QĐND Online - Cách Hà Nội khoảng chừng 25km về phía Tây Bắc, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội được biết đến với nghề làm chuồn chuồn tre.

Người dân tự sáng tạo, trang trí hoa văn lên chuồn chuồn

Nhiều công phu

Tìm về ngôi làng nổi tiếng với sản phẩm chuồn chuồn tre, chúng tôi được chứng kiến hàng trăm, hàng nghìn con chuồn chuồn tre muôn màu sắc được hình thành trên những đôi bàn tay khéo léo của người thợ nơi đây.

Để có được những sản phẩm chuồn chuồn tre đẹp mắt, cuốn hút người xem, đòi hỏi người thợ trải qua hơn 10 công đoạn khác nhau. Anh Nguyễn Văn Tái đã có hơn 10 năm làm chuồn chuồn tre cho biết, trông có vẻ đơn giản nhưng quá trình làm phải trải qua khá nhiều công đoạn khó, đặc biệt là đo vẽ, lắp ghép các mảnh tre không được lệch chuẩn và đảm bảo tỷ lệ hợp lý mới giúp chuồn chuồn đứng được bằng miệng ở trạng thái cân bằng. Mặc dù địa phương có nhiều tre, trúc nhưng những nghệ nhân làng Thạch Xá phải cất công lên tận Hà Giang, Hòa Bình nhập nguyên liệu để đảm bảo độ mềm, dẻo, bền. Sau khi nhập tre, trúc về, họ sẽ tiến hành cạo tinh (lớp vỏ ngoài) rồi đem phơi, sấy khô để tránh ẩm mốc. Tiếp đó, thân tre được chia thành nhiều gióng hoặc đoạn nhỏ tùy thuộc vào kích cỡ con chuồn chuồn. Để làm nên những phần thân, cánh, người thợ phải khoan lỗ trên thân nan để lắp cánh chuồn chuồn và tạo mỏ, đây còn được gọi là điểm tựa cho chuồn chuồn tre. Khó nhất trong quá trình tạo hình chuồn chuồn đó là vót đuôi và bẻ cho phần đầu hơi cong sao cho khi đặt xuống mặt phẳng thì chuồn chuồn trông như thật, anh Tái cho biết thêm.

Để tạo được ấn tượng, những con chuồn chuồn được sơn và trang trí lên rất nhiều hoa văn, họa tiết khác nhau, công đoạn này, người thợ cần khéo léo để bóp đều sơn ra, nếu không sẽ bị loang màu, chất liệu sơn ta sẽ giúp cho sản phẩm vừa bền, vừa đẹp. Điều đặc biệt là các hoa văn, họa tiết đều được những người thợ tại địa phương tự sáng tạo ra, do đó chuồn chuồn tại Thạch Xá luôn có sự thu hút, hấp dẫn riêng biệt.

Những chú chuồn chuồn tre được phơi khô khi sơn xong.

Có rất nhiều loại kích cỡ chuồn chuồn tre khác nhau, loại nhỏ nhất dài 8cm, lớn là 18cm, nhưng được đặt hàng và bán chạy nhất là chuồn chuồn dài 10cm. Nhờ sự cân bằng của đôi cánh mà những con chuồn chuồn có thể tự đậu trên nhiều mỏ nhọn hay đầu ngón tay mà không sợ đổ.

Thăng trầm cùng nghề chuồn chuồn tre

Gần 10 năm theo đuổi nghề, anh Nguyễn Văn Đính trải qua biết bao thăng trầm, vất vả. Anh chia sẻ, có thời điểm, anh phải mang sản phẩm đi giới thiệu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, từ những chợ lớn như Đồng Xuân (Hà Nội) đến những phiên chợ quê nhưng không mấy ai hứng thú. Sau này, bằng sự nỗ lực và sáng tạo, sản phẩm đã được nhiều người đón nhận hơn.

Nghệ nhân Đỗ Văn Liên với hơn 20 năm gắn bó với nghề cho biết, gia đình ông có gần 10 thợ, trung bình một ngày làm ra 800 – 1000 sản phẩm. Với giá bán từ 2.000 tới 4.000 đồng/con (tùy vào kích cỡ khác nhau), mang lại thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Có rất nhiều loại kích cỡ chuồn chuồn tre khác nhau, loại nhỏ nhất dài 8cm, lớn là 18cm.

“Trước kia, ngoài việc làm nông nghiệp, gia đình tôi còn bán đồ lưu niệm tại chùa Tây Phương. Trong các mặt hàng giao bán, chuồn chuồn tre là loại được ưa chuộng nhất. Hiện nay, những con chuồn chuồn này không những tạo ra công ăn, việc làm cho gia đình tôi và người dân Thạch Xá, mà còn giúp chúng tôi làm giàu, góp phần đưa sản phẩm của làng quê Việt Nam ra thị trường thế giới”, ông Liên chia sẻ.

Hiện nay, ngoài việc làm chuồn chuồn tre, người dân xã Thạch Xá còn khéo léo tạo ra những mặt hàng làm bằng tre như những con bướm, chim bồ câu, rùa… đầy đủ kích cỡ, màu sắc khác nhau, tạo thêm sự đa dạng trong các mặt hàng.

Những năm gần đây, nhiều gia đình trong làng nghề Thạch Xá đã kết hợp với một số tổ chức xã hội như trung tâm Nghiên cứu và bảo trợ trẻ em Cenforchil (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), tổ chức MyHanoi (Việt Nam) thực hiện dự án nghiên cứu và bảo tồn đồ chơi Việt. Có nhiều người ở nơi xa cũng tìm hiểu, mày mò đến Thạch Xá học làm nghề. Đây là một tín hiệu tốt để nghề thủ công truyền thống của Việt Nam ngày càng phát triển.

Nếu trước kia các hộ gia đình làm chuồn chuồn tại xã Thạch Xá phải tự đi tìm đầu ra cho sản phẩm, thì giờ đây, sau hơn 20 năm phát triển đã có rất nhiều cơ sở đến đặt hàng lên tới hàng trăm nghìn con chuồn chuồn.

Hiện nay chuồn chuồn tre không chỉ là những món quà trong những lễ hội truyền thống hay những món quà lưu niệm mà chúng còn được xuất sang nhiều nước như: Pháp, Mỹ, Nhật... Nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam được thể hiện trên chuồn chuồn tre đã một lần nữa được bạn bè quốc tế biết đến.

Bài, ảnh: THÚY NGUYỄN, KIỀU ANH