò quan trọng trong việc giáo dục, định hướng nhân cách, tình yêu nước và sự hiểu biết về văn hóa dân tộc.

Sân khấu dựng cho người lớn nhiều vở diễn về lịch sử, lãnh tụ, cách mạng, danh nhân văn hóa... nhưng sân khấu thiếu nhi thì hơi hiếm. Chưa kể, khán giả nhí cũng chỉ chủ yếu đi xem sân khấu vào dịp Tết Trung thu và Ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6) mà chưa có lịch biểu diễn cố định hằng tuần.

Bởi lẽ đó mà cơ hội được tiếp cận các loại hình sân khấu của khán giả nhí chưa cao, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Chính vì vậy, các con cũng ít có cơ hội được chủ động lựa chọn sân khấu. Nhà hát Kịch Hà Nội nhiều năm nay đẩy mạnh hoạt động đưa sân khấu vào trường học, đây là dự án được Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội triển khai tới các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của thành phố. Điều này khá phù hợp với việc các trường học cũng đang đẩy mạnh hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học hoặc các hoạt động ngoại khóa-đưa học sinh đến sân khấu cũng diễn ra đều đặn hơn.

Đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh: Sân khấu thiếu nhi hiện có những vở khai thác tiếng cười nhưng chưa tốt, chưa phù hợp. Chẳng hạn, nhiều vở diễn cho thiếu nhi nhưng diễn viên lại thoại những lời nói ngoài đường phố nhằm mang lại tiếng cười cho trẻ em.

Sân khấu ở TP Hồ Chí Minh lâu nay vẫn quan tâm và làm cho thiếu nhi, nhiều vở “cháy vé” với số lượng suất diễn lên tới cả trăm buổi, nhưng hầu hết là kịch nói mà thiếu đi các vở diễn sân khấu truyền thống như dân ca kịch, cải lương-bản sắc truyền thống của phía Nam. Hè năm nay, khán giả nhí ở TP Hồ Chí Minh có 5, 6 vở xiếc, kịch thiếu nhi, trong khi cải lương thiếu nhi chỉ có một vở “Lá cờ thêu 6 chữ vàng”.

leftcenterrightdel
 Đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt. Ảnh do nhân vật cung cấp

Phải chăng thiếu nhi chưa đủ kiên nhẫn để xem cải lương? Nhưng nhìn lại, vấn đề vướng mắc với việc dựng vở sân khấu truyền thống là tiền. Đầu tư làm một sân khấu truyền thống luôn tốn kém hơn vở kịch thông thường, thế nhưng giá vé bán cho trẻ em thì không thể cao (thông thường giá vé từ 200.000 đến 300.000 đồng). Nghĩa là làm cải lương cho thiếu nhi phải đau đầu tính toán việc thu hồi vốn, đó là nguyên do không nhiều sân khấu mạo hiểm làm vở.

leftcenterrightdel
 Diễn viên Duy Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp

Diễn viên Duy Nam (đoạt Huy chương Vàng vai diễn chú Cuội trong vở kịch “Giải cứu mặt trăng” tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất, năm 2024): Vai chú Cuội trong vở diễn là một vai đúng với sở trường của tôi. Dù đã hơn 30 tuổi nhưng tôi thấy vai diễn vẫn gần gũi với mình, bởi những vai diễn vừa hài hước, vừa hoạt náo là "chất" diễn của tôi. Tôi luôn mong muốn có nhiều kịch bản, vở diễn và nhiều sân khấu dựng vở cho thiếu nhi. Mỗi khi tôi được hóa thân vào các vai diễn trong vở cho thiếu nhi đều thấy các em rất háo hức đón xem. Sân khấu nói chung và sân khấu cho thiếu nhi nói riêng nếu biết cách khai thác, truyền thông tốt thì các em nhỏ cũng rất thích xem.

Bản thân tôi khi tham gia vào các vai diễn, dù nội dung dành cho người lớn hay trẻ nhỏ thì vẫn nỗ lực đóng góp cho việc giới thiệu, quảng bá vở diễn, hình ảnh trên trang Facebook cá nhân của mình; thậm chí sẵn sàng tiếp thị bán vé giúp nhà sản xuất, đơn vị dựng vở nếu khán giả có nhu cầu mua vé. Tôi nghĩ phát triển nghệ thuật sân khấu ngoài đam mê, cống hiến, sáng tạo còn là trách nhiệm của mỗi nghệ sĩ, diễn viên chung tay góp sức.

CHÂU XUYÊN (thực hiện)

 *Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.