Khán giả là nhóm sinh viên của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và một số vị khách ở Hải Phòng trong hành trình về tham quan đất Tổ. Nguyễn Mỹ Linh, sinh viên Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, kể: “Em được xem và nghe hát xoan nhiều nhưng hầu hết qua ti vi và qua các clip trình chiếu bài học của thầy, cô giáo. Nay được trực tiếp xem các nghệ nhân trình diễn những bài xoan cổ, nghe hát mộc, lại được trải nghiệm học gõ phách, hát múa, em thấy rất thú vị”.

Các nghệ nhân phường xoan Phù Đức hướng dẫn du khách trình diễn điệu múa hát xoan cổ trong sân miếu Lãi Lèn.

Trước khi bắt đầu buổi biểu diễn, nghệ nhân giới thiệu ngắn gọn sự tích về miếu Lãi Lèn và nguồn gốc phát tích của hát xoan: “Tương truyền tiết mùa xuân, ba anh em Vua Hùng tìm đất xây dựng kinh đô. Nhà vua về tới đây thấy gò đất nghỉ chân. Bên cạnh có đám trẻ con vừa chăn trâu, vừa chơi trò chơi dân gian vừa hát đồng dao. Nhà vua truyền gọi và chỉnh sửa câu hát, lấy tên hát xuân. Sau tên xuân có tên húy gọi chệch là hát xoan. Ngôi miếu này là nơi phát tích hát xoan đầu tiên từ thời Vua Hùng. Hát cầu mùa màng tốt tươi, cầu sức khỏe, cầu quốc thái dân an…”.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Xuân Hội, Trùm phường xoan Phù Đức cho biết, xã Kim Đức hiện vẫn giữ được 3 phường xoan cổ (Phù Đức, Thét và Kim Đới). Từ khi miếu Lãi Lèn được trùng tu, tôn tạo thành điểm biểu diễn xoan cổ phục vụ du khách, các phường xoan cắt cử người túc trực và lo công tác dọn dẹp vệ sinh, mở cửa đón khách tham quan; làm điểm truyền dạy hát xoan miễn phí cho thế hệ trẻ và người nơi khác đến có nhu cầu. Ngày lễ tết, nhất là dịp Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội đền Hùng, các nghệ nhân chia làm hai ca biểu diễn trong ngày, mỗi ca có từ 12 đến 16 người thường xuyên túc trực.

“Hát xoan trên sân khấu cho phép nghệ sĩ cách điệu, nhưng tại miếu, cửa đình, cửa đền thì hát xoan phải giữ nguyên gốc. Di sản hát xoan có 31 bài cổ như: “Xin huê, đố huê”, “Trống quân đón đào”, “Mó cá”, “Giáo pháo”… đều được truyền từ đời này qua đời khác. Phường xoan chúng tôi có trách nhiệm biểu diễn nguyên bản những bài xoan cổ này, từ giai điệu, lời ca cho đến các bước chuyển động”, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Xuân Hội bày tỏ. Năm nay bước vào tuổi 70, nghệ nhân Nguyễn Xuân Hội vẫn đắm đuối với việc truyền dạy hát xoan cho các thế hệ sau. Ông cho biết, gia đình ông 4 đời hát xoan, đời nào cũng cố gắng giữ gìn các bài xoan gốc. Con trai và các cháu nội của nghệ nhân Nguyễn Xuân Hội tiếp tục được truyền dạy hát xoan và tham gia biểu diễn. Cũng theo lời nghệ nhân Nguyễn Xuân Hội, hiện nay, học sinh từ cấp tiểu học đến THCS đều được dạy hát xoan không chỉ tại các phường xoan mà còn trong nhà trường. Nhờ vậy, hát xoan trở thành nét đẹp trong sinh hoạt hằng ngày của người dân xã Kim Đức.

Trong khuôn viên khang trang của di tích miếu Lãi Lèn còn có Nhà trưng bày nghệ thuật hát xoan đầy đủ tiện nghi và trưng bày khoa học, được coi là một bảo tàng duy nhất về hát xoan Phú Thọ, là nơi vừa giới thiệu, vừa có thể là nhà hát nhỏ trình diễn phục vụ du khách. Bên chiếc chiếu trải trên sân khấu giữa nhà trưng bày, các bà, các chị giúp nhau chít khăn mỏ quạ sao cho đúng, cho chặt, rồi rôm rả kể chuyện, thỉnh thoảng cất lên một câu hát xoan đã thuộc nằm lòng. Nghệ nhân Nhân dân Lê Thị Huệ năm nay gần 80 tuổi, bảo vẫn không quên bài, bản nào. Bà cũng không vắng mặt trong bất kỳ buổi biểu diễn “hát xoan làng cổ” phục vụ du khách gần xa, nhất là dịp Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, dù cổ tay đã yếu, múa không còn dẻo, dù giọng đã không còn thanh, nhưng nghệ thuật hát xoan đã ăn vào máu thịt của bà. “Ngày xưa, các cô, các bà cứ ông trùm nổi hồi trống cái là các đào chạy đến. Thế người ta mới truyền câu: “Trai nghe tiếng trống nức lòng, gái nghe tiếng trống trốn chồng mà đi”, trốn chồng con đi hát. Các cụ ví hay lắm chứ”, nghệ nhân Lê Thị Huệ hồn hậu cười nói.

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN