Nhiếp ảnh gia này đã trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về cuốn sách ảnh “Các dân tộc Tây Nguyên”, vừa phát hành vào dịp đầu Xuân Kỷ Hợi 2019. Đây là cuốn sách giới thiệu về 11 dân tộc Tây Nguyên, trong số 475 bức ảnh của 17 tác giả có tới 238 bức ảnh của tác giả Nguyễn Văn  Kự.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Kự.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết điểm độc đáo của cuốn sách ảnh “Các dân tộc Tây Nguyên”?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Kự: Cuốn sách này gồm các bức ảnh và chú thích giới thiệu rõ nét về các dân tộc tộc Bana, Brâu, Rơ Măm, Xơ Đăng... của 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

17 tác giả cùng nhau thực hiện cuốn sách này hầu hết đều gắn bó lâu năm với các hoạt động nghiên cứu về Tây Nguyên. Cùng với ảnh, trong cuốn sách này còn có bài tổng quan “Các dân tộc Tây Nguyên và văn hóa cổ truyền”, đồng thời từng dân tộc có bài giới thiệu riêng. Tất cả nhằm thực hiện ý tưởng cố gắng cung cấp cho bạn đọc cái nhìn trung thực cùng những tư liệu phong phú để nhận biết về văn hóa và cuộc sống của các dân tộc Tây Nguyên trong sự vận động và biến đổi. Cuốn sách cũng phản ánh nhiều khía cạnh hiện trạng cuộc sống và văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, đồng thời qua đó có thể giúp độc giả tìm hiểu về vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cổ truyền trong thực tế cuộc sống ở Tây Nguyên. Vì thế, nội dung cuốn sách vừa thích hợp cho độc giả phổ thông, vừa hữu ích cho những ai quan tâm sâu đến các tộc người Tây Nguyên và văn hóa của người dân vùng đất này.

Điểm độc đáo của cuốn sách “Các dân tộc Tây Nguyên” là được tập thể tác giả thực hiện công phu, cẩn trọng. Đây là công trình tiếp nối hai tập sách ảnh cũng do tôi và ông Lưu Hùng thực hiện trước đây là cuốn “Nhà mồ Tây Nguyên” (Nxb. Thế giới, 2003) và “Nhà rông Tây Nguyên” (Nxb. Thế giới, 2006, 2017).

 
Hình ảnh trong cuốn sách “Các dân tộc Tây Nguyên”.
Bìa hai cuốn sách "Di sản văn hóa Chăm" và "Các dân tộc Tây Nguyên".

PV: Tại sao ông luôn đam mê sáng tác về Tây Nguyên như vậy?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Kự: Trước đây, với tôi Tây Nguyên chỉ được biết đến qua sách báo nhưng từ năm 1982, khi lần đầu đến Tây Nguyên thì mảnh đất này đã tạo ấn tượng đặc biệt với tôi bởi sự hùng vĩ của cảnh vật và sự thân thiện của người dân, nét độc đáo về văn hóa truyền thống của người dân Tây Nguyên. Điều này đã thôi thúc tôi tiếp tục đến với Tây Nguyên nhiều hơn. Năm 2003, tôi và một số đồng nghiệp đã hoàn thành cuốn sách ảnh “Nhà mồ Tây Nguyên”. Cuốn sách này phát hành đã được đánh giá cao và một lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Kon Tum nói vui rằng, với những người đã mất mà còn có những tác phẩm nhiếp ảnh ý nghĩa như thế thì tại sao những người đang sống lại không có bức ảnh nào. Vì câu nói vui này đã thôi thúc tôi tiếp tục lăn lộn với đất đỏ, với đồng bào để thực hiện cuốn sách ảnh tiếp theo là “Nhà Rông Tây Nguyên”. Sau cuốn sách này, tôi cũng làm một số cuốn sách về dân tộc Chăm, Nghệ thuật Chăm. Nhưng rồi, tôi vẫn say xưa với Tây Nguyên và vẫn muốn quay lại nơi này. Năm ngoái, tuy đã 79 tuổi nhưng tôi vẫn 2 lần trở lại Tây Nguyên, lần thứ nhất tôi đi Đà Lạt, lần thứ hai đi Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc thăm lại toàn bộ những nơi đã đến.

PV: Điều gì đã thôi thúc ông luôn dành tình cảm cho mảnh đất này?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Kự: Năm nay tôi đã 80 tuổi, sức khỏe đã tuy đã yếu nhưng tôi vẫn muốn tiếp tục muốn làm những cuốn sách khác về Tây Nguyên. Một trong những người đã tạo động lực và động viên tôi dành thời gian, tâm huyết thực hiện những tác phẩm nhiếp ảnh về Tây Nguyên và các dân tộc Việt Nam là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 2003, tôi mang một cuốn sách về các dân tộc Tây Nguyên đến tặng Đại tướng, sau đó Đại tướng gửi cho tôi 2 tấm thiệp, trong đó tấm thiệp thứ 2, Đại tướng muốn tôi tiếp tục chú ý đến những vấn đề dân tộc. Sự động viên, khích lệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thôi thúc tôi tiếp tục làm nhiều cuốn sách ảnh về vấn đề dân tộc Việt Nam. Khi Đại tướng mất, tôi mang cuốn sách song ngữ “Di sản văn hóa Chăm” đặt lên ban thờ để báo cáo với Đại tướng là đã hoàn thành tâm nguyện của Đại tướng lúc sinh thời.

Ngoài Chăm, Tây Nguyên, tôi còn là đồng tác giả của nhiều cuốn sách về các dân tộc Việt Nam, đặc biệt có những cuốn sách như “Đình Việt Nam”, “Chùa Việt Nam” tái bản đến lần thứ 5. Cuốn sách này giúp ích rất nhiều cho những người làm công tác nghiên cứu. Ngoài ra, tôi còn tham gia thực hiện cuốn sách ảnh “Người Xơ Đăng ở Việt Nam”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Kự tặng sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân.

PV: Cuốn sách nào về các dân tộc mà ông cảm thấy tâm huyết nhất?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Kự: Thực ra mỗi cuốn sách có ý nghĩa khác nhau, cuốn nào tôi cũng dành nhiều công sức và tâm huyết để thực hiện nên tôi coi mỗi tác phẩm đều có cái hay riêng, phản ánh những nét đặc sắc của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Cuốn “Di sản văn hóa Chăm” tái bản lần thứ 5 tại Việt Nam. Cuốn sách nào tôi thấy thích bởi được độc giả đón nhận. Đến nay, tôi đã xuất bản được 9 cuốn sách về đồng bào các dân tộc Việt Nam.

PV: Những cuốn sách của ông và các cộng sự đã xuất bản không nhằm mục đích kinh doanh, phải chăng điều ông muốn hướng đến là trở thành một người “chép sử bằng hình” để thỏa niềm đam mê chụp ảnh về đồng bào các dân tộc.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Kự: Điều tôi muốn hướng đến là được chụp thật nhiều ảnh và xuất bản nhiều sách về đồng bào các dân tộc. Tôi cũng như các đồng nghiệp khi chọn mảng đề tài này để in sách thì sẽ không nhằm mục đích kinh tế bởi đây không phải là mảng đề tài sách bán chạy. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thực hiện bởi ngoài niềm đam mê nhiếp ảnh, tôi muốn được đặt chân đến các vùng đất của đồng bào các dân tộc để hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa của bà con. Ngoài ra, với mong muốn  lưu lại tư liệu cho thế hệ sau này và những người làm công tác nghiên cứu văn hóa dân tộc nên chúng tôi quyết tâm đến tận nơi đồng bào dân tộc sinh sống để có những bức hình ưng ý.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Kự đã được nhận các giải thưởng: Cuốn sách ảnh “Di sản văn hóa Chăm” được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục cuốn sách thực hiện bằng nhiều thứ tiếng; Bằng chứng nhận của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trao tặng  giải C Giải thưởng Công trình sách ảnh xuất sắc năm 2013 dành cho cuốn “Di sản văn hóa Chăm”; giải Bạc sách hay cuốn “Nhà Rông Tây Nguyên” do Hội Xuất bản Việt Nam trao tặng…

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)