Trong bối cảnh hoạt động nghệ thuật gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

leftcenterrightdel
NSND Trịnh Thúy Mùi. 

Phóng viên (PV): Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới nghệ thuật biểu diễn, nghệ sĩ sân khấu, thậm chí không tránh khỏi mất mát khi có khá nhiều nghệ sĩ nhiễm dịch và không thể qua khỏi. Hội Nghệ sĩ Sân khấu đã có những hoạt động gì để hỗ trợ cũng như cổ vũ tinh thần nghệ sĩ?

NSND Trịnh Thúy Mùi: Dịch bệnh đã khiến cho nghệ thuật biểu diễn và nghệ sĩ gặp rất nhiều khó khăn, buộc phải dừng, hoãn các chương trình. Đời sống của nhiều nghệ sĩ lâm vào tình cảnh khó khăn, nhất là gần 3.000 nghệ sĩ trong tâm dịch TP Hồ Chí Minh. Các nghệ sĩ nơi đây không có văn hóa tích lũy nên khi dịch đến không có sự chuẩn bị, nhiều nghệ sĩ cũng bị nhiễm Covid-19. Mà khi nói đến nghệ sĩ, tính tự trọng nghề nghiệp rất cao nên dù họ không may bị nhiễm bệnh cũng không muốn nhiều người biết đến. Gặp khó khăn trong đời sống, nhiều người cũng không muốn chìa tay để nhận sự ủng hộ hay cứu trợ. Đồng cảm với những vất vả, khó khăn, trong thời gian qua, các hội viên người ít, người nhiều, tận dụng mối quan hệ với các nhà hảo tâm để quyên góp ủng hộ các nghệ sĩ. Tuy nhiên cũng không đáng kể.

leftcenterrightdel
 Cảnh trong vở diễn "Chén thuốc độc" dàn dựng kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam. Ảnh: CAO NGỌC

Đầu tháng 10 vừa qua, được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, hội đã tổ chức trao Giải thưởng các tác phẩm về đề tài phòng, chống dịch Covid-19. Ban tổ chức rất bất ngờ, bởi sau hai tháng phát động đã thu hút hơn 200 tác phẩm dự thi, xúc động hơn là có rất nhiều tác phẩm được các nghệ sĩ từ trong tâm dịch gửi tới. Các tác phẩm đều có sự đầu tư về chuyên môn, bám sát quy chế cuộc thi: Ca ngợi tinh thần Việt Nam, ca ngợi công lao của các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội khi giãn cách hoặc cách ly, cũng như tuyên truyền về các cách phòng, chống dịch Covid-19; niềm tin vào Đảng, vào sự lãnh đạo của Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19.

PV: Sau khi nới lỏng giãn cách, nghệ thuật sân khấu có kế hoạch hoạt động gì, thưa bà?

NSND Trịnh Thúy Mùi: Sau gần hai năm ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là trong thời gian dài giãn cách ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nghệ thuật sân khấu nếu có bắt đầu trở lại cũng sẽ từ con số 0. Với việc dàn dựng một vở diễn, khi khởi dựng thường mất 2-3 tháng. Nghỉ giãn cách, vở diễn trở lại ban đầu trên bản thảo kịch bản. Trong khi không ít đơn vị nghệ thuật hiện nay đang phải đối mặt với sự thiếu hụt diễn viên, họ bỏ việc hoặc chuyển sang nghề khác. Nếu đời sống nhân dân ổn định thì tới năm 2023, nghệ thuật sân khấu mới có thể hoạt động bình thường trở lại.

Còn các hoạt động thích ứng khi biểu diễn phát online hay nhà hát truyền hình chỉ là tạm thời và không có chiến lược lâu dài. Bởi đã là nghệ thuật sân khấu, nghệ sĩ phải biểu diễn trực tiếp để mang đến xúc cảm, khán giả khóc hay cười mới tạo nên chất xúc tác để nghệ sĩ thăng hoa. Trong lúc này, mọi ngành nghề đang đối mặt với khó khăn, là nghệ sĩ, chúng tôi chỉ có thể động viên nhau bằng tinh thần thôi.

PV: Được biết hội đang phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức các cuộc thi, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp. Với điều kiện hết sức khó khăn như vậy, làm thế nào để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa có thể tổ chức cuộc thi thành công?

NSND Trịnh Thúy Mùi: Theo dự kiến, tháng 11 tới đây, Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc tổ chức tại Hải Phòng. Tuy nhiên, đến nay chỉ có các đơn vị nghệ thuật phía Bắc đăng ký tham gia. Một số đoàn phía Nam cũng đăng ký, nhưng chưa chắc chắn, do hầu hết là các đơn vị sân khấu tư nhân. Cục Nghệ thuật biểu diễn đề ra chủ trương hỗ trợ kinh phí ăn ở, test Covid-19 trong trường hợp cần. Tuy nhiên, để dàn dựng một vở diễn, rồi lo vé máy bay cho nghệ sĩ đi lại trong thời gian này vô cùng khó. Trước tình hình đó, hội đã ý kiến chia khu vực để tổ chức liên hoan, có thể chia đợt hai diễn ra tại phía Nam vào tháng 12-2021. Còn Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2021 dự kiến diễn ra vào tháng 11-2021 tại TP Hồ Chí Minh sẽ lùi tới trung tuần tháng 11-2022.

Ban tổ chức cũng loại trừ phương án tổ chức trực tuyến, chỉ có thể tổ chức trực tiếp. Bởi tâm lý của các nghệ sĩ khi đến với cuộc thi, liên hoan là để hội tụ, trao đổi làm nghề, đúc rút kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và nhất là cổ vũ tinh thần lẫn nhau chứ để lấy thành tích huy chương chỉ là quyền lợi.

 Các hoạt động của Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921-2021) gồm: Diễn vở “Chén thuốc độc”-vở diễn đầu tiên của kịch nói Việt Nam và Lễ mít tinh kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói tại Nhà hát Lớn Hà Nội (sáng và tối 21-10); Gala “Tinh hoa sân khấu kịch nói 100 năm hội tụ” (tối 27-10). Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ diễn tác phẩm nổi tiếng của các tác giả Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Nghi... trong điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch.

 

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

VƯƠNG HÀ (thực hiện)